Gần 30 tuổi, Lý Minh Thắng mới bắt đầu theo đuổi giấc mơ điện ảnh vốn trở đi trở lại trong mong ước. Sáu năm sau, Thắng có bộ phim đầu tay gắn với nơi anh sinh ra và lớn lên - Sài Gòn, anh yêu em. Bộ phim thứ hai của Thắng, đậm đặc không gian văn hóa Nam bộ, đang chờ ngày ra rạp.
Gương mặt lành, cách nói chuyện gần gũi khiến người khác khó tin Thắng là ông đạo diễn quyền lực có thể “khiển” được dàn sao như Thanh Hằng, Lan Khuê, Diễm My, Midu… trong phim Mẹ chồng, đang “gom” sóng viral (độ lan tỏa) trên mạng xã hội từ lúc vừa hé lộ teaser.
Thắng xác định, phim của anh mang tính giải trí nhưng vẫn ấp ôm, gửi gắm dáng hình không gian Sài Gòn, Nam bộ vào những khung hình. Ở địa hạt phim ảnh, Thắng là cái tên rất trẻ và lạ lẫm, nhưng tư duy về nghề của anh đáng để suy ngẫm, giọng phim thì đủ khác biệt để tạo thành dấu ấn riêng.
Công việc nào cũng cần tính thẩm mỹ
* Làm một bộ phim, ra rạp và hút khách đã là bài toán đau đầu. Ấp ôm thêm không gian văn hóa có khiến anh thêm mệt?
- Tôi là người làm phim vẫn đang loay hoay tìm đường, nhưng luôn khát khao mỗi bộ phim của mình phải là câu chuyện có yếu tố văn hóa, đời sống của người Việt. Phim ảnh có sức lan tỏa rất lớn nên bên cạnh yếu tố giải trí thì cần kể, nhắc nhớ hoặc gợi lại cho khán giả những điều thú vị trong đời sống mà đôi khi họ bị guồng quay bộn bề cuốn đi.
Chọn Sài Gòn, Nam bộ bởi tôi sinh ra, lớn lên ở thành phố này. Ký ức tuổi thơ tôi còn in đậm những câu hát, điệu cải lương từ những lần theo chân ngoại đến rạp Văn Cầm, Công Lý, cả lối sống, cách ăn vận, xưng hô thời đó cũng trở thành một phần máu thịt.
Tôi tâm niệm, nhắc về văn hóa không chỉ ngày một, ngày hai, không chỉ một người hay một lĩnh vực nào đó, mà cần sự chung tay của nhiều người, dần dần sẽ tạo nên sự cộng hưởng. Tất nhiên, người làm phim phải kể bằng góc nhìn của người trẻ để gần hơn với họ, giáo điều sẽ khiến họ thấy xa lạ, ngại tiếp cận.
* Với phim Mẹ chồng, bên cạnh trang phục, anh còn chuyển tải những gì thuộc phạm trù vừa chia sẻ?
- Tôi muốn nhắc lại tục lệ cưới hỏi ở miền Nam, nếp ăn nếp ở trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngày trước. Trong bữa cơm đầu tiên về nhà chồng, con dâu phải làm những gì.
Tôi sử dụng những bài ca dao, đồng thoại thuở nhỏ con nít thường hát khi chơi ô ăn quan, nhảy lò cò mà đứa nào cũng rất tự hào khi thuộc. Ngay cả trang phục cũng có nét mới mẻ. Từ trước đến nay, không ít phim Việt nâng niu chiếc áo dài mà quên rằng, áo bà ba cũng có lịch sử, đời sống thăng trầm không kém.
Tôi nhờ Thủy Design House cách điệu chiếc áo thân thương gắn liền với hình ảnh của ngoại, của mẹ để đưa vào phim, mong chạm đến người xem bằng vẻ đẹp hồn hậu vốn có, cả sự mãn nhãn được ngắm những chiếc áo đẹp từ hình dáng, màu sắc đến đường cắt may.
* Anh yêu phim như vậy, sao không đến với nó ở tuổi đôi mươi mà lại vòng vèo suốt chừng ấy năm?
- Có lẽ vì tôi là người chậm trong suy nghĩ, thích chiêm nghiệm, chắc chắn. Một phần có lẽ tôi hơi thiếu tự tin. Do vậy, thích phim ảnh đã lâu nhưng tôi mới bắt đầu theo học ở tuổi “tam thập”, khi lẽ ra đã phải ổn định về sự nghiệp, nhà cửa, gia đình.
Ý thức được xuất phát điểm của mình không bằng nhiều người, tôi phải học, quan sát, trò chuyện, cảm nhận mọi thứ thật dày mới bắt tay làm. Trong bất kỳ công việc nào, tính thẩm mỹ rất quan trọng, nói dễ hiểu là có mắt nhìn. Muốn không bị lẫn với người khác, công việc mình làm phải có tính thẩm mỹ riêng, như vậy mới bật lên được.
Sáu năm sau khi tốt nghiệp, tôi có bộ phim đầu tay, không quá dài cho tình yêu điện ảnh. Đó là khoảng thời gian cần thiết để mình học hỏi, quan sát, đúc kết, chuẩn bị tinh thần, năng lượng cho một chuyến đi dài hơn.
|
Nghệ sĩ Trung Dân, diễn viên Huỳnh Lập trong Sài Gòn, anh yêu em - phim điện ảnh đa tuyến đầu tiên của Việt Nam, được nhiều khán giả yêu thích
|
Đã thôi sợ thử thách
* Tôi tán đồng suy nghĩ này của anh. Ở khía cạnh vĩ mô, đây quả là câu chuyện dài. Tôi tò mò, trước khi làm phim, anh gắn bó với công việc gì, đâu là lý do giúp anh đủ can đảm thực hiện Sài gòn, anh yêu em?
- Tôi học mỹ thuật công nghiệp, làm đồ họa vi tính ngay thời điểm đó là công việc xu hướng. Nó cho tôi đời sống thoải mái nhưng tôi thích những thước phim hơn, mà khởi điểm là phim quảng cáo.
Tôi thi vào trường sân khấu, vừa học vừa làm. Tốt nghiệp, thầy tạo điều kiện cho tôi về SCTV. Lúc đó, phim truyền hình đang ở giai đoạn cực thịnh, nhưng là người hơi chậm, không phù hợp xoay theo guồng đó nên tôi xin thầy ra ngoài. Tôi xác định lấy công việc chụp ảnh, quay MV quảng cáo để nuôi dưỡng giấc mơ điện ảnh, đồng thời tạo dựng các mối quan hệ của mình.
Trong nghề, tôi xin theo anh Vũ Ngọc Đãng vừa làm phó cho anh, vừa học thêm. Anh như người thầy của tôi. Ra làm phim, tôi may mắn gặp được nhà sản xuất hiểu, tạo điều kiện cho mình, có một ê-kíp ăn ý, Tổ thương.
* Là người mới, anh có phải thỏa hiệp, cả nể để được làm công việc mình yêu thích?
- Đạo diễn làm phim chịu sức ép từ rất nhiều phía, đặc biệt là kinh phí, làm sao trong hạn mức đó mình vẫn có thể sáng tạo, bay nhảy được. Với tôi, ở cả hai phim, kinh phí đều là áp lực, nhưng tôi xem đó là yếu tố tích cực để mình làm tốt hơn chứ không bi quan kiểu “Sao ép tôi quá?”.
Cũng hơn một lần tôi tự hỏi, mình có phải là đạo diễn dễ thương lượng không? Câu trả lời của tôi ở chiều hướng ngược lại: Nếu ôm một cục tiền dư dả thì ai cũng có thể làm được, nhưng với bài toán khó mà vẫn xoay xở tốt để sáng tạo, mình vẫn sướng hơn. Nếu là người thỏa hiệp, tôi chỉ làm vừa đủ số tiền được cấp, nhưng như vậy không thỏa mãn.
Tôi muốn cân đối giữa kinh phí sản xuất và sự sáng tạo của mình. Tôi quan tâm, đau đáu nghĩ về nó nên tìm cách xoay xở, tiết kiệm. Khi yêu, hết lòng vì một điều gì đó, bạn sẽ tìm ra được hướng giải quyết. Nói như vậy không có nghĩa là nhà sản xuất được quyền o ép quá đáng, kinh phí phải ở mức chấp nhận được.
* Từ Sài gòn, anh yêu em sang Mẹ chồng, anh rút được những kinh nghiệm nào để bộ phim tốt hơn?
- Nếu học thì học mãi không hết được, đặc biệt là với cái tính mày mò của tôi. Với Mẹ chồng, tôi vẫn có cảm giác đây là bộ phim đầu tiên của mình. Sự háo hức, tình yêu tôi dành cho nó hệt như với Sài gòn, anh yêu em. Nó đặt cho tôi nhiều thử thách, về thể loại, cách kể chuyện trong một không gian hẹp... Tôi học được cách tiếp cận, triển khai vấn đề chính xác hơn, từ bối cảnh, đạo cụ, cho đến đẩy cảm xúc của diễn viên lên.
Tuy nhiên, điều thú vị nhất tôi học được là hãy quăng mình vào thử thách thay vì lo sợ như trước đây, hễ không đúng sở trường thì đừng làm. Cứ quẩn quanh trong vòng an toàn thì không bao giờ khám phá được bản thân, không phát hiện được những khả năng lẩn khuất đâu đó bên trong, chưa có dịp bộc lộ.
Cú vấp tâm hồn
* Trong đời sống, anh có khám phá thêm điều gì về bản thân?
- Tôi vẫn vậy, không có nhu cầu cao, từ xe cộ, nhà cửa... Bạn tôi bảo: “Tao thấy cái xe đó hợp với mày, mua đi, góp cũng được, cho đỡ cực”. Tôi cười vì tiền đâu mà mua, nếu dư dả một chút, có nhu cầu thực sự thì tôi sẽ mua. Tính tôi vậy, từ đời sống đến công việc, tôi đều đến bằng sự thong thả, bằng cái tình, cái duyên. Thoải mái, cảm nhận, hết mình với nó.
* Người có được sự điềm tĩnh như vậy thường trải qua một đoạn nào đó khó khăn trong đời, phải không anh?
- Mất mát lớn nhất, cũng là giai đoạn đen tối nhất cuộc đời tôi là khi ngoại qua đời. Ông bà nội mất khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, ba tôi là thủy thủ, rong ruổi suốt. Mỗi lần được mẹ chở về thăm ngoại, tôi thích lắm. Tôi lại là cháu trai duy nhất nên ngoại rất cưng.
ĐD Lý Minh Thắng
Đi qua cột mốc đau đớn, không phải tôi sẽ chững chạc ngay, nhưng nó đủ dài, đủ sâu, đủ đau để tôi dừng lại. Nó cho tôi bài học, một khi đã sai thì phải chấp nhận, thay vì cố chống chế, làm tổn thương người khác. Một khi đã làm thì phải dốc lòng, nếu không được đón nhận, mình cũng không hối tiếc.
|
Ba tôi mất không lâu sau đó, mẹ đi buôn xuôi ngược, tình cảm giữa hai bà cháu càng gắn bó. Ngoại lo cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện vặt vãnh như cắt móng tay, móng chân. Tôi sợ đau, không cho ai đụng vào, ngoại phải kêu bà làm móng dạo về cắt cho tôi.
Khi lớn, ta thường bỏ quên người bạn thuở ấu thơ bởi môi trường mới, bạn bè mới. Vào đại học, tôi bắt đầu được về khuya, có thể la cà với bạn bè. Tôi học năm nhất thì ngoại đổ bệnh. Mải chơi và bận yêu, tôi không để ý nhiều. Kể cả lúc ngoại vào viện, không dám mổ vì sợ không được gặp cháu, tôi vẫn nghĩ rồi mọi chuyện sẽ lại êm đềm như trước kia.
Đêm ngoại sắp đi, không nói được nữa, sức cạn nhưng chỉ duy nhất tôi để tay vào thì ngoại nắm chặt. Lúc ấy, tôi mới thấy mình vô tâm, cảm giác bất lực trào lên, bóp nghẹt tim. Tôi dằn vặt, nếu dành thời gian ở bên thì ngoại đã không yếu, đã không đi sớm như thế.
|
Lý Minh Thắng chỉ đạo diễn xuất trên phim trường Mẹ chồng
|
Ở đoạn tối nhất của cuộc đời, người ta không đủ sức nhìn thấy bất cứ thứ gì sáng nữa. Tôi thất tha thất thểu, trốn học, bế tắc, chia tay người con gái mình yêu. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ, đó là cô gái tốt nhất nhưng mình không biết cách giữ. Mẹ tôi xót con, song bà là người mạnh mẽ, gồng gánh gia đình trong vai trò cả cha lẫn mẹ, nên chỉ nói: “Nếu thấy mày như vậy, ngoại sẽ buồn lắm!”. May mà câu nói ấy đã làm tôi “tỉnh giấc”.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)