Là tay ngang bước vào điện ảnh nhưng Lý Hải làm phim ngày càng chắc tay. Anh không chỉ cho thấy sự nghiêm túc mà còn chứng minh bản thân là một nhà làm phim thông minh, nhạy bén, hiểu thị trường và dũng cảm theo đuổi hướng đi riêng đến cùng.
Ngày Lật mặt 1 - bộ phim đầu tay của Lý Hải - ra rạp, một số ngạc nhiên, số còn lại nghi ngờ, không tin ca sĩ Lý Hải có thể làm được phim điện ảnh. Lý Hải nói, không ít người tìm gặp diễn viên trong đoàn dò hỏi, ai mới thực sự là đạo diễn của bộ phim. Phim thắng doanh thu phòng vé, Lý Hải nhận về những nụ cười mỉa, rằng anh ăn may. Lật mặt 2, Lật mặt 3 tiếp nối sau đó, tiếp tục thắng doanh thu dù thời điểm ra mắt đụng độ nhiều phim nặng ký, kể cả Việt Nam và quốc tế.
Tháng 4/2019, Lý Hải tiếp tục giới thiệu đến khán giả Lật mặt 4 - Nhà có khách. Lần này, Lý Hải phát hành song song phim ở cả hai thị trường Việt Nam và quốc tế.
Nghe Lý Hải nói chuyện làm phim thật ra cũng là nói chuyện đời. Tính cách của anh thể hiện qua câu chuyện, cách kể, cách dựng phim - một người thẳng thắn, đơn giản và bình dân nhưng chưa khi nào thôi học hỏi.
Điện ảnh Việt cần khán giả và sự hỗ trợ của Nhà nước
Phóng viên: Nhiều nhà làm phim Việt Nam bắt đầu nuôi hy vọng bán phim ra thị trường nước ngoài song song thị trường trong nước. Hình như, anh cũng không là ngoại lệ?
Đạo diễn Lý Hải: Tôi nuôi hy vọng này từ khi làm Lật mặt 2. Thời điểm đó đã có đối tác ngỏ lời cùng vợ chồng tôi. Tuy nhiên, điều gì cũng cần phải có quá trình chuẩn bị. Trong điện ảnh, tôi là lính mới hoàn toàn, còn phải học hỏi nhiều. Nếu đã quyết tâm bán phim song song tại hai thị trường, ngay từ khâu viết kịch bản, phải nghĩ với kịch bản này, thị trường quốc tế có chấp nhận không. Để phim trụ vững và kéo khán giả trong nước tới rạp là điều chẳng dễ dàng, mang phim ra nước ngoài thì nỗ lực càng phải nhiều hơn nữa. Ai cũng có quyền ước mơ nhưng được hay không lại là chuyện khác. Dù vậy, ít ra mình cũng đã phấn đấu.
|
Hậu trường phim Lật mặt 4 của đạo diễn Lý Hải |
* Ngoài kịch bản, âm thanh, tiếng động đạt chuẩn, còn cần yếu tố gì để mang phim Việt ra quốc tế theo hướng phát hành thương mại?
- Về mặt âm thanh, phim phải đạt chuẩn Dolby (được truyền tải chân thật và chi tiết nhất - PV). Về hình ảnh, bản thân nhà làm phim phải tự nâng cấp và làm tốt nhất sao cho thành phẩm chỉn chu, sạch sẽ. Tôi nghĩ, khán giả nào đến rạp cũng muốn được xem một bộ phim được trau chuốt về mọi mặt.
Không ít khán giả thường chia sẻ, phim Việt Nam nhiều sạn. Tôi thấy phim nước ngoài cũng thế thôi. Có lẽ do tâm lý hướng ngoại của phần đông người Việt nên người ta thường dễ dãi với phim ngoại nhưng lại săm soi cặn kẽ phim nội. Tất nhiên cũng vì có những phim Việt thật sự quá tệ. Tôi mong khán giả đừng vì vậy mà mất niềm tin, bởi phim Việt cũng có không ít sản phẩm chất lượng.
* Để điện ảnh Việt ra thế giới còn cần nhiều hơn, không chỉ là khán giả, phải không anh?
- Để điện ảnh Việt vươn ra thế giới, chính phủ cần có các quỹ tài trợ cho những nhà làm phim trẻ tài năng sang những nước có nền điện ảnh phát triển học từ làm phim, viết kịch bản cho đến sản xuất, phát hành.
Thực tế hiện nay môi trường làm phim tại Việt Nam đa phần là tự phát. Nhà sản xuất, đạo diễn nếu có đam mê thì tự tìm tòi, học hỏi. Ngay chính vợ chồng tôi, muốn đưa phim ra nước ngoài, cũng phải tự mày mò, tìm đường qua các mối quan hệ. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu lộ trình này nhận được sự quan tâm, tư vấn hỗ trợ từ phía Nhà nước, không chỉ cho riêng phim của tôi mà còn là bất kỳ phim Việt nào muốn ra nước ngoài.
|
Đạo diễn Lý Hải (bìa trái) cùng các diễn viên trong phim Lật mặt 4 |
Cốt lõi của một bộ phim hay là kịch bản
Tôi hạn chế những hoạt động xuất hiện trước công chúng mà liên quan đến các con, trừ phi hoạt động đó tốt cho việc giáo dục chúng. Tôi muốn tránh cho các con va chạm nhiều với giới giải trí, tránh suy nghĩ lệch lạc hoặc ảo tưởng về danh tiếng vì chúng còn quá nhỏ, chưa phân biệt được tốt-xấu, đúng-sai. Tôi thường chỉ dạy cho các con những gì cơ bản nhất trong cuộc sống. Các con đi học ở trường mẫu giáo bình thường như các bạn, ra khu vui chơi giải trí bình thường. Tôi muốn để các con cảm nhận và hiểu được rằng các con cũng như mọi người bình thường.
Đạo diễn Lý Hải
|
* Đến bộ phim thứ tư, hẳn là tay nghề và tư duy làm phim của anh trưởng thành hơn rất nhiều?
- Chưa bao giờ tôi thấy mình trưởng thành. Lúc nào, tôi thấy mình cũng phải học. Phim vừa chiếu rạp, tôi đứng xem thì ngay lập tức nhận ra những điểm chưa được và muốn sửa. Tôi tự nhủ nếu có cơ hội, sẽ làm tốt hơn.
Đối với tôi, một bộ phim phải thắng từ kịch bản. Hiện tại, nguồn kịch bản của Việt Nam thiếu trầm trọng, nên phải vay mượn rất nhiều từ phim nước ngoài. Nếu muốn cải thiện, ít nhất phải có nguồn lực từ các bạn trẻ được đào tạo chuyên về biên kịch. Kịch bản tốt thì tầm nhìn mới rộng và tốt hơn. Song song đó là học sản xuất, các khâu làm ra một bộ phim, góp phần thay “máu”, chuyển dịch điện ảnh từ từ.
* Vậy nếu có biên kịch giới thiệu dự án, anh có sẵn lòng nhận lời làm phim?
- Trong vài năm qua, tôi nhận được rất nhiều kịch bản của các bạn trẻ. Tôi tự nhủ gặp kịch bản hay chắc chắn sẽ mua nhưng có lẽ tôi chưa đủ duyên để gặp được tác giả chuyên nghiệp. Phần kịch bản của các bạn, nếu sử dụng được cũng chỉ là ý tưởng. Nếu mua ý tưởng rồi viết lại sẽ vất vả hơn rất nhiều so với kịch bản mới. Lý do thứ hai xuất phát từ việc nguồn kịch bản tôi đang để dành vẫn còn rất dồi dào. Lúc nào cạn, tôi sẽ tích cực tìm mua.
|
Gia đình nhỏ của ca sĩ Lý Hải |
* Với anh, điện ảnh khó nhất ở điểm nào?
- Là câu chuyện. Khi bạn có một câu chuyện tốt, bạn sẽ có bộ phim tốt. Còn câu chuyện nhạt nhẽo thì... rất khó để có một bộ phim hay. Cũng may, tôi có thể kể tốt câu chuyện bằng chữ, bằng hình. Cách kể của tôi khác ở chỗ, nó đi thẳng vào vấn đề, giống như con người tôi. Ở nhà, nói chuyện với bà xã, con cái, tôi thường nói thẳng. Tôi cũng quan sát xem khán giả thích và không thích gì. Cái nào khán giả thích thì chúng tôi bám vào khai thác đến cùng, nhưng không vì vậy mà vợ chồng tôi mải mê chạy theo lợi nhuận. Các bộ phim của tôi đa phần đều có ngụ ý chứ không chỉ chọc cười hay hù dọa khán giả.
Nhiều người vẫn chưa chấp nhận chuyện tôi trở thành đạo diễn
* Anh từng chia sẻ sợ khán giả đặt niềm tin vào bản thân. Nhưng đã bốn phim rồi và phim sau luôn tốt hơn phim trước, thì kỳ vọng hẳn là điều khó tránh. Áp lực là điều hiển nhiên.
- Áp lực thì tôi nghĩ nhà làm phim nào cũng có, quan trọng là tiêu chí mình đề ra để giảm áp lực. Vợ chồng tôi không đặt mục tiêu phim phải thu về bao nhiêu tỷ đồng, rồi mất ăn mất ngủ, nghĩ chiêu trò truyền thông để kéo khán giả. Mục tiêu của chúng tôi dừng ở điểm, phim đừng lỗ vốn là được. Lời thì mừng, nhưng lỗ vốn đồng nghĩa với việc ra đường ở. Lần này, mục tiêu ấy còn nằm ở việc phim được phát hành ngoài Việt Nam.
* Bây giờ thì phim của Lý Hải đâu còn khó kêu gọi nhà đầu tư như ban đầu?
- Lúc Lật mặt 1 kết thúc, đến Lật mặt 2 đã có rất nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác. Nhưng có lẽ tính tôi thích “cây nhà lá vườn” nên muốn tự làm. Phần là vì tính tôi hơi nghệ sĩ, không thích tính toán chi ly. Nhiều khi kinh phí dự trù cho phim là 10 tỷ đồng nhưng, làm phim cũng như xây nhà, sẽ có những khoản phát sinh đội lên thành 12 hay 15 tỷ đồng.
Nếu mình làm với nhà đầu tư, lúc hụt kinh phí thì tiền đâu mà bỏ vào? Bối cảnh thực tế khác nhiều lắm so với kịch bản, dẫn đến các khoản dự trù như máy móc, thiết bị, diễn viên quần chúng… sẽ thay đổi theo. Lúc đó, để phim có thể tiếp tục, mình phải làm đề xuất, tường trình… rồi họp hành để bàn cách giải quyết. Những phiền phức, rắc rối như vậy sẽ làm mình nản chí, tâm trạng đâu mà làm tiếp.
Trailer phim Lật mặt: Nhà có khách
* Không ít cặp vợ chồng bất đồng quan điểm về điều chỉnh kinh phí khi chồng là đạo diễn, còn vợ làm nhà sản xuất. Vợ chồng anh thì sao?
- Chưa bao giờ vợ tôi can thiệp vào quá trình sản xuất của tôi vì luôn tin tưởng chồng. Bản thân tôi cũng luôn cảnh giác và kiểm soát mình - làm thế nào để chi phí thấp nhất mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Với những đại cảnh, mình không thể làm ọp ẹp rồi quay, khán giả nhận ra ngay. Nên cách của tôi thường là “lấy công làm lời”, cái gì cũng xắn tay vào, làm cùng anh em. Vất vả một chút nhưng có thể giảm chi phí.
* Phim của Lý Hải, bốn phần rồi vẫn không có ngôi sao phòng vé.
- Tôi tin tưởng vào kịch bản, chất lượng phim của mình. Nếu kịch bản không hay, ê-kíp không tận tâm thì cho dù diễn viên ngôi sao vẫn không thể có một bộ phim chỉn chu. Tôi không chê ngôi sao. Nếu có thể làm việc cùng ngôi sao thì vẫn thích chứ! Nhưng với số thù lao trả cho ngôi sao, tôi có thể dùng đầu tư vào bối cảnh chi tiết hơn, đẹp hơn. Phần còn lại có thể mời những diễn viên trẻ, biết diễn và yêu nghề. Người trẻ cũng cần cơ hội để phát triển mà.
* Bốn phần có nội dung đều khác nhau nhưng vẫn giữ thương hiệu “Lật mặt”. Đó có phải là chỉ dấu nhận diện?
- Đúng là như vậy. Thời điểm làm Trọn đời bên em phần 5, 6, tôi đã nuôi ý định làm điện ảnh nhờ gợi ý của một người bạn, dù hồi đó tôi không biết sẽ làm phim như thế nào, làm thế nào để phim của mình có thể chiếu tại rạp. Khi Trọn đời bên em phần 10 kết thúc, tôi bắt đầu ấp ủ cho giấc mơ lớn ấy.
Mà nếu chỉ ước thì làm sao có phim. Vậy là tôi xách cặp đi học lại biên kịch, quy trình sản xuất phim, đạo diễn. Năm 2013, tôi viết kịch bản Bí mật lại bị mất, làm cùng anh Nhật Cường để có thêm kinh nghiệm. Kịch bản Lật mặt 1 viết trong vòng một năm, cầm đi chào nhà đầu tư khắp nơi đều bị từ chối. Mời diễn viên ròng rã cũng không ai chịu đóng. Không ai tin một Lý Hải ca sĩ có thể làm được phim...
|
Lý Hải trên phim trường. Trong phim, anh vào vai người đàn ông bắt rắn và chuột tại nghĩa trang để bán. |
* Nhưng rồi phim đã ra rạp…
- Hồi Lật mặt 1 ra rạp, tôi đứng trong góc hồi hộp xem phản ứng của khán giả. Thấy khán giả cuốn theo phim, lòng tôi sung sướng không biết diễn tả thế nào. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cứ nghĩ là “trời ơi, thành công này như từ trên trời rơi xuống”. Thật không thể tin vào mắt mình nữa.
* Sự hoài nghi đó vẫn còn và sẽ tăng khi thông tin phim anh phát hành ra nước ngoài?
- Thực sự tôi cũng đã chuẩn bị đón nhận tình huống đó và đã quen với điều đó. Tôi nghĩ mình chẳng thể kiểm soát được, cũng chẳng đủ thời gian quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Cho đến bây giờ, tôi biết, nhiều người vẫn chưa thể chấp nhận chuyện tôi trở thành đạo diễn. Tôi đón nhận điều đó bình thường lắm. Bản thân tôi ra đường vẫn thích khán giả gọi mình là ca sĩ hơn. Điều duy nhất vợ chồng tôi có thể làm là cố gắng làm việc, thực hiện giấc mơ của mình. Tôi luôn ý thức mình phải học, học nhiều hơn nữa vì mình là lính mới.
Sự nổi tiếng như một lớp màn
* Anh đã nổi tiếng vào những năm 20, 30 tuổi trong vai trò ca sĩ. Ở tuổi ngoài 40, anh được biết đến ở vai trò đạo diễn. Anh nghĩ thế nào về thành công và danh tiếng?
- Chính vì đã có sự ưu ái của khán giả suốt hai mươi năm qua, tôi cảm thấy sự nổi tiếng như một lớp màn, hết sức bình thường. Đúng hơn, tôi đã không còn nghĩ mình là người nổi tiếng nữa. Tôi chỉ mong mình làm được phim tốt, được khán giả đón nhận. Nói cho cùng, sự nổi tiếng của đạo diễn, ít cảm giác hơn ca sĩ nhiều lắm. Khi bạn là ca sĩ nổi tiếng, bạn ra đường, mọi người trông thấy, ùa vào xin chữ ký, chụp hình, bủa vây khủng khiếp lắm. Còn bạn là đạo diễn, dù nổi tiếng đến mấy, mọi người cũng sẽ chỉ nhìn bạn, mỉm cười và… bước đi.
* Ở những giai đoạn trầm lắng của cuộc đời, anh có hoài niệm về giai đoạn còn là ca sĩ?
- Có chứ. Nhiều lúc nằm mơ, tôi thấy mình đứng trên sân khấu hát cho hàng ngàn khán giả. Tỉnh dậy cứ bần thần khi nhận ra đó chỉ là giấc mơ. Hay những lúc đưa vợ con đi chơi, ngang qua mấy sự kiện, chương trình có ca sĩ đang hát, tôi sực nhớ, mình cũng từng là một ca sĩ, từng hát những chương trình thế này. Cảm xúc cứ thế ùa về. Bây giờ thì tôi quen rồi. Hơn bốn năm rồi còn gì.
* Lũ trẻ có biết cha của chúng từng là ca sĩ nổi tiếng?
- Hai đứa lớn biết, hai đứa nhỏ thì bé quá. Đứa lớn lâu lâu cầm nguyên xấp giấy về, kêu ba ký cho con, miệng tủm tỉm cười. Ảnh khoe ở trường con nổi tiếng lắm vì con là con của ba Lý Hải. Cherry thì được các bạn nhận ra trên đoạn phim ngắn quay cả gia đình. Tôi vui vì các con tự hào về gia đình, về cha mẹ chứ không phải là con của người nổi tiếng.
Tôi rất sợ con bị áp lực nên luôn cố gắng dạy cho con cách thoải mái nhất với cuộc sống. Tôi không muốn các con bị cái bóng của ba làm khó chịu. “Con của ba Lý Hải thì phải thế này, thế kia”, con sẽ có cảm giác làm con của tôi sao mệt quá. Tôi không muốn điều đó. Bản thân tôi cũng chọn cách sống bình dân, có thể mặc quần shorts, ăn cơm bụi như bao người bình thường.
|
Lý Hải và Huy Khánh trên phim trường Lật mặt 4 |
* Mấy mươi năm trong nghề, tôi vẫn có cảm giác anh chưa quen hay đúng hơn là không hòa nhập được với giới showbiz, phải thế không?
- Trong cuộc sống có rất nhiều điều ập đến mà mình không thể ngờ trước. Thiệt thòi khi hùn hạp làm ăn với người khác, đi chơi với bạn bè nhưng sau lưng người ta nói không tốt về mình, vợ chồng tôi cũng cắn răng chấp nhận. Cách của chúng tôi là không giao du, làm việc với họ nữa. Vợ chồng tôi không dùng chiêu trò. Thẳng tính thì thiệt thòi, nhưng thiệt thòi này chúng tôi cam chịu. Chính vì vậy, sau này chúng tôi sống khép kín. Mình không quen, không nhanh nhạy với môi trường đó thì ở nhà cho lành.
* Anh có sợ sự cam chịu sẽ khiến bọn trẻ lớn lên thiệt thòi?
- Tôi nghĩ cuộc sống có quy luật bù trừ và tính hai mặt của nó. Được cái này, mất cái kia và ngược lại. Có người hại mình thì cũng sẽ có người tốt nhìn thấy để giúp đỡ mình. Tôi muốn các con lớn lên bình yên, vui vẻ và sống tử tế, chứ không phải nhanh nhạy kiểu khôn lanh. Quan trọng nhất vẫn là vui và hài lòng với cuộc sống này.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp