Đạo diễn lồng tiếng Nguyễn Đạt Phi: “Phù thuỷ phòng thu”, nghe cũng được nhưng tôi thích sự bình thường

14/06/2021 - 15:43

PNO - Nhờ thích tìm tòi cái mới, Đạt Phi luôn có những cảm hứng mới mẻ trong mỗi dự án, dù đọc một câu quảng cáo, lồng tiếng cho một vai diễn, dẫn chuyện lịch sử hay chọn một diễn viên lồng tiếng.

 Khán giả ở rạp phim từng cười “lọt ghế” với phiên bản tiếng Việt của phim hoạt hình Cuộc phiêu lưu của nhà croods cũng như nhiều phim hoạt hình bom tấn trước đó như Frozen, inside out, Kẻ trộm mặt trăng… hay mở youtube kênh Hùng ca sử Việt, Việt sử kiêu hùng vừa nghe sử vừa tủm tỉm cười… đó là nhờ đóng góp rất lớn của Nguyễn Đạt Phi, người vừa đóng vai trò diễn viên lồng tiếng vừa là đạo diễn lồng tiếng.

Anh ví diễn viên lồng tiếng điều khiển giọng nói của mình tựa như tài xế điều khiển vô-lăng, đó là những kỹ năng muốn giỏi cần trau dồi. Nhờ thích tìm tòi cái mới, Đạt Phi luôn có những cảm hứng mới mẻ trong mỗi dự án, dù đọc một câu quảng cáo, lồng tiếng cho một vai diễn, dẫn chuyện lịch sử hay chọn một diễn viên lồng tiếng. Nhắc đến Đạt Phi, khán giả sẽ nhớ đến một giọng đọc, giọng thoại đẹp và sang dù anh hay hài hước: “Các đạo diễn lồng tiếng nước ngoài thích các chất giọng cá tính, giọng được cho là đẹp và sang như tôi thường rất ế trong phim Mỹ”. 

Đừng đem giá cả ra nói chuyện với các hãng phim lớn

Phóng viên: Có dịp làm việc với các hãng phim hoạt hình lớn như Sony, Disney hay Universal… là những cơ duyên tốt của anh. Đó có lẽ cũng là quãng thời gian thú vị của anh với công việc?

Đạo diễn lồng tiếng Nguyễn Đạt Phi: Vô cùng thú vị, vì tôi học được những điều mới mẻ, xong mỗi phim đều thu được vô vàn kinh nghiệm, từ đó tư duy thay đổi và nuôi những ước mơ lớn hơn. Sau khi làm việc với các hãng phim nước ngoài, tôi phát hiện việc lồng tiếng phim của mình xưa giờ rất chán. Ví dụ, lồng tiếng phim bộ của mình chủ yếu khớp đầu khớp đuôi còn khoảng giữa, điểm dừng và điểm nhấn gần như “đi chơi hết”. Phim đạt chuẩn của họ đều phải lồng tiếng chính xác từng li từng tí và thù lao họ trả xứng đáng. Trong khi đó, thù lao lồng tiếng của mình được trả theo “giá sỉ” và giá ngày càng tệ nên chất lượng lồng tiếng phim bộ của ta vì thế mà giảm dần. 

* Có vẻ thù lao cho diễn viên lồng tiếng luôn là sự bức xúc của anh?

- Tôi hay đấu tranh đòi thù lao thỏa đáng cho anh em. Tôi hiện giờ gần như không lồng tiếng phim bộ nữa, nhưng mỗi lần nghe thù lao của đồng nghiệp vẫn đau đáu vì thấy bất công, thương cho anh em. Khoảng 15 năm trước, lồng một tập phim 45 phút thù lao chừng 60.000 đồng nhưng khi làm cho đài Vĩnh Long, tôi đòi 100.000 đồng rồi 150.000 đồng/tập, không phải đòi cho riêng mình mà đó là giá cho tất cả anh em.

Đạt Phi vừa là đạo diễn lồng tiếng vừa đảm nhiệm việc lồng tiếng nhân vật gấu Baloo yêu đời trong phim The Jungle Book (tựa tiếng Việt: Cậu bé rừng xanh)
Đạt Phi vừa là đạo diễn lồng tiếng vừa đảm nhiệm việc lồng tiếng nhân vật gấu Baloo yêu đời trong phim The Jungle Book (tựa tiếng Việt: Cậu bé rừng xanh)

Sau này, những nhóm khác lại phá giá dần, người thầu phim nhận trọn gói từ dịch, lồng tiếng, biên tập… chỉ 1,5 triệu đồng/tập thì trả cho diễn viên lồng tiếng được bao nhiêu. Phá giá như vậy giống mua rau ngoài chợ, đâu còn là nghệ thuật. Mang tiếng làm nghệ thuật nhưng toàn chà đạp nhau nên tôi… lui. 

Thỉnh thoảng vì những chỗ thân tình, tôi có nhận làm hậu kỳ giá 3,5 triệu đồng/tập, vẫn giá cũ như cách đây hơn mười năm. Tuy nhiên, tôi nói với đối tác sẽ thực hiện mỗi người một vai chứ không phải chỉ có tám, chín người cho cả phim như các nhóm khác (chỉ tám, chín người mà lồng tiếng cho toàn bộ diễn viên trong phim thì không thể hay nổi).

Các hãng phim lớn chỉ cần mỗi diễn viên làm tốt một giọng và lồng một đoạn ngắn thôi đã cực, điểm nhấn chỗ nào ở bản gốc thì bản lồng tiếng Việt phải rơi đúng chỗ đó, la hét chỗ nào phải la hét chỗ đó, khóc chỗ nào phải khóc chỗ đó... Bây giờ, dù không có chuyên gia ngồi sau lưng, chúng tôi vẫn làm kỹ như vậy, không làm ẩu được. Khi làm việc với những đối tác như Disney, Sony, Universal… chúng ta không thể nói chuyện bằng giá cả, họ không nghèo để chờ ta giảm giá. Diễn viên của tôi khi nhận cát-sê của các hãng lớn đều “hết hồn” và tôi bảo đó là thù lao xứng đáng.  

Đạt Phi cùng ê-kíp Đạt Phi Media đảm nhận việc lồng tiếng cho hầu hết các phim hoạt hình bom tấn đã ra rạp tại Việt Nam như Frozen, Câu chuyện đồ chơi, Coco, Soul…
Đạt Phi cùng ê-kíp Đạt Phi Media đảm nhận việc lồng tiếng cho hầu hết các phim hoạt hình bom tấn đã ra rạp tại Việt Nam như Frozen, Câu chuyện đồ chơi, Coco, Soul…

* Với những đòi hỏi cao của các hãng phim lớn, có lẽ diễn viên của anh chịu không ít stress khi làm việc?

- Tôi ít mời những diễn viên cũ vì họ đã quá quen với kiểu làm cũ. Không phải tất cả nhưng đa số diễn viên lồng phim bộ lâu năm thường làm theo kiểu cũ, chưa kể một số người bảo thủ cho rằng mình giỏi, nhất định không chịu thay đổi. Muốn thay đổi, tôi phải đào tạo. Tôi may mắn được tiếp cận, được đào tạo, hiểu cách làm của các hãng phim lớn. Tôi không muốn giữ riêng cho mình mà muốn lan truyền rộng để khi tôi già thì các bạn trẻ sẽ làm và tiếp tục cập nhật xu hướng mới. 

Bây giờ, đội ngũ của Đạt Phi Media đủ sức để làm tất cả những bộ phim mà khách hàng thuê. Diễn viên của tôi có căng thẳng nhưng đều rất háo hức khi nhận vai và sẵn sàng thay đổi để vai diễn của mình đạt hiệu quả tốt nhất. Khi làm đạo diễn lồng tiếng, tôi có thói quen chọn chất giọng giống giọng diễn viên ở phiên bản gốc. Bạn để ý các loạt phim trên Netflix sẽ thấy, ở bản gốc của Mỹ và các bản Nhật, Hàn, Trung Quốc, nhân vật có chất giọng giống nhau nhưng đôi khi đến bản Việt Nam thì diễn viên lồng giọng “trớt quớt”, đó là sai lầm mà Netflix đang rút kinh nghiệm.

Làm việc như tằm nhả tơ sẽ được ngưỡng mộ 

Bình Ngô đại chiến - một tác phẩm hoạt hình lịch sử do Đạt Phi Media và nhóm Đuốc Mồi sản xuất
Bình Ngô đại chiến - một tác phẩm hoạt hình lịch sử do Đạt Phi Media và nhóm Đuốc Mồi sản xuất

* Có rất nhiều phim diễn viên thoại rất tệ, phải nhờ diễn viên lồng tiếng “cứu”, có phải vì họ không cảm được nhân vật của mình?

- Không hẳn vậy. Có những diễn viên diễn rất tốt nhưng không có giọng tốt nên phá vỡ nhân vật của mình. Ví dụ, vai một anh hùng nhưng chất giọng của diễn viên “xẹp lép” là không ổn, vậy nên phải học để biết cách xử lý giọng nói, điều này rất ít người tự nhiên mà có được. Việc đào tạo diễn viên hiện nay đang có nhiều lỗ hổng. Có những bạn được đào tạo diễn viên chính quy nhưng khi thoại vẫn phát âm sai “tè le”, nghĩa là cái gì cũng có học nhưng không kỹ.

Nếu không được học nhiều ở trường, các bạn phải tự nghiên cứu thôi. Tôi cũng tự nghiên cứu là chính. Chỉ cần nhìn khu vực châu Á cũng đã thấy diễn viên rất giỏi, diễn rất chuyên nghiệp, giọng ai cũng hay vì được tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng. Ở ta, đôi khi một người chỉ cần đoạt giải từ một cuộc thi nhan sắc đã đi đóng phim thì làm sao diễn tốt, thoại hay. Không phải cứ hoa hậu là lên phim sẽ đẹp, cái đẹp của phim ảnh rất khác chuẩn của sân khấu thi sắc đẹp. 

* Nghĩa là với cách đào tạo diễn viên của ta hiện nay thì việc lồng tiếng vẫn còn cần thiết phải không, thưa anh?

- Vẫn cần thiết cho tới khi tất cả diễn viên được đào tạo để có giọng nói chuẩn. Lúc đó diễn viên lồng tiếng chỉ còn lồng tiếng cho phim nước ngoài. Cũng như diễn viên nước ngoài, họ chỉ lồng tiếng cho phim nước khác chứ không cần lồng tiếng cho đồng nghiệp nước họ.

Với uy tín của mình, Đạt Phi dễ dàng mời các nghệ sĩ nổi tiếng cộng tác trong những dự án của công ty
Với uy tín của mình, Đạt Phi dễ dàng mời các nghệ sĩ nổi tiếng cộng tác trong những dự án của công ty

* Khán giả thường nhận định công việc lồng tiếng không “cao cấp” bằng đóng phim. Theo quan sát của anh, diễn viên lồng tiếng có mang nỗi lòng đó không?

- Nếu người chọn công việc lồng tiếng cảm thấy yêu thích và sống được bằng nghề thì không có gì phải chạnh lòng. Một người thấy hình, một người thấy tiếng. Người đóng phim thì ước mình có giọng thoại hay còn người lồng tiếng thường ước mình có ngoại hình đẹp để đóng phim.

Nói chung, đó là ước vọng và người ta luôn mơ những điều mình chưa có nên khó nói cái nào cao cấp hơn. Tôi tin, khi một diễn viên lồng tiếng hãnh diện với công việc của mình và luôn hoàn thành xuất sắc tác phẩm thì người ấy là con tằm chăm chỉ nhả ra những sợi tơ đẹp, sẽ được ngưỡng mộ và vinh danh như những nghệ sĩ khác.

Ước vọng về những tác phẩm mang tên Việt Nam 

* Có lẽ khi lồng tiếng cho các phim hoạt hình nước ngoài, anh cũng mơ đến ngày Đạt Phi Media lồng tiếng cho phim hoạt hình Việt Nam và các diễn viên nước ngoài sẽ lồng tiếng cho phim hoạt hình của ta khi ra rạp ở nước họ?

- Lồng tiếng cho các nhân vật hoạt hình hay của Việt Nam chắc chắn có rất nhiều cảm xúc và nếu các nhân vật của ta được những diễn viên nổi tiếng nước ngoài lồng tiếng thì trời ơi, đó là niềm mơ ước khôn nguôi của tôi. Đôi khi lồng tiếng cho một số phim khó, nhất là những bài hát quá khó, tôi ức: “Hừ, chờ một ngày, phim hoạt hình Việt Nam ra nước ngoài, lúc đó chúng tôi hát Dạ cổ hoài lang để các anh hát bằng tiếng Anh cho… lòi bản họng” (cười). 

Đạo diễn Đạt Phi hướng dẫn diễn viên Angela Phương Trinh lồng tiếng cho phim Hoàng Phi Hồng
Đạo diễn Đạt Phi hướng dẫn diễn viên Angela Phương Trinh lồng tiếng cho phim Hoàng Phi Hồng

* Hùng ca sử Việt và Việt sử kiêu hùng là hai kênh lịch sử đang “hot” trên YouTube. Dẫn chuyện và lồng tiếng cho các nhân vật trong đó là công việc không lương mà anh vẫn làm chăm chỉ, hẳn vì anh rất thích?

- Tôi thích cuồng nhiệt và đó là những sản phẩm khiến tôi hãnh diện. Mục đích của kênh này là giúp các bạn trẻ tiếp cận lịch sử một cách hài hước, dễ hiểu, dễ nhớ. Hùng ca sử Việt là kênh của tôi, sau khi ra đời đã trở thành cảm hứng để các bạn nhóm Đuốc Mồi làm kênh Việt sử kiêu hùng đang rất nổi tiếng.

Nhóm Đuốc Mồi làm kịch bản, vẽ hình và nhờ bên tôi làm hậu kỳ. Các bạn trẻ làm giỏi lắm, truyền thông trên mạng, họp báo, PR rầm rộ… nên được nhiều người biết đến và quyên góp được khá nhiều tiền để làm thiện nguyện.

Chúng tôi không có tiền làm phim lịch sử nên dùng tư liệu lịch sử để làm những đoạn video dẫn chuyện, thoại, hiệu ứng âm thanh, tiếng động như phim, chỉ thiếu hình ảnh. Chúng tôi xác định đây không phải là lịch sử chuẩn để làm nguồn tham khảo mà chỉ là những câu chuyện sử qua con mắt của chúng tôi. Kênh của tôi có nhiều tác giả nên có cái nhìn nhiều chiều về lịch sử các triều đại cũng như hiện đại, có cái để phản biện và tất cả đều hài hước.  

* Anh có ngại sẽ vấp phải câu hỏi: Đâu là nguồn tư liệu tin cậy để các anh sử dụng không?

- Tôi lấy nguồn chính thống, không làm cái bị cấm. Chẳng hạn, câu chuyện về sư đoàn 7 bộ binh đã được chú Lê Hiếu - một cựu chiến binh - kể cách đây hơn một năm, tôi xin tư liệu về đọc và làm các hiệu ứng âm thanh bom rơi, đạn lạc, lồng giọng Bắc cho các nhân vật, chỉ có tôi dẫn chuyện là giọng Nam. Tác giả gọi điện cho tôi nói rất thích. Những câu chuyện sử chỉ như một cánh cửa mở ra để độc giả, khán giả có cảm hứng tìm hiểu thêm các nguồn tài liệu đa chiều hơn.  


 Sẽ có một "mái nhà" cho diễn viên lồng tiếng tuổi xế chiều 

* Lúc học ở trường điện ảnh, có lẽ anh nghĩ mình sẽ đi đóng phim thay vì là diễn viên lồng tiếng rồi đạo diễn lồng tiếng như hiện giờ?

- Thời đi học đúng là như thế, nhưng trong tôi có cả sự mơ mộng lẫn tính thực tế. Ngày xưa, tôi ước mình như diễn viên Nguyễn Chánh Tín, khoác áo trên vai đi trong rừng cao su, hút điếu thuốc trên nền nhạc phim, nhìn rất ngầu. Dần dần, tôi thấy mơ tưởng của mình xa rời thực tế. Tôi không có mối quan hệ trong nghề, không giàu, không thật xuất sắc và cũng không có sắc vóc khiến khán giả mê thì thành công là ngõ hẹp.

Khi xem phim ở Nhà Văn hóa Thanh niên (những năm 1990), tôi phát hiện mình có khiếu làm những việc đằng sau màn ảnh, tuy nhiên khi ấy tôi vẫn còn muốn đóng phim. Cùng lúc đó, tôi có vài đơn đặt hàng đọc thuyết minh, lồng tiếng phim Hồng Kông, thử làm thấy thích và làm riết thì mê nên tôi từ bỏ hết để chú tâm lồng tiếng.

Lồng tiếng đúng là công việc điện ảnh, có cơ hội vào tất cả các vai mà đóng phim đôi khi không có được. Quá trình học diễn xuất, phân tích nhân vật ở trường điện ảnh đã giúp việc lồng tiếng của tôi tốt hơn. Lồng tiếng phim hay đọc quảng cáo không chỉ là cầm kịch bản lên đọc mà đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo, óc tưởng tượng và cảm xúc của diễn viên, vì vậy diễn xuất bằng giọng nói là công việc đầy thú vị. Bạn thử tưởng tượng, khách hàng đưa một đoạn phim quảng cáo và chỉ nói mình đọc thật ấn tượng hay đọc gợi cảm thì có phải mình cần vắt óc để tưởng tượng và xử lý giọng nói sao cho đạt yêu cầu không?

* Khi mọi người gọi anh là“phù thủy lồng tiếng”, anh nghĩ gì?

- Tôi không thích chút nào và cũng không dám nhận. Trên tôi có nhiều người giỏi mà tôi rất kính trọng, nếu họ không được biết đến nhiều như tôi là vì họ không gặp may thôi. Có vài đồng nghiệp nói với tôi rằng khi dạy học trò, họ giới thiệu tôi là phù thủy trong phòng thu vì có thể biến những người thường nghĩ mình không có khả năng hay trước đó không biết lồng tiếng là gì trở thành một diễn viên lồng tiếng cho phim bom tấn. Nghe cũng được, tuy nhiên tôi chỉ thích sự bình thường. 

* Bức tranh của nghề diễn viên lồng tiếng trong mắt anh đang như thế nào?

- Tôi có thể dùng từ “bi đát” cho thu nhập. Không phải tất cả nhưng đa số là vậy. Người tài thì chọn con đường khác còn người trung bình khá thì phải chấp nhận mức lương không xứng đáng.  Đôi khi họ cũng chạnh lòng vì diễn viên“ngoài sáng” được lương cao còn thu nhập của họ - những người giúp nâng vai diễn lên, quá bèo bọt.

Trong “lãnh địa” của tôi, tôi cố gắng để diễn viên của mình có mức thu nhập có thể sống thong thả. Ngoài ra, tôi còn có thể giúp những diễn viên đang gặp khó khăn khi bước vào tuổi xế chiều bằng cách mời họ về ký hợp đồng lao động, lãnh lương tháng, khi có vai già thì lồng tiếng và nhận thù lao riêng. Tôi mơ ước có một miếng đất thật lớn để làm công ty, trong đó có một dãy nhà cho những diễn viên có hoàn cảnh như vậy. Tôi còn mơ làm phim toàn những vai già, cho xe chở các nghệ sĩ đang ở viện dưỡng lão tới lồng tiếng rồi trả thù lao để họ có niềm vui được làm việc, mọi người xem đây như một mái nhà. Đây là việc chắc chắn tôi sẽ làm trong nay mai chứ không chỉ là lời hứa suông. 

* Anh sẽ cần nguồn tài chính vững vàng để làm những điều ấy và những ước mơ khác?

- Thật tình, tôi thấy ngôi sao may mắn luôn dõi theo mình. Tôi chưa bao giờ lo lắng về tài chính dù nguồn tiền của tôi không quá dồi dào. Có một tập đoàn nổi tiếng của nước ngoài muốn mua công ty của tôi và vẫn để tôi làm chuyên môn nhưng tôi đang đắn đo, nếu thương lượng xứng đáng có thể tôi bán. Có tiền, tôi sẽ xây dựng một học viện đào tạo cho diễn viên lồng tiếng tất cả những kỹ năng liên quan đến nghệ thuật. Giảng viên sẽ là những người đã được đào tạo ở nước ngoài. Học viên sẽ được đào tạo diễn xuất, múa, vũ đạo, đọc quảng cáo, kể chuyện, MC… Đó là mong muốn lớn nhất của tôi.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Lam Hạnh (thực hiện)  Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI