Đạo diễn James Cameron: 'Công nghệ không giúp tạo ra những bộ phim hay'

18/02/2019 - 06:00

PNO - Tháng 2/2019, James Cameron - đạo diễn của siêu phẩm ‘Avatar’, từng mở ra cột mốc mới cho việc thưởng thức phim chiếu rạp ở định dạng 3D - tái ngộ với khán giả với ‘Alita’ trước khi phần 2 của ‘Avatar’ ra mắt vào năm sau.

Alita - phim của Robert Rodriguez nhưng đậm chất James Cameron

Alita: Battle Angel đã được James Cameron ấp ủ từ năm 1997 sau khi ông thực hiện bộ phim kinh điển Titanic. Năm 2003, James Cameron tuyên bố sẽ đưa Alita của nhà văn Nhật Bản Yukito Kishiro lên màn ảnh, nhưng vì nhiều lý do, dự án mãi trì hoãn đến tận 2016 mới bắt đầu triển khai, sau thành công của Avatar - siêu phẩm khiến cả thế giới điện ảnh ngỡ ngàng.       

Trailer Alita: Battle Angel

 

Sức hút của , do vậy không nằm ở dàn diễn viên, dù rằng James Cameron rất giỏi biến những diễn viên vô danh thành ngôi sao (Kate Winslet và Leonardo Dicaprio từ Titanic là minh chứng), cũng không nằm ở đạo diễn dù Sin City của Robert Rodriguez là bộ phim cực kỳ ấn tượng mà nằm ở cái tên Cameron dẫu trong bộ phim này, ông chỉ đóng vai trò sản xuất, dành sức cho Avatar 2. Chỉ riêng việc chọn phong cách cyberpunk (khoa học viễn tưởng công nghệ cao đặt trong bối cảnh u ám) vốn đang bị khán giả quay lưng qua những thất bại hiển hiện trước mắt của Ghost in the Shell hay Blade Runner 2049 đã cho thấy sự mạo hiểm của chính Cameron và hãng Fox.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Dù chỉ đóng vai trò sản xuất trong Alita nhưng James Cameron chính là cái tên được chú ý của dự án.

Trong sự nghiệp điện ảnh gần 40 năm, kể từ Piranha II vào 1981, James Cameron chỉ cho ra đời khoảng 10 bộ phim nhưng đều là những bộ phim đóng vai trò dấu mốc, đưa lịch sử điện ảnh bước sang một bước mới về kỹ xảo hoặc đột phá công nghệ chiếu phim, khai mở cách biểu hiện những câu chuyện cũ một cách mới mẻ, sinh động hơn trên màn ảnh rộng.

Quan trọng hơn, James Cameron rất biết dung hòa giữa yếu tố hình ảnh và nội dung - điều không phải nhà làm phim nào cũng học được. Cùng với Steven Spielberg, George Lucas, Ridley Scott, Christopher Nolan, James Cameron được xếp vào hàng những đạo diễn hiện đại có ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh Hollywood, là cái tên không thể bỏ qua trong danh sách câu lạc bộ đạo diễn tỉ đô Hollywood.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
“Cho dù thời gian có trôi qua bao lâu chăng nữa, tôi vẫn là “đứa trẻ khoa học” nhỏ bé” - James Cameron. Ảnh: Vanity Fair

Sức ảnh hưởng của James Cameron lên các đạo diễn trẻ là tất yếu. Họ xem ông như một tượng đài, một cái bóng mà ở đó họ dành sự ngưỡng mộ và học hỏi hơn là vượt qua. Cameron nói với Rodriguez khi trao cho anh vai trò đạo diễn Alita, hãy làm một bộ phim có dấu ấn của riêng anh. Nhưng Rodriguez thì nghĩ: “Tôi muốn phim của mình giống như James Cameron, bởi vì tôi thực sự nhớ những tác phẩm từ thập niên 2000 trở về trước của ông. Được ông ấy đồng hành trong Alita là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để tôi học hỏi từ James cách xây dựng câu chuyện từ những gì có sẵn nhưng vẫn truyền tải vào đó phong cách riêng.

Tôi còn nhận ra rằng, thế giới cần nhiều phim kiểu James Cameron hơn và tôi sẽ là người tới và giúp điều đó thành hiện thực. Sức sáng tạo trong những bộ phim của James Cameron là vô hạn, không nhiều người có thể mang tầm ảnh hưởng lớn như ông nhưng tôi hy vọng, mình có thể là người đó”.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Alita xuất hiện trên phim sống động đến từng chi tiết hoàn toàn nhờ công nghệ làm phim.

Ngoại trừ phần kịch bản vừa cố gắng gom 4 tập truyện để chuyển tải hết nội dung vừa chừa chỗ cho phần tiếp theo tạo nên lỗ hổng thì những gì khán giả thấy trên màn ảnh chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa Cameron và Rodriguez: cô người máy xinh đẹp ở thời kỳ hậu tận thế có đôi mắt to tròn sống động từng chi tiết trên màn ảnh, không gian máy móc, sáng tạo choáng ngợp, những pha hành động dứt khoát, đẹp mắt, chuyện tình cảm động với một cảnh quay mà tin chắc rồi đây sẽ trở thành kinh điển, tương tự Titanic.

Khát khao tạo ra những điều mới mẻ, “điên rồ”

Sinh năm 1954 tại Canada, có cha là một kỹ sư điện đầy lý trí còn mẹ là một nghệ sĩ, cho nên, Cameron là sự trung hòa tính cách nghề nghiệp giữa cha và mẹ: “Tôi luôn cảm thấy rằng điện ảnh không phải là một loại hình nghệ thuật thuần túy mà là một hình thức nghệ thuật kỹ thuật. Các thiết bị phức tạp và kỹ thuật là thứ bạn phải có để thể hiện cảm xúc khi làm một bộ phim”.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Titanic với cảnh phim kinh điển 

Thời thơ ấu, James Cameron không mê phim như người ta vẫn nghĩ về một đạo diễn điện ảnh. Thay vào đó, thứ  khiến ông bị mê hoặc là công nghệ, robot và quang học. Khát khao xuyên suốt của Cameron khi ông còn là một cậu bé 10 tuổi nghịch ngợm cùng lũ bạn trong khu phố chế tạo một chiếc máy bay cho đến lúc trưởng thành luôn luôn là “làm ra một thứ gì đó thật điên rồ”, “thực hiện được những thứ chưa có ai làm”, “tạo ra những thứ mới, nền tảng mới”.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
10 năm trôi qua nhưng những gì Avatar mang lại cho Hollywood vẫn chưa có đối thủ.

Có thể kể ra đây các cuốn phim mà ở đó công nghệ và robot làm cốt lõi để kể một câu chuyện giàu cảm xúc: Terminator (tác phẩm đột phá của dòng phim người máy ở thập niên 80 - thời kỳ mà công nghệ hay những thứ như phim siêu anh hùng còn rất nghèo nàn), Aliens (định hình dòng phim viễn tưởng kinh dị), Titanic (bộ phim tình yêu đẫm lệ), Avatar (tiên phong trong công nghệ làm phim 3D)… “Tôi thích kỹ thuật và thích kể chuyện. Trong tâm trí tôi hai điều đó luôn song hành. Cho dù thời gian có trôi qua bao lâu chăng nữa, tôi vẫn là “đứa trẻ khoa học” nhỏ bé. Tình yêu của tôi với điện ảnh đến khá muộn và khi cảm thấy được thỏa mãn sâu sắc (ý Cameron là làm ra những bộ phim), trái tim tôi dâng trào hạnh phúc của một nhà thám hiểm”.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
James Cameron, Kate Winlest và Leonardo Dicaprio tại buổi lễ hậu Oscar 1998.

Cameron theo gia đình đến California vào năm 17 tuổi. Năm 1973, ông theo học khoa vật lý tại một trường cao đẳng cộng đồng, rồi bỏ học và chuyển sang khoa Tiếng Anh. Tiếp đó, ông chuyển sang lái xe tải và bắt đầu viết khi có thời gian. Ông học được những hiệu ứng đặc biệt của phim ảnh trong giai đoạn này khi dành phần lớn thời gian ở thư viện và đọc tất tần tật những gì liên quan đến công nghệ phim ảnh.

Ông từ bỏ công việc lái xe tải khi xem Star Wars vào năm 1977. Cùng với việc đọc cuốn sách dạy viết kịch bản của Syd Field, Cameron dần nhận ra có thể kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Ông viết một kịch bản khoa học viễn tưởng dài 10 phút cùng 2 người bạn, có tựa đề Xenogenesis và bắt đầu quyên góp tiền thuê máy ảnh, ống kính, mua phim, thuê studio để quay cũng như tìm hiểu cách vận hành của máy quay.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Một số bộ phim của James Cameron.

Cameron có thể xem rất nhiều phim, dù đó là những đạo diễn đi trước hay cùng thời như: Ray Harryhausen hay Stanley Kubrick (đạo diễn của A Space Odyssey) và chẳng ngại ngần dành tặng họ sự tán thưởng, ngưỡng vọng. “Tôi không muốn làm ra thứ gì đó kém hơn thế!”, đó là lý do vì sao Cameron rất kỹ tính và tiêu tốn rất nhiều thời gian để làm một bộ phim dù ở vị thế của ông, chỉ cần đánh tiếng, các hãng phim sẽ chẳng tiếc tiền để nhảy vào. Đó cũng là lý do vì sao, Cameron ghét thể loại phim siêu anh hùng và mong thời đại này sớm trôi qua, vì trong mắt ông, chúng thật nghèo nàn, thiếu sáng tạo.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Avatar sẽ có phần 2 và phần 3.

“Chúng ta có thể thấy thị trường điện ảnh hiện tại đưa khán giả đến một loại phim khoa học viễn tưởng mà không cần có bất kỳ sự tư vấn nào từ những chuyên gia khoa học vũ trụ, như kiểu Guardians of the Galaxy” - Cameron thẳng thắn bày tỏ. Ông nói thêm: “Không phải là tôi không yêu điện ảnh. Chỉ là, thôi nào, có rất nhiều câu chuyện khác để kể bên cạnh những người đàn ông có năng lực siêu nhiên, không có gia đình và bất chấp cái chết để lao vào những cuộc chiến bảo vệ vũ trụ trong vòng 2 tiếng đồng hồ”.

Dao dien James Cameron: 'Cong nghe khong giup tao ra nhung bo phim hay'
Wonder Women và loạt phim siêu anh hùng thống trị thế giới phim ảnh trong 10 năm qua trong mắt James Cameron là thiếu sáng tạo, thiếu thông tin và lười biếng.

Trước phát biểu thẳng thắn về dòng phim siêu anh hùng, Cameron lãnh đủ “gạch đá” từ fan của dòng phim này. Nhưng ông không vì thế mà nao núng, thay đổi quan điểm hay đưa ra một lời xin lỗi. “Công nghệ không giúp cho một bộ phim trở nên hay hơn. Nó chỉ giúp mang lại kết quả tốt hơn so với thời điểm chúng tôi là những đứa trẻ lắp ráp, chế tạo mô hình này kia chứ không quyết định bộ phim có phải là những câu chuyện hay hoặc không hay? Có công nghệ trợ giúp, phim vẫn có thể không hay. Tôi nghĩ một câu chuyện hay là... một câu chuyện hay, thế thôi”- Cameron nói trong một bài phỏng vấn khác.

Còn nói về nghề, ông lúc nào cũng khiêm tốn: “Bạn cần một đội ngũ đông đảo để làm một bộ phim và bạn cần rất nhiều công nghệ mới. Tôi không cho rằng vì mình là đạo diễn của bộ phim nên mọi người đều phải làm chính xác như những gì tôi nói, cư xử mọi việc theo thứ bậc. Dĩ nhiên, vẫn có thể điều hành một phim trường như vậy... nhưng tôi không thấy nó phù hợp với mình”.

Và, James Cameron vẫn mãi là James Cameron!

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI