PNO - Hùng Phương không mong muốn sự bình yên trong cuộc sống bị đánh đổi bởi sự nổi tiếng, không muốn cắm mặt trong công việc đến độ quên mất người thân.
Học cùng khoa đạo diễn với những người bạn như Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung, Vũ Ngọc Đãng… nhưng so với ồng nghiệp, tên tuổi của Lê Hùng Phương yên ắng hơn cả. Làm nghệ thuật, có ai không thích mình được nhiều người biết đến, Hùng Phương cũng vậy, nhưng anh không mong muốn sự bình yên trong cuộc sống bị đánh đổi bởi sự nổi tiếng, không muốn cắm mặt trong công việc đến độ quên mất người thân. Bởi một thời tuổi thơ - tuổi trẻ của anh đã là những khoảng lặng trống vắng tình mẹ cha...
Hùng Phương và mẹ cùng các em
Ông bà thay vai cha mẹ
Mấy tuần nay, bộ phim Bồng bềnh trên sông của Hùng Phương đang phát trên kênh VTV3. Anh vui lắm vì cũng phải gần hai năm rồi, kể từ Đò dọc phát trên HTV9, Hùng Phương mới có được tác phẩm mới để trình làng. Giữa hàng loạt những bộ phim truyền hình có bối cảnh, con người thành thị đang phát sóng nhan nhản trên ti vi, Bồng bềnh trên sông mang đến một chất khác: một vùng không gian sông nước miền Tây với những phiên chợ nổi, những câu hò, những giai điệu đờn ca tài tử và cả những số phận con người buồn man mác. Nhắc đến Hùng Phương là nhớ phim nào của anh không ít thì nhiều cũng có bối cảnh miền quê Tây Nam bộ, “đậm” nhất là phim tốt nghiệp Một thẻo nhân tình phát sóng cách đây 11 năm. Câu chuyện của một gia đình ở quê đang sống yên lành bỗng chốc gặp phải tai ương, những khung hình sông nước hữu tình gieo vào lòng những người con miền Tây xa quê một nỗi nhớ nhà khôn nguôi. Vĩnh Long, bối cảnh câu chuyện trong phim đó, cũng chính là quê Hùng Phương, nơi neo giữ một trời ký ức tuổi thơ anh. Tuổi thơ của một đứa trẻ chào đời ở Sài Gòn nhưng vì thời cuộc phải xa cha, mẹ lưu lạc về quê sinh sống với ông bà ngoại.
Hùng Phương thủ vai chính trong phim Đánh thức trái tim
Đạo diễn Hùng Phương trên trường quay
Sinh ra trong một gia đình khá giả, cuộc sống của Hùng Phương lúc đó là mơ ước của bao nhiêu đứa trẻ Sài Gòn: ở nhà to mặt tiền đường Yersin, đi học được chở bằng xe Vespa, cuối tuần được đi xem phim ở rạp Rex, Đại Nam, Casino. Mấy bộ phim nước ngoài chiếu rạp thời thập niên 1970 đó có lẽ đã gieo vào lòng cậu trò nhỏ niềm say mê phim ảnh sau này. Chuyện được ba má chở đi xem phim, theo lời anh thì đó như một phần thưởng, một sự bù đắp mà cha mẹ dành cho hai anh em sau một tuần “bị đày”ở nội trú trong một ngôi trường do các xơ (soeur) dạy. Sau ba năm sống trong “khuôn khổ” hai anh em mừng như chim sổ lồng khi được cha mẹ cho về quê sống với ngoại vì cha mẹ quyết định kẻ ở người đi trong cuộc di tản năm 1975. Cuộc sống nghèo khó ở quê không làm cho hai anh em buồn chán, lo lắng mà ngược lại còn thấy vui vì từ giờ đã thoát được vòng kiểm soát của các xơ. Anh kể: “Mỗi ngày, 4 giờ sáng hai anh em dậy theo ông bà ra đồng nấu nước, pha trà, đi chăn trâu, chăn vịt, cắt lúa. Tới giờ học thì tự đi đến trường. Tám tuổi đã rành rọt chuyện rửa chén, giặt quần áo. Bà ngoại dạy nấu cơm, chiên trứng, trồng khổ qua, dưa leo… Ông thì chỉ cách chưng trái cây bàn thờ, trồng hoa kiểng, cầm cày, vài miếng võ phòng thân và cả cách đá gà”, chưa kể đi đám ở đâu ông bà cũng “na” theo hai thằng cháu ngoại để dạy cháu dọn bàn cúng giỗ, ăn cưới. Nhờ vậy mà mỗi khi làm phim dính tới cảnh thôn quê, ruộng đồng như Một thẻo nhân tình, Chuyện tình công ty quảng cáo, Bồng bềnh trên sông, tới mấy cảnh chèo đò, lùa vịt, chăn trâu, anh nhảy xuống hướng dẫn diễn viên ngọt xớt.
Hùng Phương và các diễn viên trong phim Bồng bềnh trên sông
Sức đứa nhỏ tám tuổi làm nông tưởng đã cực, ai dè anh khoe mình còn từng chèo ghe đi từ Vĩnh Long tới Cà Mau. Hỏi ra là: “Những năm cuối thập niên 1970, mấy tỉnh miền Tây thất mùa, chuyện thông thương đi lại còn khó khăn nên ông bà đành liều cho con, cháu đi xa mua lương thục thực phẩm để lỡ có bị bắt thì đàn bà con gái, con nít cũng được nương nhẹ tay. Tôi và dì chèo miệt mài ba ngày ba đêm mới đến nơi, nghĩ lại thấy hồi nhỏ mình cũng lì thiệt”, Hùng Phương nhớ lại. Vòng quay mỗi ngày chốn quê nghèo làm cho cậu học trò nhỏ không có thời gian và tâm trí đâu để buồn cho cảnh thiếu thốn tình cảm mẹ-cha, có chăng thình thoảng hoặc vài lần thấy mấy đứa con nít cùng xóm bị cha mẹ quát tháo, thì cũng chạnh lòng ước gì mình “được” rầy la như vậy. Bởi vòng tay của ông bà không thể bù đắp được hơi thở, tiếng nói của mẹ cha. Nhưng ước là ước vậy thôi, chứ hai anh em tự biết chuyện đó khó xảy ra khi ba anh sau khi sang nước ngoài đã có gia đình riêng, còn má ở Sài Gòn cũng bận bịu với chồng con mới.
Sợ cảnh cha già con mọn
Quá khứ dù vui hay buồn, may mắn hay bất hạnh cũng trở thành một phần đời của mỗi người mà có muốn quên cũng chẳng quên được. Nếm trải từ sự sung sướng cho đến cảnh nghèo khó đã cho Hùng Phương một thái độ “bình tĩnh sống”: không vồ vập với cái giàu cũng không bất mãn với cảnh trái ngang, túng thiếu. Như cái lần anh bị mất việc vì tinh giản biên chế một cách vô cớ khi đang là giáo viên dạy văn (Hùng Phương tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Cần Thơ) ở một trường của tỉnh Đồng Tháp, Hùng Phương cũng không buông lời oán trách. Anh chủ động đi học thêm ngoại ngữ, chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch, công việc mới giúp anh sống thoải mái hơn, sắm được cả chiếc cub “kim vàng giọt lệ” trị giá mấy cây vàng thời đó. Rồi cả việc tốt nghiệp khoa Diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh nhưng ra trường mấy năm vẫn trầy trật tìm phim để đóng, Hùng Phương cũng không quá nao núng. Anh bình tĩnh chờ đợi trường mở khóa đạo diễn và thi vào nhằm tìm cho mình con đường khác để chạm đến giấc mơ phim ảnh.
Giờ thì ao ước trở thành đạo diễn từ hồi được ba má dẫn đi xem phim Ác quỷ Dracula ở rạp Đại Nam của Hùng Phương đã thành hiện thực. Nhà cửa, công việc, tiền bạc, mọi thứ với anh đều đã ổn, chỉ có hạnh phúc lứa đôi là anh chưa chạm đến. Anh nói mình đã trải qua nhiều mối tình, có mối tình kéo dài suốt bảy năm nhưng rồi có lẽ duyên nợ với nhau chưa tới. Bây giờ ở cái tuổi gần 50, Hùng Phương không còn tha thiết chuyện lập gia đình nữa vì anh sợ cảnh cha già con mọn. Hạnh phúc với anh giờ đây là sức khỏe của ba, má; là sự ngoan ngoãn của đứa cháu gái gọi anh bằng bác mà anh nuôi thay vợ chồng người em trai từ nhỏ. Điều mà Hùng Phương vui nhất là mình và các em - con riêng của ba, má - đều hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ nhau, dù kẻ ở VN người định cư tại nước ngoài. Anh tâm sự người anh lo nhất bây giờ là má. Hai má con tuy sống xa nhau nhưng mọi việc của anh, bà đều quan tâm lo lắ ng. Cách đây mấy năm, khi nghe bà ngỏ ý muốn xuất gia, anh sợ má buồn các con chuyện gì mà giấu. Chỉ khi nghe má nói muốn tận hưởng cuộc sống thanh tịnh, không lo toan, mấy anh em anh mới thở phào nhẹ nhõm. Mọi người hùn nhau mua mảnh đất trên Đà Lạt xây nhà cho má hoàn thành tâm nguyện tu tại gia. Mỗi khi không bận rộn làm phim, Hùng Phương lại tranh thủ chạy lên với má như để bù đắp quãng thời gian trước đây hai mẹ con không được gần nhau. Hàng ngày, anh đều gọi điện cho má mà như anh nói vui là “ngày nào cũng phải trấn an mẫu hậu mới được”.