Cái đúng chưa chắc đã đẹp nhưng cái đẹp thì phải đúng
Phóng viên: Henrik Ibsen chủ yếu được khán giả Việt Nam biết đến qua các vở Nhà búp bê (A Doll’s House), Con vịt trời (The Wild Duck). Vở Ghosts (Hồn ma bóng quỷ) hình như chưa được dựng đầy đủ hoặc ra mắt rộng rãi. Vì sao chị lại chọn làm đạo diễn vở kịch này?
Đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức: Theo tôi biết thì vở này chưa ai làm ở Việt Nam theo cách thức trung thành nhất với nguyên tác. Hồn ma bóng quỷ của Ibsen mang tính luận đề và theo luật “tam duy nhất”, yêu cầu tình tiết câu chuyện phải đơn nhất, sự kiện phát sinh ở một thời điểm và hoàn thành trong vòng một ngày. Những quy tắc đó đã hạn chế sự phát triển của kịch nhưng ưu điểm của nó là chú ý đến sự tập trung cao độ của kịch. Vậy nên để dựng được hay là thử thách lớn. Tôi muốn mang nó ra, thổi linh hồn cho nó sống lại một lần nữa trên sân khấu.
* Một vở diễn tốt nghiệp mà lại ra mắt ở Nhà hát Thành phố. Liệu chị có “chơi lớn” quá không?
- Tôi không nghĩ đây là một cuộc chơi lớn. Tôi chỉ đi từng bước đúng với những gì mà tôi nghĩ cần thiết cho vở kịch. Tôi muốn làm mọi thứ một cách đúng nhất. Như thầy Hùng (đạo diễn Trần Anh Hùng) thường nói với chúng tôi khi tham gia lớp học Gặp gỡ mùa thu: “Cái đúng chưa chắc đã đẹp nhưng cái đẹp thì phải đúng”.
Cuối năm 2011, tôi được sang Pháp lần đầu trong chương trình trao đổi sinh viên của trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM với Trường Âm thanh và Hình ảnh LISA (Angouleme). Sau đó, tôi nhận được học bổng tiếp theo trong vòng sáu tháng để làm hậu kỳ âm thanh cho phim ngắn của mình. Qua đó, tôi mới biết sinh viên và các bạn trẻ được ưu đãi rất nhiều khi thưởng thức nghệ thuật tại rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng. Những ngày tháng ấy, tôi được tiếp xúc với những vở kịch biểu diễn không micro, thấy bị mê hoặc bởi thứ âm thanh mà họ làm rất chuẩn và mộc.
|
Cùng ông Christine giám đốc đối ngoại Liên hoan phim Clemont Ferrand |
Những ấn tượng đó vẫn theo tôi. Cho đến khi quyết định làm vở này, tôi thấy điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được ở Việt Nam, như hồi cuối năm 2018, tôi có xem vở kịch Sài Gòn của nữ đạo diễn Caroline Guiela khi vở này lưu diễn ở Việt Nam. Họ biểu diễn không micro và cả khán phòng lớn chăm chú lắng nghe. Tất cả đều im lặng vì sợ ảnh hưởng đến người bên cạnh. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được rõ câu nói “sân khấu là thánh đường”. Với tôi, thánh đường không chỉ đằng sau tấm màn nhung mà chính từ hàng ghế khán giả.
Tôi muốn có một không gian tốt để mọi người được thưởng thức tác phẩm đúng với tinh thần mà nó cần có. Sau khi khảo sát, Nhà hát Thành phố là địa điểm lý tưởng nhất. Mặt khác, vì là người mới trong lĩnh vực này, tôi muốn bày tỏ sự trân quý của mình đối với sân khấu. Tôi mong muốn mọi người được trải nghiệm/thưởng thức các tác phẩm với tinh thần tinh khôi, đơn sơ nhất.
Thuận hay ngược cũng chỉ là tầm nhìn từ một hướng nhìn về hướng còn lại
* Có thể nói chị quá liều khi lựa chọn biểu diễn không micro trong một khán phòng lớn. Lại là một tác phẩm kinh điển với rất nhiều lời thoại. Hình như trước nay chỉ có Sân khấu 5B mới chọn biểu diễn không micro, với một không gian nhỏ hơn. Trong quá trình chuyển tải ý tưởng của mình, hẳn chị và ê-kíp đã gặp khó khăn…
Sáu năm trước, Hoàng Trần Minh Đức khiến nhiều người phải xôn xao tìm xem chị là ai, sau khi phim ngắn Khi tôi ba mươi của chị được chọn giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes. Khi đó, nhà sản xuất François Serre (Pháp), nhận xét: “Khi tôi ba mươi là một bộ phim có trình độ rất cao của điện ảnh Việt Nam, tiêu biểu cho làn sóng mới, thậm chí là dạng phim d’auteur (phim thể hiện quan điểm nghệ thuật của chính đạo diễn) hiếm hoi ở Việt Nam”.
Giờ, chị khiến nhiều người “há hốc” khi chọn Ghosts của Henrik Ibsen làm vở diễn tốt nghiệp và tìm đường bán vé.
Hoàng Trần Minh Đức nói chị tin vào sự tươi mới, tin vào khả năng cảm thụ nghệ thuật và cuộc sống của các bạn trẻ, như tin vào chính chị, bằng quá trình kiên định của chị bấy lâu nay trong nghệ thuật.
Đức còn tin nhiều thứ và cũng thấy mình còn cần làm nhiều thứ, như việc trước khi đến với điện ảnh rồi học đạo diễn sân khấu điện ảnh, chị từng trải qua tám năm ở Nhạc viện TP.HCM. Chị chưa bao giờ muốn dừng lại, muốn thôi thử thách chính mình. Mà địa hạt sân khấu, điện ảnh hay âm nhạc chẳng phải đều “thèm khát” những kẻ “khùng” như Đức?
|
- Vâng, rất nhiều (cười). Khó khăn thứ nhất là việc hiểu một tác phẩm kinh điển trong bối cảnh khác văn hóa cảm thụ, khác thời kỳ, khác cả tư tưởng của người làm nghệ thuật và khán giả tiếp nhận… Các diễn viên, tuy sở hữu nội lực diễn xuất và hợp vai nhất nhưng vẫn có một khoảng cách để cảm thụ tường tận vở. Tôi đã quyết định dành ra ba tháng để các diễn viên có thể thẩm thấu nhân vật từ từ.
Thậm chí, trước ngày diễn, Lê Phương còn thú nhận: “Em mới chỉ chạm đến phần nào bà Alving dù quá trình “làm quen” với bà ấy đã làm thay đổi tính cách của em rất nhiều”. Tương tự, diễn viên Huỳnh Ly (trưởng thành từ vở Sài Gòn lưu diễn khắp thế giới) cũng cho biết đến lúc cận ngày diễn, em mới nhận ra một Regina phức tạp hơn em nghĩ.
Kịch Ibsen là vậy, câu chuyện của cả cuộc đời thường được dồn lại trong những khoảnh khắc. Câu chuyện cuộc đời của các nhân vật trong vở này cũng được tái hiện và hiển lộ chỉ trong vòng 24 giờ tại bối cảnh duy nhất là dinh thự bà Alving. Một nỗi đau nhân sinh, một bi kịch thời đại, một đời người chỉ co cụm trong một ngày, nên sức nặng dung chứa của câu chuyện mà diễn viên phải truyền tải là rất lớn. Nhưng vẫn cứ phải đi thôi, càng đi càng vỡ ra được nhiều điều.
|
Một số phân đoạn “đắt” trong vở Ghosts |
Thử thách thứ hai là tiếng nói sân khấu: dù diễn viên rất ủng hộ nhưng đa số chưa có kinh nghiệm diễn ở một nhà hát lớn không micro. May mắn là được sự hỗ trợ của nhà hát vào một số ngày trống để chạy thoại cho diễn viên quen được với không gian, song đây vẫn là một lá bài nguy hiểm. Những người lần đầu trải nghiệm kịch không dùng micro có dễ dàng chấp nhận để thẩm thấu?
Thử thách thứ ba là điều kiện sản xuất một vở diễn sân khấu hiện tại quá khó khăn so với điện ảnh. Dù được sự hỗ trợ từ nhà trường nhưng điều kiện cơ sở vật chất vẫn không đủ để dựng một vở lớn. Và nếu bên điện ảnh, tôi đã quen thuộc với việc có từng bộ phận đảm trách từng khâu thì ở sân khấu, tính chất khác biệt của nó gần như buộc mình phải tham gia nhiều vào hầu hết các khâu mới nắm rõ được vở.
|
Cùng đạo diễn Lê Hồng Chương (bìa trái) |
* Nhắc đến điện ảnh, hình như chị lại là người theo quy trình chẳng giống ai. Thường là người ta từ sân khấu bước sang điện ảnh. Ít ai từ điện ảnh lại đi ngược về sân khấu như chị…
- Có thể nói tôi là người duy nhất trong lớp từ điện ảnh qua sân khấu (cười). Tuy nhiên, thực ra tôi không phải là lính mới ở sân khấu đâu. Tôi từng học diễn viên sân khấu - điện ảnh trước đây và đã có hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này ở Sân khấu kịch Phú Nhuận, Nụ Cười Mới, Nhà hát kịch Thành phố. Có lẽ chưa đủ duyên và lúc đó niềm đam mê điện ảnh lớn hơn nên tôi quyết định đi qua điện ảnh.
Tốt nghiệp lớp Đạo diễn điện ảnh nhưng có lẽ cái máu sân khấu vẫn âm ỉ chảy trong tôi. Thế nên sau một thời gian theo đuổi điện ảnh, làm sản xuất một số phim, tôi chợt muốn quay về sân khấu để đốt lại ngọn lửa năm xưa đó. Vừa hay trường đại học Sân khấu - Điện ảnh có lớp đạo diễn sân khấu do nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc, người thầy truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ sân khấu, trực tiếp giảng dạy nên tôi muốn theo học.
Tôi nghĩ chuyến đi này không phải lội ngược dòng. Thuận hay ngược cũng chỉ là tầm nhìn từ một hướng nhìn về hướng còn lại. Theo tôi, nó là sự cộng thêm. Bản thân tôi lại muốn làm giàu thêm biên giới hiểu biết, khai mở sự cảm thụ của mình sau một thời gian hành nghề và tự thấy bản thân mình đang cũ đi. Điện ảnh và sân khấu tuy khác nhau về ngôn ngữ kể chuyện nhưng cả hai có thể cộng hưởng để làm phong phú thêm sự trải nghiệm cho người xem. Bạn thử tưởng tượng, đó có thể là một trải nghiệm câu chuyện phim đang được diễn ra trực tiếp trước mắt người xem. Họ có thể chạm trực tiếp vào hơi thở diễn viên, nhìn ngắm trực tiếp được thứ ánh sáng long lanh của điện ảnh trên sân khấu.
Cưỡi sóng mà đi
* Với Ghosts, chị đã mang được điều gì từ điện ảnh trở lại sân khấu và ngược lại, sân khấu mang đến cho chị những gì?
- Vở Ghosts - Hồn ma bóng quỷ có sự kết hợp giữa hệ thống ánh sáng sân khấu và ánh sáng điện ảnh. Sự kết hợp này nhằm mong muốn mang đến cho vở diễn hiệu ứng ánh sáng và cảm xúc như ý nhất.
Âm nhạc trong vở được ứng tác riêng trực tiếp trên sân khấu với những tổ khúc cổ điển, tân cổ điển được soạn lại cho phù hợp với tinh thần của vở và được mua bản quyền.
Cái được của sân khấu cũng như khi làm vở này là tôi nhận ra rằng nếu trong điện ảnh, đôi khi mình phải rẽ sóng mà đi thì ở sân khấu, bạn phải cưỡi sóng mà đi. Điện ảnh có những thủ pháp có thể hỗ trợ cho việc diễn xuất, còn trên sân khấu, diễn xuất của diễn viên gần như là tất cả. Điều này cũng giúp tôi trở nên kiên nhẫn hơn, uyển chuyển hơn, lắng nghe hơn. Mọi người hỗ trợ tôi vì chúng tôi gặp nhau ở cái tình tri kỷ dành cho sân khấu. Cũng đã lâu rồi mọi người chưa được sống hết mình với một tác phẩm kinh điển trong không gian như vậy, với sự đầu tư chỉn chu, tươm tất và có phần “khác người”.
|
Cùng nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc - một người thầy đáng kính |
* Được biết vở diễn của chị được các thầy cô cho điểm tuyệt đối. Và chị muốn mang vở diễn ra trình diễn bán vé. Trong thời điểm này, bán vé một vở kịch kinh điển và khó nhằn như Ghosts liệu có phải là một ý tưởng quá điên rồ? Điều gì khiến chị tin rằng vở diễn có khả năng sống còn ở nhà hát?
- Nhiều người nói tôi không bình thường khi chọn diễn vở này ở Nhà hát Thành phố. Tuy nhiên, tôi tin vào khán giả. Đối tượng vở diễn hướng tới là các bạn trẻ và giới trí thức. Cảm thụ nghệ thuật cũng cần được giáo dục, dẫn lối. Ở các nước châu Âu, nghệ thuật là một môn học quan trọng cần thiết trong các trường phổ thông. Để thưởng thức nghệ thuật đúng, ta phải có nền tảng kiến thức cảm thụ văn hóa. Hy vọng Hồn ma bóng quỷ có thể là một trong những cầu nối để mọi người bước vào một vùng đất chưa được khai phá nhiều trong tâm hồn. Tôi tin vào sự tươi mới, tin vào khả năng cảm thụ nghệ thuật và cuộc sống của các bạn trẻ hiện nay.
|
Với chủ tịch của Liên hoan phim Clemont Ferrand (giữa)
|
* Với những góp ý của mọi người sau đêm diễn, chị nghĩ mình sẽ thay đổi bao nhiêu phần trăm để vở diễn trở nên dễ tiếp cận cũng như ăn khách hơn?
- Tôi nghĩ mình sẽ tô đậm hơn về đài từ và một số chi tiết. Có thể ánh sáng, trang phục, thiết kế sân khấu cũng có một chút điều chỉnh. Tuy nhiên, dự kiến vở sẽ ra mắt trên cái sườn hiện có. Có thể sau này chính tôi cũng sẽ làm mới lại câu chuyện theo một hướng tiếp cận khác hẳn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, kịch kinh điển chưa nhiều. Khán giả Việt Nam ít có điều kiện tiếp cận kịch kinh điển ở một phiên bản khá nguyên gốc như vậy. Tôi muốn trước khi phá cách, hãy để mọi người biết kịch kinh điển là gì.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
|
Đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức trong những ngày du học tại Pháp |
Thông điệp của vở Hồn ma bóng quỷ còn mới và luôn luôn mới. Ở thời đại nào chúng ta cũng có những người cha, người mẹ, những đứa con và những trăn trở, ưu tư lo lắng tốt nhất cho con mình. Liệu đó là sợi dây ràng buộc những đứa con theo các mong muốn hay là cánh chim bay cao về hướng tự do cho con phát triển? Nó cách nhau chỉ một lằn ranh.
Trong trường hợp của Ghosts, bổn phận làm mẹ của bà Alving với đứa con trai bé bỏng Oswald gây ra bi kịch. Họ quá yêu thương nhau nhưng lại không dám chia sẻ và sống thực với chính mình. Vào đêm diễn đầu tiên, một số bạn trẻ có dịp xem và cho biết họ chia sẻ được với Oswald, với Regina (hai nhân vật trẻ tuổi trong vở kịch); câu chuyện và một số chi tiết trong vở khiến họ xúc động. Đó là một món quà thú vị mà tôi và khán giả trao tặng cho nhau. Tôi đang mong chờ được cùng mọi người làm chuyến du hành ngược thời gian về châu Âu thế kỷ XIX.
Hoàng Trần Minh Đức
|
Yến Lê (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp