Tại hội thảo Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và định hướng phát triển (do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 27/12), thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn đã nêu những bức xúc về cuộc "cạnh tranh" giữa sân khấu truyền thống và những tiểu phẩm, clip dễ dãi ngày càng được phát tràn lan trên mạng.
|
Đạo diễn Hoàng Duẩn nêu ý kiến |
“Để có được một vở diễn trên sân khấu, những đạo diễn, diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ… đều phải học bao nhiêu năm, tập luyện không biết bao nhiêu lần. Một vở diễn hiện nay nếu để gọi là tươm tất, sạch sẽ, coi được thì ngoài cơ sở vật chất, đầu tư cũng phải từ hơn 500 triệu trở lên. Có những vở được đầu tư hàng tỉ đồng.
Trước đây mỗi suất diễn có thể có 500-700 khán giả, bây giờ có thể chỉ còn vài chục người xem thôi. Rất đau lòng.
Bây giờ nhiều người không còn là nghệ sĩ trên sân khấu mà người ta làm nghệ sĩ qua điện thoại, với máy quay phim, smartphone rất đơn giản. Một số “nghệ sĩ” trên mạng còn chưa được đào tạo bài bản qua một trường lớp nào, chỉ cần có chút duyên, nói vài câu gì đấy vui, “đập hộp” gì đấy rồi post lên mạng là tự nhiên trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến” - đạo diễn Hoàng Duẩn nói.
|
YouTube hiện là kênh tương tác phổ biến của nghệ sĩ và khán giả |
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu IDECAF đồng tình: “Trước đây chính tôi từng chất vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên và các lãnh đạo về vấn đề này. Tại sao lại để cho những clip không lành mạnh xuất hiện tràn lan. Nhưng đổi lại chỉ là câu “rút kinh nghiệm”.
“Tại sao chúng ta chặn được những trang mạng có tính chất “không đi cùng xu thế của đất nước”, mà không chặn được những trang bạo lực chửi thề, máu me, phản cảm trên mạng? Nếu chúng ta không có một công cụ quản lý chắc chắn thì không thể có một nền nghệ thuật phát triển xứng tầm phát triển của TPHCM.
Giải trí trên mạng, không cấm nhưng đó không thể là nghệ thuật đỉnh cao. Để cho ai muốn xem nghệ thuật đàng hoàng hãy đến sân khấu, đến bảo tàng…” – đạo diễn Hoàng Duẩn nói thêm.
|
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng nội dung hội thảo bàn lại những vấn đề quá cũ |
Riêng PGS.TS Trần Yến Chi, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, sau khi lắng nghe các ý kiến đã có nhìn nhận thẳng thắn: “Có nhiều ý kiến cho rằng sân khấu truyền thống không cạnh tranh được với “sân khấu truyền thông”, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, phải nhìn lại, học tập.
Cứ nhìn quy trình dàn dựng một vở diễn của Sân khấu kịch Broadway (Mỹ), một vở diễn ra mắt công chúng phải tiến hành đến 5 giai đoạn, tiến trình có thể kéo dài 5 đến 10 năm. Họ có sân khấu quay, sân khấu trước, bối cảnh thật, bối cảnh ảo, trường phái tượng trưng… còn sân khấu của ta vẫn ì ạch với bục bệ, phông màn vải vẽ, cánh gà tạm bợ…".
Cũng theo bà, các sân khấu ở thành phố, chỉ có duy nhất IDECAF là có hệ thống âm thanh tương đối đạt chuẩn, bảo đảm tiếng nói của diễn viên trên sân khấu tròn vành rõ chữ, truyền cảm được đến người ngồi trong khán phòng. Còn các sân khấu khác thì hệ thống âm thanh hầu hết bị rè, vấp, lạc tiếng…
PGS.TS Trần Yến Chi cho rằng đã đến lúc thành phố phải đặt ra nhiệm vụ nhanh chóng xây dựng một Nhà hát kịch nói mang tầm cỡ Nhà hát quốc gia.
“Nhà hát không chạy theo doanh thu, không chạy theo người xem. Nhiệm vụ của nhà hát là đầu tư, xây dựng các vở kịch hay, loại hình kinh điển của trong nước và thế giới. Đội ngũ cán bộ không cần phải có số lượng cồng kềnh, “biên chế suốt đời”. Chỉ cần bộ phận phụ trách, lãnh đạo có tâm, có tầm, có ảnh hưởng và uy tín với anh chị em trong ngành” – PGS.TS Trần Yến Chi đề xuất.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo bàn về "xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật và định hướng phát triển" trên mọi lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, vấn đề xã hội hóa được bàn luận từ nhiều góc nhìn. Không riêng với sân khấu, các lĩnh vực văn học, âm nhạc, mỹ thuật... đều nhận được sự quan tâm của những người trong giới.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM: "Điểm nghẽn cần tháo gỡ ở đây có lẽ là cả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và những cơ chế, chính sách cần thiết cho văn học nghệ thuật. Việc tổ chức "đối thoại văn hóa" thường xuyên, có sự tham gia của lãnh đạo nhằm lắng nghe những ý kiến, đề xuất, hiến kế của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà quản lý, giáo dục, đào tạo; những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, quảng bá văn hóa, những người làm du lịch... và ý kiến của người dân để qua đó tiếp nhận, có hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời là rất cần thiết". |
Lục Diệp