Vài năm trở lại đây, phim Việt có nhiều bước tiến ở thị trường thế giới khi tham dự các liên hoan phim, thậm chí phát hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, ít ai biết khi điện ảnh Việt còn chưa phát triển, đã có người đưa phim Việt ra nước ngoài, với chất liệu đậm đặc hơi thở Việt Nam.
Năm 1981, đạo diễn Hồ Quang Minh từ Thụy Sĩ về nước. Đạo diễn Huy Thành đã bố trí cho ông theo làm việc trong đoàn phim Về nơi gió cát. Sau đó, ông tiếp tục được Trung tâm Nghe nhìn Việt Nam mời cộng tác làm bộ phim tài liệu Phường tôi, đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam.
|
Đạo diễn Hồ Quang Minh (phải) trong buổi giao lưu năm 2018 |
Với bước khởi đầu thuận lợi này, ông tiếp tục thực hiện Con thú tật nguyền. Kịch bản phim được Nguỵ Ngữ viết, phỏng theo truyện ngắn cùng tên của tác giả Vũ Hạnh. Fafilm mua bản quyền phim này.
Con thú tật nguyền kể về những người lính trong quân đội của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, họ vừa đánh nhau, vừa vướng vào những cuộc yêu đương rắc rối với những cô gái điếm si tình. Nga, nhân vật nữ chính, cô gái làng chơi yêu Bình, một người lính với gương mặt bị hủy nhan, nhưng bị Bình khinh rẻ. Hồ Quang Minh đánh giá họ trên tư cách con người, chỉ là họ bị mắc kẹt trong những biến cố của thời đại, chứ không thuần đi theo những mô tả trong sách sử.
|
Một cảnh trong phim Con thú tật nguyền |
Phim được công ty phát hành Thuỵ Sĩ gửi đến LHP Cannes, nhưng sau hai lần xem, họ đều không tin phim này được làm ở Việt Nam, nên cuối cùng phim không được chọn tranh giải. Sau đó, phim được đạo diễn Hồ Quang Minh gửi đến LHP Montreal (Canada) và được chọn trình chiếu nhưng không tranh giải.
Cũng nhờ thực hiện phim này mà đạo diễn Hồ Quang Minh gặp được người vợ của mình là diễn viên Hồ Phương Dung. Ban đầu, bà chỉ được chọn vào vai phụ nhưng diễn viên chính bỏ vai nên bà được đôn lên đóng chính.
Sau đó, Hồ Quang Minh tiếp tục tạo dấu ấn với khán giả qua phim Bụi hồng. Đây được xem là một trong những phim của đạo diễn Việt kiều xuất sắc nhất trong thập niên 80, 90. Phim kể về câu chuyện của một ni sư trong một ngôi chùa ở Huế, nhìn thế sự mấy mươi năm đổi thay từ sau cổng tam quan. Ni sư có một em trai là cán bộ cách mạng, và một người em khác là lính Cộng hoà, vừa hoàn thành khoá cải tạo sau khi chiến tranh kết thúc. Cuộc hội ngộ giữa 3 chị em sau nhiều năm vì chiến tranh, ý thức hệ khác nhau chứa đựng nhiều xúc động.
Phim đã được chọn đại diện Việt Nam tham dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Osar nhưng không đến được vòng đề cử. Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm chất lượng, ý nghĩa đến nay vẫn còn được nhắc đến. Chiến tranh, hận thù đều được Hồ Quang Minh nhìn dưới góc nhìn Phật giáo để đi tìm sự lý giải bên trong của con người, với rất nhiều góc tương phản.
|
Phim Bụi hồng kể về câu chuyện của những số phận sau chiến tranh |
Thời xa vắng là bộ phim được nhắc đến nhiều nhất của đạo diễn Hồ Quang Minh. Năm 1987, ông mua tác quyền quyển tiểu thuyết cùng tên, sau đó tự chuyển thể thành kịch bản phim. Tuy nhiên, mãi đến năm 2003, phim mới được hoàn thành.
Thời xa vắng lấy bối cảnh làng quê Việt Nam từ năm 1954 trở về sau. Vì hủ tục lạc hậu ở làng quê, Giang Minh Sài mới lên 12 tuổi đã được bố mẹ cưới cho một cô vợ hơn tuổi tên là Tuyết. Sài lớn lên với sự ghẻ lạnh, khinh ghét vợ và tình yêu dành cho cô bạn học tên Hương.
Quá trình thực hiện phim khá công phu, đến từng chi tiết nhỏ. Hồ Quang Minh đã lùng sục hơn 5.000km bờ đê để tìm một đoạn đê đẹp nhất, thoáng nhất chỉ để quay cảnh con gái Sài đạp xe, hay mua một ngôi nhà gỗ rồi cải tạo không gian vườn thuê ở Hưng Yên để tái hiện lại khung cảnh xưa…
“Lớn lên ở nước ngoài, tôi vẫn là người gắn bó với văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam, và rất tôn trọng những gì thuộc về lịch sử, dù là những chi tiết nhỏ nhặt. Đừng nghĩ rằng những cẩu thả về chi tiết không thể phá hỏng một bộ phim. Không khí của phim rất quan trọng, không chỉ là hơi thở cuộc sống nông thôn hay sự chân thực ở thời điểm lịch sử, mà là tổng thể của phim nói chung”, đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ.
|
Thời xa vắng, phim được nhắc nhớ nhiều nhất của đạo diễn Hồ Quang Minh |
Thời xa vắng đã tham dự nhiều LHP quốc tế như: LHP Thượng Hải, LHP Munich, LHP châu Á… Phim đã đạt được những thành tích nhất định như giải Cánh diều Bạc 2005, giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất dành cho Hồ Phương Dung với vai diễn Tuyết (vợ của Sài) tại LHP quốc tế Singapore.
Ngoài ra, sự nghiệp phim ảnh của đạo diễn Hồ Quang Minh còn có một phim nữa mang tên Trang giấy trắng (1991), nói về một phụ nữ Campuchia dưới thời diệt chủng của Khmer đỏ. Số lượng phim có phần khiêm tốn nhưng mỗi tác phẩm của Hồ Quang Minh đều có giá trị, chiều sâu. Ông được xem là một mảng màu khá đối lập với đạo diễn Trần Anh Hùng.
Bởi trong bất kỳ phim nào của Hồ Quang Minh ở cảnh kết đều mang đến những không gian hoà giải, thậm chí giữa người sống và người chết, mà phim của Trần Anh Hùng thường ít có.
Đạo diễn Thời xa vắng đã đi xa
Đạo diễn Hồ Quang Minh trút hơi thở cuối cùng vào sáng 16/10 tại TPHCM, sau thời gian dài mắc bệnh hiểm nghèo. Ông về nước vào tháng 1 năm nay vì muốn được nằm lại trên quê hương. Vợ ông, diễn viên Hồ Phương Dung cũng về cùng để chăm sóc chồng. Theo nguyện vọng, ông sẽ được hoả táng. Sinh thời ông từng nói khi qua đời không muốn cúng bái, phát tang hay cáo phó.
Cố đạo diễn sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông du học ở Nga từ năm 1962 rồi sau đó đến Pháp làm việc, trước khi đến Thụy Sĩ du học và nhập quốc tịch tại đây. Ông trở về Việt Nam làm phim từ năm 1981.
|
Trung Sơn