Đạo diễn Hồ Quang Minh đã về “thời xa vắng”

21/10/2020 - 08:00

PNO - Trầm tĩnh, bản lĩnh là ấn tượng mà đạo diễn Hồ Quang Minh để lại trong tôi, một đồng nghiệp ít tuổi hơn của anh trong Hãng phim Giải Phóng.

Chúng tôi biết nhau từ thập niên 1980 khi anh về nước làm bộ phim Con thú tật nguyền. Trong trào lưu Việt kiều về nước làm phim, có thể nói Hồ Quang Minh là một trong những đạo diễn có mặt sớm nhất. Anh làm phim từ năm 1981 và đến 1985, bộ phim Con thú tật nguyền do anh đạo diễn đã đánh một dấu mốc cho trào lưu này. 

Là một trong những đạo diễn Việt kiều đầu tiên làm phim tại quê nhà, anh đem theo sự cẩn thận, chỉn chu của một người từng là kỹ sư vào công việc. Những tác phẩm của anh từ phim truyện đầu tay Con thú tật nguyền cho đến Bụi hồng, Trang giấy trắng, Thời xa vắng đều thể hiện trình độ tay nghề cao, đặc biệt sử dụng ngôn ngữ điện ảnh rất chắc tay. 

Đạo diễn Hồ Quang Minh qua đời vào ngày 16/10 sau một thời gian chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 71 tuổi (ảnh gia đình cung cấp)
Đạo diễn Hồ Quang Minh qua đời vào ngày 16/10 sau một thời gian chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 71 tuổi (ảnh gia đình cung cấp)

Hồ Quang Minh thích khắc họa những phận người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động xã hội qua các thời kỳ. Với Con thú tật nguyền, một tác phẩm trắng đen, lấy bối cảnh thời chiến, bộ phim đã tô đậm bi kịch của những người lính biệt kích không biết số phận mình ngày mai sống chết ra sao.

Đạo diễn Hồ Quang Minh (1949-2020) là người Thụy Sĩ gốc Việt, một trong những đạo diễn Việt kiều tiên phong làm phim ở Việt Nam từ năm 1981, với các tác phẩm: Phường tôi, Con thú tật nguyền, Trang giấy trắng, Bụi hồng, Thời xa vắng. Trong đó, Bụi hồng đoạt giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1996; Thời xa vắng đoạt giải Cánh diều bạc năm 2004. 

Với vai Tuyết trong Thời xa vắng, diễn viên Hồ Phương Dung đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Singapore 2005. Phim cũng đoạt giải Kim tước dành cho nhạc phim hay nhất (nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc) tại Liên hoan phim Thượng Hải năm đó.

Hay Thời xa vắng, bộ phim như một “cuộc cách mạng” trong chính Hồ Quang Minh khi anh làm phim về đề tài chiến tranh, về miền Bắc mà chưa có trải nghiệm gì nhiều. Thế nhưng, các nhân vật trong phim, nhất là Sài, lại hiện lên rất chân thật, sống động. Thành công của vai diễn này tất nhiên có công không nhỏ của diễn viên Ngô Thế Quân, nhưng công đầu tiên và lớn nhất vẫn thuộc về Hồ Quang Minh vì anh là người phát hiện ra cậu ấy. 

Gia tài phim ảnh Hồ Quang Minh để lại không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tất cả đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện nội lực làm nghề thâm hậu, tạo ra dấu ấn cá nhân, đó là điều không mấy đạo diễn làm được.

Qua lần cùng nhau chấm thi khi làm ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 năm 2013 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), và những lần gặp nhau cà phê nói chuyện, Hồ Quang Minh khiến tôi khâm phục và nể trọng vì sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp.

Phim Thời xa vắng
Phim "Thời xa vắng"

Với anh, chỉ cần thấy đúng, anh sẽ quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình. Hồ Quang Minh không ngại phản biện thẳng thắn với hội đồng duyệt phim về những chi tiết trong phim mình. Tuy vậy, anh lại không phải là con người bảo thủ, cực đoan, mà luôn biết lắng nghe. Anh cũng là người hòa đồng, cởi mở và luôn thích nói chuyện về phim ảnh, có cảm giác như cứ nói về bộ môn này là kiến thức trong anh như nguồn suối tuôn không dứt mạch. 

Có một điều khá thú vị là anh thường để vợ - diễn viên Hồ Phương Dung - tham gia các phim của mình. Cách đây nửa năm, lần cuối gặp anh, trong một dịp cà phê, tôi đã cảm nhận sức khỏe của anh yếu nhiều. Dẫu biết sinh - lão - bệnh - tử là điều không tránh khỏi, nhưng nghe tin anh rời cõi tạm vào ngày 16/10 vừa qua, tôi vẫn thấy bàng hoàng. Vậy là điện ảnh Việt đã vắng đi một tài năng, một “cây đa, cây đề” trong làng nghề, mà mỗi bộ phim của anh đều xứng đáng là bài học tham khảo cho hậu bối về sự chỉn chu, duy mỹ. 

Hương Nhu (ghi theo lời kể của đạo diễn Đào Bá Sơn)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI