Đạo diễn Đoàn Hồng Lê: Lưu giữ lịch sử là bổn phận của mỗi người

09/12/2018 - 19:31

PNO - Đoàn Hồng Lê nói: “Nghề làm phim cho mình những cuộc hạnh ngộ và biết thêm về con người một cách thú vị nhất, cũng như nhìn thấu nội tâm chính mình”.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê viết trên trang facebook của mình: “Trước khi ký ức biến mất, ba đã cùng con ghi lại những lần cuối cùng”. Khi bộ phim tài liệu điện ảnh trực tiếp Lời cuối của cha hoàn tất cũng là lúc căn bệnh Alzheimer đã “phá hủy” hoàn toàn trí nhớ của cha chị.

Vừa qua, khi chị trở về từ các liên hoan phim quốc tế đồng thời có vài buổi chiếu cho khán giả TP.HCM, cha chị đã vĩnh viễn ra đi.  

Đoàn Hồng Lê nói: “Nghề làm phim cho mình những cuộc hạnh ngộ và biết thêm về con người một cách thú vị nhất, cũng như nhìn thấu nội tâm chính mình”.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi
Khoảnh khắc đạo diễn Đoàn Hồng Lê cùng cha mình ghi lại ký ức

Lời cuối của cha là bộ phim chị làm về cha mình. Ông xuất thân từ một gia đình sản xuất và buôn bán tơ lụa ở Quảng Nam. Năm 1945, khi đoàn lữ nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu du ca từ Bắc vào Nam đi qua làng ông với giai điệu Đoàn giải phóng quân hào hùng, ông đã bị chinh phục bởi vẻ hào hoa lãng mạn của những người trai “ra đi bảo tồn sông núi, ra đi thà chết chớ lui”.

Ông đi theo cách mạng từ đó. Trọn đời, ông tin vào lý tưởng đẹp đẽ của những người cộng sản. Trong những ngày cuối cùng, khi ông mắc bệnh Alzheimer, con gái ông- một người làm phim - đã kịp ghi lại những ký ức đó trước khi nó biến mất. Đó là những ký ức về tình yêu, niềm tin, nỗi buồn của một thế hệ, một thời đại đang dần qua đi.

Lời cuối của cha đã tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế như Social World (Ý, 2017), Cottbus (Đức, 2017), Jogja NETPAC Asian (Indonesia, 2017), New Narrative (Đài Loan, 2018), Kochi Biennale (Ấn Độ, 2018)… và đoạt giải thưởng cho dự án phim tài liệu dài, giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim tài liệu quốc tế Dehong (Trung Quốc, 2018).

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê theo đuổi dòng phim tài liệu điện ảnh trực tiếp từ năm 2004 và là thành viên Varan Việt Nam - những người làm phim theo phong cách phim tài liệu Pháp, với mong muốn sản xuất những bộ phim tài liệu đề tài đương đại bằng ngôn ngữ điện ảnh trần trụi nhưng giàu cảm xúc và đậm tính hiện thực; là người đồng tổ chức và điều hành dự án đào tạo điện ảnh trực tiếp của Varan Việt Nam vào năm 2010-2011 tại Đà Nẵng.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi

Ngoài Lời cuối của cha, chị còn là tác giả của nhiều bộ phim được làm theo phong cách này; nổi bật là phim Đất đai thuộc về ai (2009) đoạt giải thưởng của Ban Giám khảo Liên hoan phim Cameras des Champs (Pháp, 2011), Giải thưởng Trái tim xanh YxineFF (Việt Nam, 2012).

Có người hỏi: “Đây mà là phim ư?”

Phóng viên: Ý tưởng của bộ phim này được bắt đầu ra sao, thưa chị?

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê: Ý tưởng làm bộ phim này bắt đầu từ con gái tôi. Cháu đang học lớp Ba, một hôm đi học về, cháu hỏi mẹ: “Tại sao chúng ta lại phải kính yêu Bác Hồ, mẹ nhỉ?”. Đó là một câu hỏi kỳ lạ vì ở thế hệ của cha tôi, của tôi, không ai hỏi những câu như thế; bởi mọi người coi đó là điều hết sức tự nhiên. 

Cha tôi sống ở Đà Nẵng. Chiều chiều, ông thường ra bờ sông đi dạo, gặp gỡ những người bạn cùng thế hệ tham gia kháng chiến như ông. Trong một lần tình cờ, tôi thấy, ở đối diện bờ sông mọc lên một quán cà phê trưng bày những hình ảnh thời bao cấp và chiến tranh, như bảo tàng thu nhỏ của một thời kỳ.

Cách nhau một con đường, cách nhau một thế hệ nhưng mọi chuyện khác quá. Mỗi lần đi về, cha tôi hay nói rằng, hôm nay bác này đã mất, bác kia bị tai biến, bác khác không thể đi lại được nữa. Tôi nhận thấy họ đang dần biến mất và mang theo tinh thần thời đại của họ. Vì thế, tôi muốn làm một bộ phim ghi lại tinh thần của một thời kỳ trước khi nó biến mất. Những điều đó có ý nghĩa với gia đình tôi và biết đâu, có thể nó sẽ kể một điều gì đó gần gũi với những gia đình khác.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi

* Ở đây, mối quan hệ giữa con gái và cha đồng thời cũng là mối quan hệ giữa người làm phim với nhân vật. Có thuận lợi hay khó khăn gì chị có thể chia sẻ cùng khán giả?

- Trước đây, tôi và cha không hợp nhau, không tìm được tiếng nói chung. Khi làm phim này, tôi thấy đồng cảm với cha mình hơn. Làm phim về gia đình mình rất khó giữ khoảng cách. Thật ra, lúc đầu, tôi không biết mình nên quay những gì. Sau khi quay thử, tôi mới nhận ra mình cần kể câu chuyện gì ở đây.

* Được biết, lúc đầu, chồng chị - cũng là một nhà quay phim - có tham gia vào vài cảnh quay nhưng sau đó chị quyết định tự quay, trong một không gian rất riêng tư giữa hai cha con. Vì sao chị lại đổi ý?

- Khi cầm máy quay, có những khoảnh khắc giữa cha con tôi thực sự rất riêng tư. Tôi cảm thấy, có lẽ với tôi, ông mới có thể kể hết mọi chuyện hoặc cảm thấy thoải mái, cởi mở để kể những chuyện riêng tư.

Dù hình ảnh có thể không được đẹp như một người quay phim chuyên nghiệp nhưng tôi trân trọng sự riêng tư đó hơn là có những hình ảnh trau chuốt mà nội dung không được khai thác trọn vẹn như mong muốn.

Để rồi, quá trình làm phim gần như là một quá trình khám phá lẫn nhau. Người làm phim khám phá nhân vật, nhân vật từ đó cũng tương tác với người làm phim. Tôi coi đó như một hành trình mà chúng ta không đoán được cái kết sẽ như thế nào. Có khi, đó là một cái kết không ai có thể ngờ tới. 

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi

* Nhưng hình ảnh bộ phim chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ? Ai chẳng thích hình ảnh đẹp?

- Điện ảnh trực tiếp lúc đầu không được sự đón nhận của nhiều người. Có người hỏi “như thế này mà gọi là phim ư?”, “phim gì mà cảnh quay rung lắc, mờ nhòe, không có chút giá trị nghệ thuật nào”... Cũng có người nghĩ rằng, cách làm phim này quá dễ, rằng chỉ cần “đặt máy quay 24 giờ sẽ có ngay một bộ phim 24 tiếng”…

Ngay cả một người làm truyền hình khi quay bộ phim này có thể cũng sẽ cảm thấy khó khăn về mặt hình ảnh vì phim truyền hình phải “đã” mắt người xem. Nhưng ở đây, về mặt hình ảnh, gần như không có gì đặc biệt, cũng không thu hút hoặc gây sốc để hấp dẫn người xem.

Nó chỉ là câu chuyện của một ông già kể lại cho con gái mình nghe trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Cuối cùng, tôi vẫn chọn quay theo cách này. Tôi nghĩ, những cuộc nói chuyện riêng tư giữa cha và con gái cũng là điều đáng để kể. Sở dĩ điện ảnh trực tiếp chấp nhận sự rung lắc, mờ nhòe vì đó là những cảnh quay chân thực và giàu cảm xúc nhất, mà chưa chắc sự sắp xếp có thể mang lại.

Đó là bộ phim kể về tình yêu của cha tôi 

* Chị đã đặt vấn đề với ông như thế nào?

- Tôi nói với cha: “Con muốn làm một bộ phim về cha để giữ lại những câu chuyện của cha, sau này kể cho con cháu nghe để chúng biết ông bà chúng đã sống như thế nào…”.

Lúc đó, ông đã mắc bệnh Alzheimer. Nếu xem phim, mọi người có thể thấy, ông thậm chí còn không nhớ được mẹ tôi mất lúc nào. Với những người mắc bệnh này, có một điểm đặc biệt: họ có thể quên những chuyện vừa xảy ra trong hiện tại nhưng lại nhớ những chuyện trong quá khứ rất xa. Vì thế, khi nghe tôi nói muốn ghi lại những ký ức từ thời cha mới tham gia cách mạng, ông rất hào hứng.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi

Cha tôi đã dành cả cuộc đời mình cho những gì ông tin tưởng. Đó là một tình yêu thuần khiết và tôi kính trọng ông vì điều đó. Tôi nghĩ, bộ phim về tình yêu và sự dịu dàng dễ khiến người khác đồng cảm hơn. Cho nên tôi đã làm một bộ phim kể về tình yêu của cha mình. Tôi hay đùa, đó là mối tình đầu của cha.

* Khi bộ phim thực hiện xong, ông nói điều gì với chị? 

- Khi dựng xong bộ phim cũng là lúc căn bệnh Alzheimer đã khiến cha tôi không thể hiểu được gì nữa. Tôi nhớ, hôm tôi bật cho cha xem, ông chỉ đọc được… tên đạo diễn ở đầu phim - cũng là con gái ông.

Cha tôi đã qua đời cách đây vài tháng nên khi xem lại những thước phim này, tôi cảm thấy rất may mắn vì nó đã trở thành tư liệu quý nhất đối của tôi về gia đình, cha mẹ mình. Cũng vì lẽ đó, tôi luôn khuyến khích mọi người chụp ảnh, quay phim, viết về gia đình mình. Nó giống như một cuốn album để sau này con cháu có thể hiểu cha mẹ, ông bà mình đã sống như thế nào.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi
Những khoảnh khắc làm việc cùng ê-kíp quen thuộc luôn cho Đoàn Hồng Lê cảm giác đang được “sống”

Hiện thực hôm nay chính là lịch sử ngày mai

* Theo chị, sự hấp dẫn của phim điện ảnh trực tiếp nằm ở đâu?

- Phim tài liệu nói chung vẫn là tấm gương phản chiếu trung thực nhất về tình hình chính trị xã hội ở các quốc gia. Như tôi từng trả lời, phim đến từ các quốc gia đang phát triển thường đề cập đến những vấn đề của quá trình phát triển: đô thị hóa, các mâu thuẫn xã hội... phim đến từ các nước giàu lại đưa ra những mối ưu tư của xã hội đã ổn định: già hóa dân số, sự cô đơn của con người, mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại...

Phim tài liệu cho thấy sự chuyển động của hiện thực xã hội một cách tinh tế từ bên trong, vì vậy nó vẫn luôn có chỗ đứng riêng bên cạnh các loại hình nghệ thuật khác, có lớp khán giả riêng.

Tôi cho rằng, điều hấp dẫn nhất của phim điện ảnh trực tiếp là sự chân thực. Tôi và những đồng nghiệp của mình muốn sản xuất được những bộ phim kể về thời chúng ta đang sống bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh trần trụi nhưng giàu cảm xúc và mang vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực.

Chúng tôi không né tránh bất cứ đề tài nào. Chúng tôi liên tục phá vỡ, đào xới, lật tung những gì tưởng đã chắc chắn, ổn định để tìm kiếm con đường mới. Phim tài liệu khiến người ta suy tư và tiếp tục đi tìm những câu trả lời mới cho cuộc sống; nó có một đời sống song song bên cạnh sự vận động của xã hội, hiện thực tâm lý, tình cảm con người.

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi

Ở điện ảnh trực tiếp mà chúng tôi được học và làm, có một câu nói thường xuyên được nhắc đi nhắc lại: “Hiện thực của hôm nay sẽ là lịch sử của ngày mai”. Ai rồi cũng sẽ mất. Các thời đại rồi cũng nối tiếp nhau qua đi. Nghề làm phim tài liệu ghi chép lại hiện thực này cũng chính là ghi chép lại lịch sử cho thế hệ sau. Tôi cho rằng, một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album. Tôi hy vọng đất nước chúng ta sẽ có một cuốn album với những bức ảnh chân thực chứ không phải là những hình ảnh selfie. Và tôi nghĩ, lưu giữ lịch sử là bổn phận của mỗi cá nhân trong cuộc đời này.

                Đạo diễn Đoàn Hồng Lê

* Thể loại phim này tôn trọng tính chân thực. Nhưng chân thực quá, dễ sa đà vào tả chân, mô phỏng…

- Cần phân biệt rõ: thứ nhất, tả chân nhưng tránh những điều phản thẩm mỹ. Thứ hai, khi đi theo “lệ thực” (nghĩa là thấy người ta đi theo cái gì thì mình đi như vậy), mình sẽ kể gì trong khung hình mình chọn? So với những thể loại khác, loại phim này cần sự mạnh mẽ trong việc quyết định câu chuyện định kể.

* Thể loại này có tải hết được những góc nhìn đa diện của hiện thực? 

- Tôi nghĩ, nó đa diện hơn cách làm phim một chiều như lâu nay, tức là nhà làm phim “áp” người xem bằng lời bình. Ở đây, nhà làm phim chỉ gợi ra một vấn đề, một câu chuyện, mỗi người xem sẽ nghĩ về câu chuyện đó theo cách của họ. Tôi thích làm dạng phim này cũng vì điều đó.

Với phim điện ảnh trực tiếp, nên xem bằng cảm giác hơn là cố hiểu đạo diễn đang kể chuyện gì. Chẳng hạn khi chiếu bộ phim Lời cuối của cha, có rất nhiều người chia sẻ với tôi câu chuyện của họ, của gia đình họ. 

Dao dien Doan Hong Le: Luu giu lich su la bon phan cua moi nguoi
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (phải) cùng một nhân vật trong phim của chị

* Nhưng nói gì thì nói, phim điện ảnh trực tiếp mang tính cá nhân cao và không dễ chạm được vào lòng công chúng...

- Đúng là phim điện ảnh trực tiếp mang tính cá nhân cao và không phải chuyện gì mình thấy xúc động thì khán giả cũng vậy. Chắc phải mượn một câu nói rằng hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Có niềm tin muôn đời bất diệt

“Ông không biết cách mặc quần áo, không biết xỏ dép, không biết đánh răng, không còn nhận ra con cháu. Bảo ông nhìn vô điện thoại tự sướng cái nè, ông gạt đi. Vậy mà lát sau ông lại chỉ tay: “Ô, nắng đẹp chưa nè!”, ánh mắt vẫn lãng mạn như ngày nào”.

Trong máy tính của tôi có một thư mục tên “ông ngoại”, trong đó là những bài ông ưa thích như Xuân và tuổi trẻ, Sơn nữ ca, Tiếng đàn tôi… và Đoàn giải phóng quân. Bài đó ông nghe lần đầu tiên vào năm 1945, lúc mới 10 tuổi, khi đoàn lữ nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu du ca từ Bắc vô Nam ghé qua biểu diễn ở sân đình làng ông ngày Cách mạng tháng Tám mới thành công.

Ông hát theo tiếng nhạc, mắt trong veo như đứa trẻ: “Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”. Ký ức, do bệnh Alzheimer, đã gần như bị xóa trắng, chỉ còn lại mấy câu hát này…

Trong buổi chiếu phim Lời cuối của cha ở Hàn Quốc, có khán giả hỏi tôi: “Sâu xa trong thâm tâm, và một cách cá nhân, bạn nghĩ gì về những người Cộng sản này?”, tôi đã trả lời rằng tôi kính trọng những niềm tin thành thật và những tình yêu thuần khiết.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê

 Đậu Dung (thực hiện) 
 Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI