Sau khi chiếu độc quyền ở hai rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), ngày 2/11, bộ phim tài liệu Lửa thiện nhân (Oriental Pictures sản xuất) khởi chiếu rộng rãi tại các cụm rạp lớn của hệ thống Platinum và BHD Star.
Thông tin bộ phim được đưa vào hai hệ thống chiếu bóng lớn của cả nước không chỉ cho thấy hiệu ứng lan tỏa tích cực của bộ phim mà còn chứng tỏ phim tài liệu có thể “sống khỏe” ở các phòng chiếu nếu được làm một cách tử tế.
Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn - nhà báo Đặng Hồng Giang, người từng có thời gian dài công tác ở báo Công An TP.HCM. Lửa thiện nhân là thành quả của gần ba năm trời đạo diễn - nhà báo Đặng Hồng Giang “đeo bám” gia đình chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân cùng những tấm lòng nhân ái đã đồng hành cùng Thiện Nhân suốt chín năm qua để mang đến cho em cuộc sống mới. Hành trình ngàn ngày đi theo câu chuyện mang màu sắc cổ tích kia có thể ví như cuộc góp nhặt những câu chuyện lan tỏa của yêu thương và niềm tin.
|
Đạo diễn Đặng Hồng Giang |
* Anh có ý định làm phim Lửa thiện nhân bắt đầu từ khi nào?
- Năm 2006, tôi đọc báo và biết thông tin về chuyện của Thiện Nhân. Câu chuyện đau lòng quá. Năm 2007, tôi lên đường đi học ở Úc. Mỗi ngày tôi vẫn đọc báo online và biết Thiện Nhân đã được chị Mai Anh đón về chăm sóc, chạy chữa.
Tôi tự hỏi rất nhiều điều về người phụ nữ can đảm này nên tự hứa với mình khi về nước sẽ làm phim về Thiện Nhân và Mai Anh, trước hết là để giải đáp những thắc mắc của mình.
Ban đầu tôi chỉ định thực hiện một bộ phim dài 20-30 phút, nhưng khi nghe những người trong cuộc kể và tiếp cận thực tế, tôi thấy câu chuyện quá hay, nên tôi đã quyết định thay đổi toàn bộ kế hoạch ban đầu.
* Để có được 77 phút phim, một người lần đầu làm phim độc lập như anh hẳn gặp không ít khó khăn. Có lúc nào trong khoảng thời gian ba năm ấy anh thấy nản, muốn dừng lại?
- Do điều kiện tài chính chưa tốt nên tôi đã tự làm rất nhiều việc và có những “vai” mà bạn sẽ chưa từng tưởng tượng được. Tôi sẽ chia sẻ với bạn về những việc đó khi có thể. Mặc dù phim Lửa thiện nhân chính thức bấm máy vào tháng 10/2012 nhưng trước đó tôi đã mất một thời gian khá dài qua lại tiếp xúc với các nhân vật.
Chuyện về Thiện Nhân quá hay, quá đẹp nên để chuyển tải được một câu chuyện tuyệt vời như thế mình không thể làm vội vàng. Tôi chưa bao giờ nản khi theo đuổi bộ phim nhưng thỉnh thoảng có buồn vì ít tiền (cười).
Bạn hình dung đi, thông thường dựng phim sơ bộ xong, đạo diễn và nhạc sĩ cùng ngồi lại để sáng tác nhạc cho phim, cho nên nhạc phải theo phim. Nhưng kinh phí của tôi đâu cho phép mình “xa xỉ” vậy, nên tôi đã phải làm một quy trình ngược, phải sử dụng những bản nhạc đã có sẵn, tức là… phim phải theo nhạc. Oái oăm vậy đấy!
Trong thời gian làm Lửa thiện nhân, tôi vẫn làm nhiều phim với Đài Truyền hình TP.HCM và một số nhà đài khác. Đủ sống, đủ nuôi anh em, mặc dù rất vất vả.
* Xem Lửa thiện nhân, khán giả nhận thấy điều đáng yêu nhất ở phim là các nhân vật thể hiện rất tự nhiên trước ống kính, anh làm thế nào để họ bộc lộ được cái tôi một cách thoải mái?
- Cái khó của thể loại tài liệu hiện thực không thể có một shot hình mượt mà hay sự sắp đặt ánh sáng mỹ thuật được vì phải bắt nhịp từng động tác, lời nói của nhân vật tại hiện trường và tuyệt đối không được tác động đến nhân vật.
Những nhân vật của tôi lại không phải là những diễn viên chuyên nghiệp, họ không quen với ống kính, dễ ngượng miệng khi máy quay chĩa vào. Vì vậy tôi xác định phải đeo bám, làm thân với mọi người cho đến khi nào họ quen và quên đi sự có mặt của tôi.
* Trong số các nhân vật, phải chăng nhân vật chính là người khiến anh vất vả nhất khi đeo bám?
|
Thiện Nhân trong mắt đạo diễn Đặng Hồng Giang là một cậu bé lanh lợi, hiếu động |
- Ban đầu Thiện Nhân rất khó chịu khi thấy tôi xuất hiện. Mỗi khi vào ngày quay mới, cậu bé thường vùng vằng, mè nheo, như cảnh Thiện Nhân đạp xe trong công viên lên phim chỉ khoảng hai phút nhưng lúc quay, đoàn phim theo chân cậu bé mất hết cả buổi sáng.
Nhưng dần dần, khi bé đã bắt nhịp được với mọi người trong ê kíp thì cả đoàn chúng tôi phải chạy bở hơi tai mới theo kịp cậu nhóc để ghi hình vì bé rất lanh lợi, hiếu động. Cảm xúc của tôi dành cho Thiện Nhân khá lẫn lộn: vui có, khâm phục có mà... bực mình cũng có vì cậu bé khá bướng bỉnh (cười).