Hiếm đạo diễn nào ở VN có khả năng tạo ra những bộ phim luôn gây sốt vé như Charlie Nguyễn.
* Chọn đề tài rock - dòng nhạc không nhiều người nghe, chi phí làm phim đến 26 tỷ đồng, anh tự tin vào “thương hiệu” Charlie Nguyễn hay liều một phen với thị hiếu của người xem?
- Khi tôi ngỏ ý muốn khai thác phim theo đề tài rock, mọi người đều ngán ngại, ngăn cản vì rock không phải là món ăn quen với khán giả. Chuẩn bị đưa vào sản xuất rồi mà nhà sản xuất vẫn còn thuyết phục tôi thay đổi. Nhưng tính tôi đã nhắm làm gì rồi mà người ngoài càng bàn ra, tôi càng máu lửa, quyết liệt. Con đường đi càng chông gai thì vượt qua được mới sướng. Nếu cứ chiều theo khán giả, nhà sản xuất, làm những món cũ như phở, cơm sườn thì khó làm mới mình.
Rock chỉ là hình thức bên ngoài của bộ phim, thực chất cốt truyện của Fan cuồng xoay quanh chuyện tình yêu. Tôi chọn rock vì cái hồn, màu sắc, hình thể của một sân khấu rock gây hào hứng, sôi động khi lên phim, chứ nếu làm một sô nhạc pop thì trên ti vi đầy, có đầu tư dàn dựng tốn kém để quay cũng không bằng, lại không có gì mới mẻ. Nhưng rock làm được với hơn 5 tỷ đồng.
Số tiền này chúng tôi dùng để tổ chức một liveshow rock dài hai tiếng rưỡi, mời sá u ban nhạc rock đình đám hiện nay là Microwave, UnlimiteD, Titanium, Parasite, White Noise, Razor Leaf thu hút hàng ngàn fan của rock đến xem để thu hình trực tiếp, lọc ra được hình ảnh phục vụ cho chưa đầy một phút phim. Quay xong, cả đoàn hầu như ai cũng thích nghe rock và tôi tin khán giả xem xong phim cũng sẽ tìm hiểu về rock.
|
Đạo diễn Charlie Nguyễn đang chỉ đạo diễn xuất trên phim trường |
* Đây là lần thứ sáu hợp tác với Thái Hòa. Anh không tự tin nếu phim mình thiếu tên tuổi Thái Hòa?
- Muốn nhảy một bài tango đẹp phải có hai người, muốn vỗ tay nên kêu phải có hai bàn tay. Khi làm công việc sáng tạo thì sáng tạo của mình cần có sự cộng hưởng, cần được đón nhận nghiêm túc từ đồng nghiệp, đặc biệt là mối quan hệ giữa đạo diễn và diễn viên. Nếu không có cộng hưởng sẽ khó có sự thăng hoa trong nghệ thuật.
Thái Hòa là diễn viên thông minh, anh ấy biết xử lý những gì đạo diễn trao cho mình để làm mọi thứ một cách tốt nhất. Ít có diễn viên nào mà sau mỗi cảnh quay luôn đau đáu với nhân vật của mình, sẵn sàng sống chết vì nhân vật. Đừng nói do Thái Hòa cũng góp tiền làm phim nên anh ấy mới chịu khó, hồi đóng phim đầu tiên Để Mai tính, Thái Hòa đâu có hùn vốn mà vẫn tích cực lăn xả với vai diễn. Diễn viên mà không có tinh thần trách nhiệm thì có góp tiền họ cũng vẫn làm việc lè phè, xong cảnh quay rồi thôi.
* Sự hợp tác của hai anh từ Để Mai tính, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ, Tèo em đến Để Mai tính 2 đều mang lại hiệu quả doanh thu cao cho phim, nhưng có thể nhận thấy tiếng cười trong phim của anh không còn duyên dáng như thời Để Mai tính mà dần bị lố, phô…
- Phim hài có nhiều thể loại như hài hành trình, hài tình huống… chỉ không có thể loại hài nhảm thôi (cười). Mỗi phim tạo ra một phong cách nhất định. Quan trọng là tiếng cười có khai thác đúng nhân vật hay không thôi. Hễ khán giả cười là thành công, bất kể tiếng cười đó có phô. Nhiều người phê bình cảnh gây cười trong nhà vệ sinh của phim Tèo em, nhưng họ quên mất Tèo em tuy lớn xác nhưng đầu óc chỉ như trẻ lên năm. Nếu đặt để nhân vật Long ruồi, hay chị Hội vào tình huống gây cười như vậy thì đúng là gây phản cảm. Chúng tôi muốn tạo tiếng cười trên cách mình xây dựng nhân vật chứ không phải đẩy nhân vật vào bất cứ tình huống nào chỉ để chọt lét người xem.
* Một người tự nhận khá trầm tính, ít hài hước, hay lo như anh lại thích làm phim hài, anh đang chiều chuộng thị hiếu người xem?
- Làm phim là nghệ thuật + sáng tạo + kỹ thuật chứ không phải tính cách. Thể loại hài là một thử thách đối với tôi. Người nào nói không làm phim vì khán giả, chỉ làm cho bản thân thì chắc chắn phim của họ rất chán. Tôi làm phim hướng đến người xem nhưng khán giả không phải là động lực để tôi làm, mà tôi làm vì muốn khắc phục những gì mà mình chưa hài lòng ở những sản phẩm trước. Đó cũng là lý do mọi người thấy tôi làm nhiều phim hài chứ không phải vì phim trước đó đã ăn, nhà sản xuất muốn tôi làm tiếp. Làm vì mục đích ăn theo rất chán.
* Tiền có quyết định chất lượng bộ phim không, thưa anh?
- Dòng máu anh hùng hồi đó tiêu tốn hết 1,6 triệu USD, tính theo thời điểm năm 2006 tương đương 26 tỷ đồ ng bây giờ của Fan cuồng. Phim làm ít tiền nhất là Tèo em với 12 tỷ đồng. Tiền quyết định phần nào chất lượng phim. Ví như cốt lõi một chiếc xe chỉ nằm ở cái máy nhưng xe hơn nhau ở chỗ những trang thiết bị phụ tùng đi theo nó.
Sở dĩ tốn nhiều vì tôi muốn nâng cấp chất lượng bộ phim, chủ yếu là mời chuyên gia nước ngoài làm việc. Không phải người trong nước không đủ tay nghề mà vì tôi đánh giá tinh thần làm việc có trách nhiệm của ê kíp nước ngoài. Chẳng hạn kêu họ kiếm một cái ly làm đạo cụ, họ biết tư duy, trăn trở cái ly đó phải có hình dáng, màu sắc, chất liệu như thế nào để phù hợp với bối cảnh, với trang phục của nhân vật, chứ không đơn thuần vơ đại một cái ly nào đó cho có, đặt vào.
* So với thời mới về nước làm phim, anh cảm nhận cách làm phim hiện thay đổi thế nào?
- Phim Việt hiện nay có nhiều tiến bộ nhưng tinh thần làm việc chuyên nghiệp và sự tôn trọng với nghề của người trong cuộc chưa cao. Làm phim là phải thổn thức, kể được một câu chuyện gây cảm xúc cho khán giả chứ không phải là bỏ tiền gom “sao”, làm cho nhanh để chiếu lẹ hốt bạc. Đó là làm ăn chứ không phải làm phim.
Những nhà làm phim kiểu ti vi hóa điện ảnh như vậy hiện nay khá nhiều. Tôi nghĩ các nhà phát hành cần có thái độ đối với những người làm phim nghiêm túc và làm phim kiếm tiền kiểu này, phải bảo vệ khán giả, nếu không muốn họ mất lòng tin với phim Việt. Điện ảnh muốn phát triển phải bao gồm ba yếu tố: nhà làm phim giỏi, hệ thống phát hành tốt và khán giả trung thành, tạo nên thế kiềng ba chân.
Hương Nhu (thực hiện