PNO - Nếu không có ai dám đi, nếu ai cũng ngại thử thách mà không đặt những bước chân đầu tiên, làm sao có thể thành đường? Lẽ tất nhiên, để đi xa, không thể chỉ có một mình.
Không phải đến STORII - nền tảng nội dung ở nhiều lĩnh vực do Cao Trung Hiếu khởi xướng từ năm 2019, anh và Lan Nguyên mới gặp nhau. Nếu nói phim ảnh, âm nhạc là chất keo kết dính 2 anh em đồng môn này (cùng là sinh viên Trường đại học Kiến Trúc, Lan Nguyên học sau Hiếu 8 khóa) có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Bởi trong cuộc sống, không thiếu những người có cùng sở thích. Tuy nhiên, để có thể đồng hành với nhau trong công việc, còn cần cả sự sẻ chia, thấu hiểu và tin tưởng, từ những điều đẹp đẽ nhất như tầm nhìn cho đến những khoảnh khắc điên rồ, thậm chí mơ hồ nhất!
Đạo diễn Cao Trung Hiếu và đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ về Những vết thương lành và STORII
STORII ra đời từ cuộc nói chuyện của Cao Trung Hiếu cùng vài người bạn làm sáng tạo. Mục tiêu của STORII khi đó, như Hiếu thừa nhận, là xây dựng nền tảng nội dung “mang tính chất của một thư viện, có giá trị lưu giữ”. Hiếu bắt tay làm thật, dù công việc đạo diễn sân khấu chiếm của anh rất nhiều thời gian và thoạt đầu anh có chút loay hoay.
Nếu không có ai dám đi, nếu ai cũng ngại thử thách mà không đặt những bước chân đầu tiên, làm sao có thể thành đường? Lẽ tất nhiên, để đi xa, không thể chỉ có một mình. Trong cuộc trò chuyện, Hiếu nhiều lần nhắc đến từ “may mắn” cũng như bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã luôn tin tưởng anh.
Ấn tượng với cô bé đàn em 9X “học giỏi, hát hay”, luôn “có nhạc chảy trong người”, đặc biệt là sau khi xem Màu cỏ úa - cuốn phim tài liệu cô mất 5 năm theo đuổi, Hiếu không ngần ngại “rủ rê” Lan Nguyên về với STORII. “Lan Nguyên là người mơ mộng và luôn giữ được cảm xúc trong sáng, vô tư với nghệ thuật dù trải qua nhiều công việc khác nhau. Người trẻ như vậy trong thời đại bây giờ rất khó tìm. Giữa anh em chúng tôi có rất nhiều sự đồng cảm. Do đó, tôi sẵn sàng đứng sau để hỗ trợ ý tưởng của Lan Nguyên và các cộng sự của bạn. Tôi đánh giá cao những người làm phim tài liệu. Họ nhạy cảm và biết cách nắm bắt để kể lại một câu chuyện ngồn ngộn sức sống một cách đầy rung cảm. Trái tim phải thuần khiết đến thế nào mới có được góc nhìn trong trẻo như thế? Từ quan sát những gì Lan Nguyên đã làm, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẽ trao tất cả cơ hội để kể những câu chuyện mà bạn cảm thấy đủ chín muồi” - Hiếu nói.
Còn Lan Nguyên, khi nhận được tin nhắn của đàn anh cô luôn nể trọng và yêu mến thì “Đồng ý ngay không do dự, dù thật lòng lúc đó tôi chưa định hình được STORII là gì. Có lẽ là do sợi dây liên kết từ thời sinh viên đã khiến tôi luôn tin tuyệt đối vào những điều các anh đã, đang và sẽ làm. STORII là mối duyên đã nhen nhóm từ rất lâu, ở đó và chờ đến khi tôi sẵn sàng”.
Một câu chuyện được bắt đầu. Những câu chuyện khác được mở ra. STORII sau 5 năm dần trở thành nền tảng nội dung đa lĩnh vực, kể nhiều câu chuyện khác nhau, theo những cách khác nhau, từ âm nhạc đến đời sống, từ những nhân vật truyền cảm hứng đến hành trình bảo vệ động vật hoang dã, thiên nhiên, môi trường. Song, chừng ấy vẫn là chưa kể hết… Bởi tôi còn nhìn thấy ở đó nguồn năng lượng tích cực, sự hồn nhiên và cả sự tiếp nối, dìu dắt, tin tưởng nhau giữa các thế hệ.
STORII - Lưu giữ những giá trị sắp tàn phai
Phóng viên: Không chỉ có những talk show về âm nhạc, những video bảo vệ động vật hoang dã, trồng rừng… STORII còn có phim tài liệu, còn hỗ trợ các dự án phim độc lập như Bên trong vỏ kén vàng, song hành với phim Tro tàn rực rỡ… Vậy nên hình dung STORII là gì, thưa anh?
Đạo diễn Cao Trung Hiếu:STORII mang tính chất là thư viện nội dung, kết nối những người làm sáng tạo liên ngành. Thoạt đầu, chúng tôi ngồi lại với nhau bàn bạc, với một nền tảng như STORII thì nên chạy theo nội dung nào. Khi đặt ra rất nhiều đề mục, thời trang, văn hóa, lối sống, động vật hoang dã…, có rất nhiều thứ liên quan đến nghệ thuật chúng tôi mong muốn được truyền tải. Cốt lõi cuối cùng, chúng tôi nhận ra cách kể chuyện là quan trọng nhất. Cho dù có đi theo sở thích, nội dung hay hợp tác với nghệ sĩ/người truyền cảm hứng thì cách kể chuyện cho khán giả là quan trọng nhất.
Khi xác định được điều này, chúng tôi bắt đầu đi tìm ngôn ngữ kể chuyện của riêng mình. Ngôn ngữ đó, nếu chỉ là nền tảng về truyền thông đơn thuần sẽ không như hiện tại. Chính từ việc thông qua những thứ mình muốn làm, nhận được phản hồi từ khán giả, đối tác, chúng tôi dần nhận ra có một phong cách, không chạy theo xu hướng, con số nào cho một nền tảng điện tử. Chúng tôi chọn ngôn ngữ tài liệu, video để truyền tải đến khán giả. STORII chạy theo chất lượng nội dung và giá trị nội dung đó. Chúng tôi hướng đến những nội dung có giá trị, có thể lưu giữ lâu dài trên các nền tảng số.
*Mất bao lâu để các anh tìm ra và đi đến thống nhất là chọn ngôn ngữ tài liệu cho STORII?
Đạo diễn Cao Trung Hiếu: Chúng tôi tìm được ngôn ngữ tài liệu đó bằng cách quy tụ những bạn trẻ quan tâm đến cách thể hiện bằng hình ảnh như Lan Nguyên. Các bạn vừa chân thật vừa mơ mộng, cách làm phim tự do, không theo khuôn mẫu nào. Tôi đề cao tính tự do trong sáng tạo của các bạn trẻ hôm nay và muốn mang vào STORII. Tôi từng trải qua rất nhiều vị trí khác nhau trong suốt mười mấy năm làm nghệ thuật.
Tôi nhận ra, thế hệ chúng tôi là chuyển giao, có thể hiểu được âm nhạc thế hệ trước và có một chút kết nối với thế hệ sau. Do đó, tôi luôn đặt câu hỏi, nếu mình làm nền tảng nội dung thì truyền tải điều gì. Tôi tự đặt cho mình trách nhiệm kết nối các thế hệ với nhau. Tất nhiên, chúng tôi suy ngẫm rất nhiều và mất khá nhiều thời gian để thực hiện.
STORII Tellers là chương trình đầu tiên thử nghiệm, hiện đã phát đến tập 15. Trong dự án này, 2 nghệ sĩ nổi tiếng thuộc 2 thế hệ trong các lĩnh vực sẽ trò chuyện với nhau, chẳng hạn như âm nhạc, mà không có người dẫn chương trình. Bằng cách dàn dựng, quay hình của STORII, chúng tôi tạo nên những cú va giữa câu chuyện của các thế hệ. Đó cũng là lúc những mầm xanh, những bông hoa rất đẹp nở ra từ những cuộc trò chuyện đó.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu
Cách làm này giúp chúng tôi nhận ra các nghệ sĩ đến với mình cũng rất vui vì là những người làm rất sáng tạo, mang đến không gian trò chuyện khác với những nền tảng khác. Sự ủng hộ này thúc đẩy chúng tôi mạnh dạn làm những thứ khác mang hình ảnh của STORII. Khoan nói là hay hoặc có thực sự giá trị với người xem hay không nhưng ở khía cạnh nào đó, những nội dung này đi theo hướng riêng. Khi xem, khán giả có thời gian lắng, thưởng thức và chậm lại. Vậy thì nền tảng nội dung đó được lưu trữ, xem lại không thấy cũ.
* Theo chị, đây có phải là cách STORII đón đầu xu hướng và là cách chị xác lập cái tên Lan Nguyên - định hình và gắn liền với thể loại tài liệu?
Đạo diễn Lan Nguyên: Chúng tôi không nghiên cứu và đón đầu xu hướng. Tất cả những nội dung chúng tôi thực hiện, như anh Hiếu chia sẻ, đều xuất phát từ những điều chúng tôi đau đáu và thực sự quan tâm, yêu mến. Những video của chúng tôi trên kênh YouTube không có view cao, không phải người trẻ nào cũng có thể dành 40 phút để nghe. Nhưng chúng tôi phải làm để lưu giữ những giá trị sắp tàn phai.
Về phía mình, tôi khởi đầu từ phim tài liệu nhưng không định hình bản thân với phim tài liệu. Phim tài liệu cho tôi cơ hội được thu thập và hấp thụ năng lượng cũng như câu chuyện của những con người tôi gặp gỡ, cho tôi sự quan sát và khả năng thấu cảm vô giá, để đến thời điểm hiện tại, tôi có thêm tự tin rằng đã đến lúc viết một câu chuyện của riêng mình, tạo nên thế giới riêng của mình bằng một phim điện ảnh. Phim điện ảnh sẽ là bước tiếp theo của tôi với thử thách về khung hình và chỉ đạo diễn xuất.
Đạo diễn Lan Nguyên
Không chọn người mang hào quang
* Sau Màu cỏ úa, chị từng chia sẻ chưa biết làm gì ở chặng tiếp theo của hành trình làm phim nhưng rồi khán giả thấy chị trở lại với một bộ phim chân dung âm nhạc khác - Những vết thương lành. Quan trọng hơn, bộ phim này là sản phẩm trong rất nhiều dự án mà chị đang đóng vai trò Giám đốc nội dung của STORII. Phải chăng, cuối cùng thì “cơm áo không đùa với khách thơ”?
Đạo diễn Lan Nguyên: Đầu tiên, tôi không cho rằng Những vết thương lành là phim chân dung âm nhạc, bởi nhân vật âm nhạc trong phim chưa được vẽ nên chân dung. Đây là một câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Nó không phải là câu chuyện gốc đến từ tôi, mà đến từ anh Hà Anh Tuấn, đến từ STORII. Tôi chỉ làm nhiệm vụ kể lại bằng ngôn ngữ của mình. Phim là cách tôi gói gọn nhiều dự án của STORII đã thực hiện trong 2 năm qua và tôi nghĩ nó đủ để định nghĩa phần nào về STORII. STORII chính là “cơm áo" nhưng lại cũng chính là “thơ” của tôi và của cả các anh. Nó là điểm khởi đầu, không phải điểm cuối.
Poster phim Những vết thương lành
* Chị có từng nghĩ, hào quang của những người chị chọn kể đôi khi quá lớn, lấn át phong cách của chị?
Đạo diễn Lan Nguyên: Tôi không chọn để kể về những người mang hào quang và tôi cũng không kể về hào quang của họ. Tôi hoàn toàn tin rằng khi xem cả 2 bộ phim, khán giả không chỉ thấy người nghệ sĩ mà còn thấy cả tôi cùng câu chuyện tôi muốn kể. Chắc chắn những bộ phim sau cũng vậy, bởi vì tôi luôn không nhìn vào hào quang của người đứng trên sân khấu.
* Ở Những vết thương lành, có thể thấy một Lan Nguyên trưởng thành hơn nhưng cũng biết “toan tính” hơn cho những thước phim. Chị có e ngại, sự toan tính dù là cần thiết song đến một thời điểm nào đó sẽ khiến chị đánh mất cái nhìn hồn nhiên và tươi mới đối với câu chuyện đang kể?
Đạo diễn Lan Nguyên: Nếu câu hỏi này đến với tôi vào 3 năm trước, tôi sẽ buồn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tôi đã hiểu rất rõ mục đích của mình. Tôi thực hiện Những vết thương lành để định nghĩa STORII. Đó chính là “toan tính” và tôi đã phải tính toán rất nhiều để xâu chuỗi những câu chuyện lại với nhau nhưng trong nội dung phim thì tôi hoàn toàn hồn nhiên. Tôi đã hồn nhiên để cho những nhân vật, những câu chuyện của họ chảy qua mình và hoàn toàn yêu mến họ một cách không suy nghĩ. Hiện tại, với những dự án mới đang có trong đầu, tôi thấy rõ mình chưa mất đi sự hồn nhiên, tươi mới. Bản chất tôi không phải người biết toan tính, nên sự toan tính của tôi nếu có cũng sẽ rất “lộ" và nếu nó lộ ra, tôi sẽ là người sợ hãi trước tiên.
Đạo diễn Lan Nguyên hy vọng thông tin Những vết thương lành bán được cho Netflix Đông Nam Á sẽ là dấu hiệu tích cực cổ vũ các bạn trẻ dám sống với ước mơ
* Phim tài liệu, đặc biệt là tài liệu chân dung, từng có một thời vàng son. Đâu là lý do khiến dòng phim này ngày càng vãn người, cả sự quan tâm từ khán giả lẫn nhà làm phim? Khi quan sát, chị rút ra được những bài học gì để không rơi vào vòng xoáy đó?
Đạo diễn Lan Nguyên: Tôi nghĩ lý do lớn nhất có thể là sự phát triển thần tốc của xã hội, đặc biệt là sự lên ngôi của những nội dung ngắn và nhanh.
Để vẽ nên chân dung một con người cần rất nhiều thời gian và cả không gian, mà giờ đây người ta đi xem tranh để check-in. Còn có mấy người đứng lại để nhìn ngắm một bức chân dung? Tôi thấy trong cuộc sống đời thường, chúng ta còn không trò chuyện đủ sâu với chính bạn bè, gia đình, những người xung quanh mình, thậm chí không đối thoại với chính mình thì làm sao nhìn đủ sâu vào một nhân vật. Người thưởng lãm ít đi, người nghệ sĩ cũng nhụt chí dần.
“Tôi tin là sau khi xem Màu cỏ úa và Những vết thương lành, nhiều khán giả sẽ có cùng suy nghĩ. Khoan bàn đến chất lượng hay, dở nhưng điều chắc chắn là phần đông đều cảm thấy rung động. Đó là điều đặc biệt ở người trẻ, nhất là một người trẻ làm sáng tạo. Chỉ cần họ khiến ta rung động bằng niềm tích cực, sự lạc quan thì đó là một sáng tạo tốt đẹp”.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu
Một ngày về thăm nhà, tôi tình cờ nhìn thật lâu vào gương mặt cha tôi và thấy rằng ông già đi nhiều quá. Cha con tôi trò chuyện và nhận ra đã không biết gì về cuộc sống của nhau. Tôi rơi nước mắt. Những ngày cuối năm cũ, tôi may mắn trò chuyện sâu với vài người, những người mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nói những điều đó với họ. Tôi biết ơn vì điều đó. Tôi cho rằng đây chính là điều cốt lõi để không bị rơi vào vòng xoáy của thực tại chóng vánh, rằng phải chấp nhận đi chậm lại để nhìn đủ sâu vào một điều gì đó. Với những điều chưa đủ sâu như ý mình thì hãy chấp nhận làm có mục đích, còn với những gì mình thực sự muốn làm thì hãy dành thời gian và chiến đấu đến cùng.
Một lý do lớn nữa, liên quan đến yếu tố thương mại. Là vì phim tài liệu chưa có đất sống. Tôi biết có rất nhiều bạn trẻ ước mơ làm tài liệu nhưng ai dám lao vào một mảnh đất khô cằn, không thấy đường ra? Ước mơ lớn của tôi là có thể kết nối các bạn trẻ tạo dựng một thế hệ làm phim tài liệu mới. Tôi hy vọng thông tin Những vết thương lành bán được cho Netflix Đông Nam Á sẽ là dấu hiệu tích cực cổ vũ các bạn dám sống với ước mơ.
Ê kíp Storii Of Wildlife tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên
Trong sáng tạo, tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất
* Vậy thì, tôi rất muốn hỏi anh Hiếu, có phải khi điều kiện vững vàng, anh và cộng sự mới an tâm làm STORII?
Đạo diễn Cao Trung Hiếu: Có thể trả lời là đúng và chưa đúng. Khi làm nền tảng, chúng tôi muốn thực hiện bằng công sức và nguồn lực mình có. Dĩ nhiên, để sống và hoạt động đường dài thì phải có những cuộc vật lộn về tài chính. Nhưng khi bắt đầu, chúng tôi muốn xây thành hình, xem STORII như thế nào, là cái gì, liệu những gì mình hình dung có ổn không…
Điều này không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn là việc mình sẽ làm gì với nó, chọn những người như thế nào đồng hành. Có những chuyến đi quay chẳng tốn đồng nào nhưng lại có giá trị, cũng có những cuộc quay hình tốn rất nhiều lại không thành công. Với tôi, nội dung quan trọng hơn. Tôi khá may mắn khi có sự chia sẻ từ những người đồng hành là nhà đầu tư. Họ hoàn toàn tin tưởng vào chúng tôi. Những năm tới đây, chúng tôi sẽ có cách vận hành để STORII phát triển hơn. Bằng chứng là chúng tôi đang bắt đầu có những đơn đặt hàng, phim ngắn, phim tài liệu. Chúng tôi vừa vui, vừa áp lực, làm sao để có thể truyền tải tình cảm như cách STORII đã làm. Tôi càng mong có thêm nhiều bạn trẻ sáng tạo như Lan Nguyên đồng hành.
STO.TALK 05 - ê kíp phim Bên trong vỏ kén vàng
* Nỗi sợ lớn nhất của người làm sáng tạo là cạn kiệt ý tưởng?
Đạo diễn Cao Trung Hiếu: Tôi không quá lo sợ chuyện đó. Mỗi ngày, tôi đều thấy quanh mình những người trẻ thực sự giỏi giang, tài năng. Quan trọng là mình có tiếp cận được với các bạn, có đủ tiếng nói và cảm hứng để các bạn tin tưởng gửi gắm những điều các bạn muốn cống hiến hay không.
Bên cạnh công việc đạo diễn sân khấu, từ STORII, trong năm qua, tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ underground trong nhiều lĩnh vực, ở Việt Nam và nước ngoài, sẵn sàng dấn thân vào những sáng tạo của các bạn, chịu khó lắng nghe, chia sẻ. Nhiều bạn thú vị vô cùng. Chính nhờ sự kết nối đó mà khi về Việt Nam, các bạn tìm đến tôi đầu tiên để chia sẻ những điều muốn thực hiện. Ý tưởng thì luôn dồi dào, quan trọng là có đủ nguồn lực và sức khỏe để triển khai hay không.
* Anh có sợ thế hệ sau vượt mình?
Đạo diễn Cao Trung Hiếu: Không đâu. Tôi nghĩ đây hoàn toàn là câu chuyện của thế hệ. Thế hệ nào cũng có thời khắc vàng. Khi thời khắc đó đến, mình cứ tận hưởng và cống hiến. Sau đó, thời khắc ấy sẽ được trao tay cho thế hệ tiếp theo. Đó là quy luật, có gì phải lo lắng!
STO.TALK 02 - ê kíp phim Tro tàn rực rỡ
* Còn Lan Nguyên, làm thế nào để luôn khơi được sức sáng tạo bên trong, đồng thời tránh được cái bẫy của sự nhàm chán và không mất đi “chất” điềm tĩnh, đầy xúc cảm?
Đạo diễn Lan Nguyên: Trong sáng tạo, tôi nghĩ luôn cần nhìn vào sản phẩm trước đó của mình bởi điều đó sẽ cho thấy nhiều thứ chưa tốt và thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc đời này. Dũng cảm lao vào một dự án và hãy để cảm xúc đến thật thà. “Khiêm tốn - thật thà - dũng cảm” - tôi nhìn thấy những điều này rất rõ ở những đạo diễn bậc thầy. Chẳng hạn như Hayao Miyazaki của studio Ghibli - thần tượng của tôi - hay ở Việt Nam là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ở tuổi ngoài 80, các bác vẫn vẹn nguyên như vậy với cuộc sống, với phim ảnh. Tôi cho đó là thách thức lớn nhất - làm sao để làm phim với một trái tim thật thà và dũng cảm khi xung quanh đầy cám dỗ, những lời tung hô. Cái bẫy của sự nhàm chán luôn được giăng sẵn chờ ta nhảy vào. Đôi khi, mình phải nhảy vào, vùng vẫy rồi mới biết cách thoát ra hay né bẫy.
Tôi tin vào trực giác của mình. Những dự án đến đều có lý do. Nó sẽ hoàn thiện mình theo một cách nào đó, có thể để lại vài vết thương. Phim ảnh chính là cách tôi thể hiện cảm xúc của mình, nên nếu những điều gì không làm tôi rung động thì tôi sẽ không tự tin để gửi đến mọi người.
NSƯT Thoại Mỹ đã có trải nghiệm đặc biệt khi lần đầu trở thành Thiên Hậu trong chương trình "Táo Xuân 2025", Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) sản xuất.
Chiều 17/12, BTC Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 công bố các vật phẩm đăng quang dành cho tân hoa hậu gồm: vương miện, hoa cầm, cúp đăng quang, băng đeo.