Trước những vọng động không báo trước của đời sống, mỗi người trong chúng ta đều có quyền được chọn cho bản thân một thái độ ứng xử, một hành động ta cho là cần thiết. Cũng có không ít lần, ta băn khoăn, đắn đo nhưng trước lằn ranh mong manh của sinh ly tử biệt, rất nhiều người như được tiếp thêm sức mạnh, sự can đảm dẫu đâu đó ở nhiều thời khắc, trong lòng họ cũng dấy lên nỗi lo lắng và sợ hãi.
|
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên |
Ra mắt đúng một năm sau cao điểm dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, loạt phim tài liệu Không sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không có sự khắc nghiệt, không chọn phản ánh không khí căng thẳng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Phim gợi một cách vừa phải sự thật. Tất cả mất mát, đau thương đều được chuyển thành những con số, những dòng chữ chạy qua màn ảnh.
Bùi Thạc Chuyên tâm tình, thủ thỉ, đi vào những câu chuyện nhỏ nhất, cá nhân nhất, đời thường nhất như lời an ủi, động viên những người ở lại. Không khái quát thành đại diện, không đặc trưng nhưng chính họ, những con người bình dị ấy, đã cùng nhau hợp thành sức mạnh trên nhiều phương diện mà khởi điểm không gì khác ngoài tình thương và sự sẻ chia.
Điều này cũng như quyết định của Bùi Thạc Chuyên khi anh vào Sài Gòn, lao vào cao điểm dịch lần thứ tư với tâm thế “không thể đứng ngoài cuộc chiến cam go ấy”. Một người, một máy quay cứ thế lên đường, vừa đi vừa phỏng vấn. Khó ở đâu thì gỡ ở đó. Để có thể ghi hình tại nơi chữa bệnh, anh đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Năm tập phim gồm: Không đứng nhìn, Không chạy trốn, Không cô đơn, Không vô cảm và Không bỏ rơi là năm góc nhìn nhân văn Bùi Thạc Chuyên chọn nhìn lại. Anh cho biết, loạt phim này sẽ còn tiếp nối với những “Không…” tiếp theo và anh đang kiên nhẫn chờ thời điểm phù hợp khi nhân vật có thể chia sẻ; đồng thời tiết lộ các chủ đề mới: Không u mê, Không mặc cảm... Cuộc trò chuyện với anh về hành trình thực hiện loạt phim tài liệu chưa có hồi kết này phản chiếu nhân sinh quan không chỉ của riêng anh về vai trò của nghệ thuật và người làm nghệ thuật trong đời sống.
"Chính con người với bản chất tốt đẹp của mình đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch. Không muốn lấy nước mắt của khán giả nhưng quanh tôi, tất cả những đôi mắt đều ngấn lệ khi đèn rạp chiếu bật sáng trở lại”. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu "- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội |
Càng đi, tôi càng nhìn thấy được sức sống của con người
Phóng viên: Điều gì đã thôi thúc anh cầm máy quay và lên đường trong bối cảnh cao điểm dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi nghĩ bộ phim này đã chọn mình. Từ ngày 27/7/2021, tôi đi khắp Sài Gòn rồi xuống Bình Dương và quay liên tục. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục quay. Tôi luôn nghĩ rằng với người làm phim, nếu phim truyện lấy đi của họ năng lượng, khiến họ kiệt quệ thì phim tài liệu mang đến nguồn năng lượng mới và tiếp sức cho họ. Phim tài liệu có thể làm rất tốt việc ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong những giai đoạn như thế này. Mong sao khi mọi người xem lại vẫn thấy giá trị của nó, ngay cả nhiều năm sau đó.
Tôi không phải là người sùng bái nghệ thuật. Cuộc sống vốn dĩ hay ho, thú vị hơn trên phim ảnh nhiều. Tôi yêu sự tự nhiên và những gì thuộc về cuộc sống hơn trên phim ảnh.
* Anh nghĩ sao nếu có nhận định rằng những gì trên phim chưa phản ánh được sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch lần thứ tư?
- Năm tập phim này chỉ là khởi đầu. Tôi biết cuộc sống vào thời điểm đó có thể khốc liệt hơn những gì tôi đã chọn lọc để thể hiện trong phim. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người đã quá mệt mỏi với thực tại lúc đó nên tôi không muốn nhắc lại. Thay vào đó, tôi muốn truyền năng lượng và tinh thần tích cực cho mọi người. Nếu bớt sợ hãi, chúng ta có thể đối mặt với nhiều đại dịch sau này.
Tôi biết, những gì được thể hiện trên phim có thể không sát với từng hoàn cảnh khác nhau vì có nhiều người trải qua nỗi đau kinh khủng hơn thế. Do đó, người xem có thể có nhiều ý kiến khác nhau về bộ phim.
* Tên phim là Không sợ hãi nhưng hỏi thật, anh có sợ không khi thời điểm ấy anh chỉ mới tiêm một mũi vắc-xin?
- Tôi đặt tên cho bộ phim là Không sợ hãi để người xem có cái nhìn khác đi thay vì hoảng sợ khi nghĩ về COVID-19. Khủng khiếp hay không là do cách mình nhìn nhận, nghĩ về nó. Cũng như tôi những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn thời điểm ấy. Tôi có sợ không? Sợ kinh khủng chứ! Thế nhưng càng đi, càng chứng kiến sự khủng khiếp của dịch bệnh, tôi càng nhìn thấy được sức sống của con người trong đại dịch. Sức sống ấy vô cùng lớn, từ đội ngũ y, bác sĩ đến người dân, các tình nguyện viên.
Để nói về đại dịch cần có thời gian, độ lùi, suy nghĩ thấu đáo. Tôi vẫn đang tiếp tục và nếu bạn hỏi tôi bao giờ hoàn thành những thước phim này thì chính tôi cũng không biết. Có thể là vài ba năm nữa bởi dù muốn hay không, nó đã là sự kiện vô tiền khoáng hậu, là một sự kiện rất lớn trong cuộc đời mỗi người và quá sức chịu đựng của loài người. Kể cả những chính phủ tiên tiến nhất, thông minh nhất, những nhà khoa học giỏi giang nhất cũng đều vướng phải sai lầm hay bất lực. Ngay cả khi không làm gì, chịu giãn cách suốt ba tháng, chắc chắn mỗi người trong chúng ta cũng đã chiêm nghiệm ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Tất cả đều cần thêm thời gian để nhìn nhận và chiêm nghiệm.
Chia sẻ như một sự giải thoát
* Anh có gặp khó khăn nào khi thực hiện bộ phim này trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt?
- May mắn cho tôi là không. Khi tôi chia sẻ với bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và bạn bè mong muốn làm phim về điều này, không thể đứng ngoài dòng chảy ấy, mọi người đã nhiệt thành giúp đỡ. Có một sự thật là làm phim trong dịch không khó khăn như bình thường.
Thời bình thường, mọi người đề phòng nhau hơn. Còn thời dịch bệnh, con người bị đẩy đến hoàn cảnh buộc phải chống chọi, buộc phải tồn tại; họ có rất nhiều chuyện để kể và nhu cầu để kể. Quan trọng nhất là tìm được nhân vật có điều muốn kể. Tôi chỉ việc đến đó trò chuyện và lắng nghe họ. Có rất nhiều câu chuyện như thế. Tôi cần thêm thời gian để làm nó chín chắn hơn. Cũng có những đoạn phim khủng khiếp nhưng tôi chưa đủ thời gian đề cập đến.
|
Poster phim Không sợ hãi |
* Trong quá trình anh làm phim, có nhân vật nào từ chối tiếp cận không?
- Nhiều nhân vật ban đầu từ chối, khó phỏng vấn nhưng khi hiểu ra, họ đồng ý. Chỉ cần họ muốn kể câu chuyện đang giữ trong lòng là được. Tôi đã gặp những bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên chống dịch suốt ba tháng. Họ liên tục đối mặt với chuyện sinh tử, những chuyện đều vượt quá ngưỡng cảm xúc của con người. Họ rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ đến mức trầm cảm. Khi phỏng vấn xong, điều khiến tôi bất ngờ là họ quay ngược lại cảm ơn tôi. Họ bảo nếu như không được nói ra, họ sẽ bị những điều đó đeo giữ và ám ảnh. Chia sẻ ở đây như một sự giải thoát, giúp họ phần nào thoát khỏi gánh nặng tâm trạng.
Vấn đề của nhà làm phim là kể như thế nào để không làm tổn thương người khác.
Đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu
* Người làm phim tài liệu luôn bị đặt ở lằn ranh mong manh giữa đạo đức và những thước phim chân thực, sống động. Đã có lúc nào anh buộc phải đặt máy quay xuống để giúp đỡ những người trước máy quay?
- Khi cầm máy quay lên, bạn sẽ không nghĩ được gì mà chỉ có thể quay những gì đang diễn ra. Tôi muốn có sự chân thực, khách quan nhất trong cách mình kể lại các câu chuyện bởi có những việc khi được đưa lên mạng xã hội đã bị nói quá lên. Nguyên nhân là do họ thiếu đi sự điềm tĩnh. Trước đội ngũ y, bác sĩ và những tình nguyện viên, nếu giúp không khéo, mình lại trở thành nỗi phiền hà cho họ. Tôi không can thiệp vào sự thật. Sự thật diễn ra thế nào thì tôi ghi lại thế ấy. Mỗi người mỗi việc, không cần đến người không có chuyên môn như tôi.
|
Những hình ảnh trong loạt phim tài liệu Không sợ hãi |
Cũng có những thời điểm rất khủng khiếp mà rơi vào hoàn cảnh đó, tôi có nhiều sơ suất. May mắn là mọi thứ đều tốt. Áp lực nhất với tôi chính là thời gian.
Khi đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là mình đừng nhiễm bệnh để có thể đến thật gần với nhiều người, để có thể gặp thêm càng nhiều người càng tốt. Có những ca bệnh nguy cấp, có những người hấp hối. Nếu bệnh, mình sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ. Nếu mắc bệnh, mình sẽ lây cho nhiều người khác vì hằng ngày, tôi gặp rất nhiều nhân vật để phỏng vấn.
* Với nhiều tư liệu như thế, anh có bối rối khi dựng phim?
- Quả thực rất khó khăn. Trong năm tập phim này, tôi có dựng một tập nhưng không hề dễ dàng chút nào. Tôi không thể tiếp cận lại nguồn dữ liệu khổng lồ mình đã quay vì thiếu đi sự khách quan. Sau đó, tôi nhờ vào sự hỗ trợ của Trần Thị Thu Hằng, một nhà dựng phim trẻ. Bạn ấy đã dựng rất tốt bốn tập còn lại. Lúc này, tôi trở thành người đứng ngoài nhìn lại câu chuyện mình muốn kể và có góc nhìn khách quan hơn.
|
Hai nhân vật trong loạt phim tài liệu Không sợ hãi |
* Trong quá trình dựng, làm thế nào để không làm tổn thương những người còn sống, tránh đi ngược lại phương châm ảnh hướng đến là sự an ủi, động viên?
- Thứ nhất, với những nhân vật xuất hiện trong phim, chúng tôi đều xin phép rất cẩn thận.
Thứ hai, chúng tôi che mặt, không để lộ danh tính của họ. Với những gia đình như gia đình bạn tình nguyện viên có bố mất, ảnh bố của bạn là do bạn gửi cho chúng tôi như một sự sẻ chia. Quan điểm của tôi là đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu khi chạm đến nỗi đau của nhân vật. Thật ra, tôi chưa có ý định phát hành bộ phim này ngay nhưng có lẽ nhờ cái duyên với nhà phát hành… Tôi và nhà sản xuất gặp nhau ở góc nhìn đều muốn truyền năng lượng tích cực đến người xem.
* Bận rộn với phim tài liệu, vậy dự án điện ảnh Tro tàn rực rỡ của anh đã đi đến đâu?
- Phim đã hoàn thành nhưng hiện nhà sản xuất đang giữ bản quyền. Khi nào có thông tin mới, tôi sẽ chia sẻ đến bạn và khán giả.
* Hiện tại, anh có đang ấp ủ dự án điện ảnh nào? Cũng khá lâu không nghe anh bận rộn với điện ảnh…
- Có lẽ tôi sẽ tập trung thời gian cho dự án tài liệu này.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Bùi Thạc Chuyên theo học Khoa Diễn viên, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1995. Anh bắt đầu làm phim ngắn và phim truyện truyền hình từ năm 1991. Anh theo học đạo diễn điện ảnh tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh (1997-1999). Năm 2000, với phim tốt nghiệp 35mm Cuốc xe đêm, Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn Việt Nam đầu tiên đoạt giải tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2000 (Cinéfondation). Phim truyện dài đầu tiên của anh - Sống trong sợ hãi (2005) đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Chơi vơi - phim thứ hai của Bùi Thạc Chuyên - được chọn vào LHP Venice và đoạt giải của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Quốc tế Fipresci. Bùi Thạc Chuyên còn sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 2002, đã thực hiện các dự án phim ngắn, xây dựng thư viện phim đầu tiên ở Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ để hỗ trợ nghề nghiệp cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam |
Thư Hiên(thực hiện)
Ảnh: Galaxy Play