Đạo diễn Andy Nguyễn: “Không đem đến cái mới mình sẽ bị cũ”

04/08/2023 - 07:59

PNO - 6 năm chăm chút cho kịch bản, hơn 3 năm đi chào mời nhà đầu tư, bộ phim Fanti của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn cuối cùng cũng trình làng.

Không làm được sẽ nghỉ làm nghề

Fanti - bộ phim đánh dấu sự trở lại của điện ảnh Việt sau nhiều tháng im ắng - cũng là tác phẩm ra mắt của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn tại thị trường Việt Nam. Với công chúng, Andy Nguyễn có thể là cái tên xa lạ, nhưng trong làng phim, đạo diễn người Mỹ gốc Việt 36 tuổi này đã quá quen thuộc.

Andy Nguyễn (tên Việt là Nguyễn An Di) sinh tại Tampa, bang Floria (Mỹ). Bác ruột của anh là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và chú ruột là nhà sản xuất Trinh Hoan. Cả hai cũng là những người tạo ra cái duyên gắn kết Andy Nguyễn với 
phim ảnh. 

Đạo diễn Andy Nguyễn
Đạo diễn Andy Nguyễn

Andy Nguyễn hồi tưởng: “Năm 9 tuổi, tôi về Việt Nam lần đầu và đi theo bác, chú đang làm phim Đất phương Nam. Tôi được cho 1 vai nhỏ xíu là bạn học của An, xuất hiện trong tập 1. Lần đầu trải nghiệm làm phim, tôi nhận ra mình không hợp làm diễn viên mà tò mò về công việc làm phim của bác, của chú”. Lớn lên, Andy Nguyễn theo học ngành đạo diễn tại đại học Columbia (New York, Mỹ) và bắt đầu tập tành làm những bộ phim của riêng mình từ chiếc máy quay video của gia đình.

Năm 16 tuổi, Andy Nguyễn trở về Việt Nam làm phim ngắn đầu tay A silent night (Một đêm yên bình) dưới sự hướng dẫn của bác và chú. Phim được công chiếu tại hơn 30 liên hoan phim quốc tế và mang lại cho Andy Nguyễn hơn 10 giải thưởng, trong đó có giải Jimmy Stewart Memorial Crystal Heart Award mà anh là nhà làm phim trẻ nhất nhận giải này. Ngoài ra, Andy Nguyễn còn nhận giải Nhà làm phim sinh viên triển vọng nhất của Hiệp hội Phát triển điện ảnh độc lập năm 2005. Phim ngắn khác The man who was there (Người đàn ông ở đó) của anh giành giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim trực tuyến quốc tế dành cho phim ngắn lần thứ hai.

Dù sinh trưởng ở Mỹ nhưng trong các tác phẩm của anh luôn có bóng dáng Việt Nam. Như phim ngắn The Manicurist (Thợ làm móng) kể về đời sống của những người Việt mưu sinh trên đất Mỹ bằng nghề làm nail. Phim tốt nghiệp Forever in Hiatus (Mạt vận) lấy bối cảnh TPHCM.

Năm 2015, Andy Nguyễn về Việt Nam ở hẳn. Thời điểm đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh làm bộ phim đầu tay - Em là bà nội của anh và Andy là người dựng phim. Bộ phim thành công rực rỡ, mở đầu cho cái bắt tay sau này giữa Phan Gia Nhật Linh và Andy Nguyễn với phim Fanti mà Phan Gia Nhật Linh làm nhà sản xuất.

Trailer phim Fanti:

 

 

Sau Em là bà nội của anh, Andy Nguyễn tiếp tục dựng phim Người bất tử. Tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ cũng được đánh giá cao về mặt chuyên môn, chỉ tiếc không đạt thành công phòng vé như Em là bà nội của anh. Những tưởng con đường làm nghề của Andy Nguyễn tại quê nhà từ đây sẽ thênh thang hơn nhưng bỗng nhiên lại như bị “đóng băng”. Andy Nguyễn tâm sự: “Mới về nước mà được nhiều lời mời hợp tác, tôi rất vui. Nhưng có lẽ nhiều người không thích cách làm của tôi. Tôi làm lâu, làm kỹ nên sau đó không ai mời nữa. Tôi quyết định, nếu không làm được một phim của riêng mình thì nghỉ làm nghề”. 

Khó nhất là tìm nhà đầu tư 

Fanti là phim truyện dài đầu tay của Andy Nguyễn. Bất cứ đạo diễn nào làm phim đầu tay cũng gặp nhiều khó khăn, Andy Nguyễn cũng không ngoại lệ. Anh tâm sự. “Làm phim đầu tay luôn có cái khó. Khó nhất là tìm nhà đầu tư vì mình không biết ai có tiền để tìm đến (cười). Cái khó nữa là nhà đầu tư luôn muốn kéo mình về cái an toàn. Tôi như bị đứng giữa ngã ba vì tôi sống trong cộng đồng người trẻ, thấy được họ khao khát cái gì mới, nhưng nhà đầu tư khó dám mạo hiểm với cái mới. Cái khó nữa là cũng không biết khán giả sẽ bỏ qua hay ủng hộ phim mình, không biết nhà làm phim trẻ có được tin tưởng hay không”.

6 năm cho Fanti, Andy Nguyễn chưa bao giờ nản dù không ít lần phải sửa kịch bản theo gợi ý của nhà đầu tư. “Bây giờ khán giả ít có niềm tin với phim Việt nên tôi mong đem đến điều gì đó mới mẻ, vì nếu không mình sẽ bị cũ, dù cho mình mới lần đầu làm phim dài”. Nhà sản xuất phim Fanti Phan Gia Nhật Linh nói về Andy Nguyễn: “Khi tôi làm phim Em là bà nội của anh, tôi lo không biết phim mình sẽ thế nào vì người dựng có thể giúp phim tốt hơn hoặc không. Nhưng nhờ sự tham gia của Andy Nguyễn mà Em là bà nội của anh tốt hơn nhiều. Andy học ở trường dạy làm phim nổi tiếng ở Mỹ, đã làm nhiều phim ngắn đoạt hơn 30 giải thưởng. Tại Việt Nam Andy cũng từng làm việc với nhiều đạo diễn nên Andy có những trải nghiệm về thị trường phim Việt, hiểu được khán giả trong nước”.

Cảnh trong phim Fanti
Cảnh trong phim Fanti

Xem Fanti, khán giả có thể thấy nhiều tên tuổi trong giới làm phim, ca nhạc trong vai quần chúng như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Trinh Hoan, ca sĩ Bùi Lan Hương… Khi được hỏi về sự hậu thuẫn của bác và chú trong phim này, Andy Nguyễn vui vẻ bày tỏ: “Tôi không có áp lực từ bác và chú khi làm phim, vì tôi làm phim kiểu khác. Tất nhiên cả hai vẫn ủng hộ tôi, nhưng chỉ âm thầm”. 

Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn khi làm phim ở Việt Nam, Andy Nguyễn nói: “Thuận lợi là thị trường mình có người làm phim thắng phòng vé, vì tôi sợ nhất làm trong thị trường không có phim nào thắng. Còn hạn chế là Việt Nam thiếu hệ thống đào tạo các bộ phận liên quan việc làm phim, ví dụ như những người săn bối cảnh. Ở Việt Nam phải vừa làm vừa tự học hỏi”. 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI