Nhiều năm nay, tên tuổi Aaron Toronto (thường được gọi với tên thân mật là Thành) không còn xa lạ với công chúng TP.HCM trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: MC các chương trình truyền hình thực tế; quay phim, dàn dựng nhiều MV ca nhạc, làm phó đạo diễn cho các bộ phim Chuyện tình xa xứ, Sài Gòn Yo, Để Mai tính, Trúng số; là thành viên nhóm biên kịch của hai bộ phim khá nổi tiếng Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám chuyện chưa kể; đồng sáng lập nhóm kịch tiếng Anh Dragonfly kiêm đạo diễn của các vở Tầm quan trọng của sự nghiêm túc, Mối quan hệ nguy hiểm, Hoàng tử bé…
Chưa hết, mới đây khi xuất hiện với vai trò diễn viên ở vở Visa (sân khấu Hồng Hạc), Aaron lại gây bất ngờ bởi lối diễn “tỉnh táo”, hóm hỉnh và cách phát âm đặc sệt giọng miền Bắc - khác hẳn những gì mọi người từng nghe khi anh làm MC các chương trình truyền hình thực tế.
|
Aaron và bạn diễn thân thiết Lan Phương trong vở Hoàng tử Bé |
* Chào anh, anh có biết mình đã làm nhiều khán giả ngạc nhiên khi biết anh có thể phát âm cả giọng Nam, giọng Bắc lẫn giọng Trung?
Aaron Toronto: Là người nước ngoài, khi học tiếng Việt, muốn học tốt tôi phải nghiên cứu từng âm để biết cách phát âm chuẩn nhất. Tôi may mắn có được khả năng về ngôn ngữ. Từ nhỏ tôi lớn lên ở Nam Mỹ, ngoài tiếng Mỹ, tôi biết tiếng Tây Ban Nha, do vậy khi học thêm một ngoại ngữ khác, điều đó với tôi không quá khó khăn.
Tôi cũng được học âm nhạc từ nhỏ và dành thời gian rất nhiều cho violon. Âm nhạc, nhất là đàn violon giúp người chơi luyện tai nghe rất tốt, bởi phải có tai nghe thật chính xác, bạn mới có thể chơi tốt loại nhạc cụ này. Có lẽ vì vậy tôi học ngôn ngữ tốt hơn và biết cách điều chỉnh phát âm của mình trong những tình huống đặc biệt.
* Chọn Việt Nam để lập nghiệp từ cách đây hơn mười năm, khi đó lĩnh vực nghệ thuật, giải trí ở TP.HCM chưa có nhiều hoạt động, anh có nghĩ mình “gan”?
- Tôi không nghĩ mình “gan” mà cho rằng đó là cơ duyên. Năm 2002 tôi qua Việt Nam để học tiếng Việt, sau một thời gian ngắn ở Việt Nam, tôi đã nghĩ “Mình sẽ lập nghiệp ở nơi này”. Tốt nghiệp điện ảnh ở Mỹ, là người Mỹ nhưng cơ hội lập nghiệp ở Hollywood với tôi không dễ, khả năng quen biết của tôi với Hollywood không nhiều nên tôi lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Hơn nữa, Hollywood là nơi có hàng ngàn người đến để xin gia nhập hàng năm.
Do vậy, nếu bắt đầu từ công việc nào, tôi cũng chỉ có thể đi tiếp với công việc đó. Vị trí có thể thay đổi, nhưng công việc thì rất khó thay đổi, mà tôi lại là người thích được thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó nền giải trí ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển, tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để bắt đầu, có cơ hội làm được điều mình mong muốn và thử sức với nhiều vai trò khác nhau.
|
Aaron trong vở diễn Visa (sân khấu kịch Hồng Hạc) |
* Nhưng thực tế, anh đã mất rất lâu để có thể ổn định công việc và cuộc sống ở Việt Nam.
- Lúc chưa đến Việt Nam, tôi ước ao mình có thể làm được điều gì đó chưa ai làm và tự tin mình có đủ khả năng thực hiện ước mơ. Chỉ đến khi bắt đầu “khởi nghiệp”, tôi mới nhận ra rằng mọi việc khó hơn tôi nghĩ rất nhiều. Ở thời điểm đó gần như chưa có người nước ngoài đến Việt Nam tham gia ở lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, có lẽ tôi là người nước ngoài duy nhất đến Việt Nam để làm nghệ thuật.
Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Không có công ty nào cho tôi nộp đơn xin việc. Tôi phải tự khai hoang con đường cho riêng mình bằng việc làm các video, clip ca nhạc. Quá nhiều khó khăn ở buổi ban đầu, từ tài chính đến đời sống tinh thần. Tôi đã mất nhiều năm để thiết lập các mối quan hệ, để học kỹ năng sống, làm việc và thích nghi với môi trường làm việc mới… Từng ước mơ được làm diễn viên ở Việt Nam, nhưng không ngờ đến giờ tôi gắn nhiều hơn với công việc sáng tạo: viết kịch bản phim, đạo diễn, dựng phim…
* Anh giờ có mặt ở rất nhiều vị trí: đạo diễn, viết kịch bản, dựng phim, diễn viên... cả ở sân khấu lẫn phim ảnh. Nhưng người Việt Nam vẫn có quan niệm “Nhất nghệ tinh - nhất thân vinh”.
- Tôi không nghĩ vậy. Tôi không thích mình bị bó buộc trong một khuôn khổ nào. Nếu có khả năng làm nhiều việc khác nhau, mình sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Bởi thành công, theo tôi không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn phải có sự may mắn, quá trình nỗ lực và cả “cơ duyên” để mình có thể hợp tác, làm việc với những cá nhân, tập thể… khác nhau. Thời gian đầu lập nghiệp, nếu chỉ làm một công việc, có thể tôi không đủ tiền để sống.
Chỉ làm một công việc, cơ hội để tôi khẳng định mình cũng ít hơn. Trong trường hợp của tôi, cơ duyên đến với sân khấu là một ví dụ. Khi mới tới Việt Nam tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm sân khấu dù tôi từng gắn với sân khấu từ lúc còn là học sinh cho đến đại học. Nhưng nếu nhất định sẽ chỉ làm phim, chắc chắn tôi sẽ không có cơ duyên để có nhóm kịch Dragonfly, không có cơ hội hợp tác với sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu Hồng Hạc để đến bây giờ, sân khấu đã đưa cho tôi những cơ hội rất lớn trong nghề nghiệp.
|
Aaron - đạo diễn kiêm diễn viên vở Mối quan hệ nguy hiểm (nhóm kịch Dragonfly) |
* Dựng kịch cho khán giả là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam rồi thử sức với sân khấu dành cho khán giả Việt Nam, sân khấu của TP.HCM có khác nhiều so với suy nghĩ của anh trước đó?
- Rất khác. Những vở diễn của Việt Nam thường làm người xem cảm động vì những số phận trắc trở, những câu chuyện buồn. Trong khi đó, ở sân khấu phương Tây người xem có thể tìm thấy ở nhân vật, ở câu chuyện những tình huống, những cảm xúc mình đã từng trải qua. Và đó là điều khiến người xem rung động.
Tôi cho rằng cảm xúc đó sẽ mạnh hơn, sâu sắc hơn và có thể giúp con người thanh tẩy tâm hồn. Tất nhiên đó là suy nghĩ chủ quan của tôi, bởi nghệ thuật mang rất nhiều cảm tính. Tôi từng mong muốn có thể thể hiện được điều đó trong các tác phẩm sân khấu của mình ở Việt Nam, cho khán giả Việt Nam để có thể “kiểm chứng” quan điểm của mình.
* Anh đã có cơ hội khi hợp tác với sân khấu kịch Sài Gòn, nhưng khi ấy lại chọn dựng kịch ma, khi phong cách kịch này vốn không được đánh giá cao trong đời sống kịch nói ở TP.HCM?
- Do kịch Sài Gòn là một sân khấu chuyên về kịch kinh dị nên khi được mời về, tôi phải chọn vở diễn theo phong cách đó. Vở diễn do tôi chuyển thể từ một câu chuyện ma của Nhật. Tôi quyết định chọn vở này do kịch bản có thể dàn dựng đúng với phong cách kịch Sài Gòn, phù hợp với suy nghĩ, nhu cầu của khán giả Việt Nam, đồng thời kịch bản cũng mang thông điệp ý nghĩa về giá trị của gia đình. Có cơ hội tôi sẽ không từ chối.
Tôi cho rằng phong cách kịch nào cũng có cái hay riêng của nó, quan trọng là cách kể của ê kíp sáng tạo. Kịch ma, kịch hài, kịch tâm lý… đều có những “chiêu” riêng để phục vụ ý đồ của đạo diễn. “Chiêu” là phương tiện để đưa khán giả vào câu chuyện, nó như những gia vị khi chế biến một món ăn. Nếu món ăn rất ít nguyên liệu chính mà chỉ toàn gia vị, món ăn sẽ không có dinh dưỡng và mùi vị cũng rất nồng, khó ăn; còn nếu món ăn rất nhiều nguyên liệu chính nhưng lại thiếu gia vị thì cũng không đủ sức hấp dẫn. Điều quan trọng là cách lựa chọn nguyên liệu chính và gia giảm gia vị khi chế biến một món ăn thật sự ấn tượng với thực khách và họ không thể quên.
|
Aaron và vợ - diễn viên Nhã Uyên |
* Anh có hài lòng với tác phẩm Việt Nam đầu tay của mình trên sân khấu?
- Chắc chắn chẳng nghệ sĩ nào hài lòng với một vai diễn, tác phẩm của mình. Họ luôn muốn hoàn thiện nó hơn sau từng suất diễn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có những hạn chế nhất định. Canh máu do chuẩn bị quá nhanh, quá gấp để kịp ra mắt trong dịp tết nên không như mong muốn. Một vài thay đổi hoặc những gia vị nằm ngoài dự tính cũng được gia giảm trong quá trình thực hiện. Đó là những điều tôi phải học cách để chấp nhận.
* Học cách chấp nhận?
- Không chỉ ở sân khấu mà cả ở phim ảnh, một số nghệ sĩ Việt Nam có nhiều cách làm việc rất... lạ. Chẳng hạn, làm việc lúc nửa đêm, đó là điều “bất thường”, là cách mình tự hại mình. Từng cá nhân hoặc chính sân khấu phải biết cách quản lý, sắp xếp thời gian để có đủ sự tỉnh táo khi sáng tạo nghệ thuật. Một sự khác biệt nữa là cách diễn của diễn viên Việt Nam có tiết tấu hơi chậm. Có người vì muốn diễn lâu để xuất hiện nhiều trên màn hình mà chúng tôi thường gọi đùa là “mua hình”.
Nhưng cũng có thể không phải do bản thân người nghệ sĩ muốn mà lối diễn đó đã là một thói quen. Tôi không thích điều này. Sân khấu hay điện ảnh luôn phải có nhịp. Chỉ cần chậm hơn một chút mạch chung sẽ kéo dài, tạo cảm giác rất ngán cho người xem. Nếu làm phim, tôi có thể cắt khi dựng để có nhịp theo mình muốn, nhưng ở sân khấu thì chịu. Chỉ có thể nhắc nhở diễn viên khi tập, nhưng đôi khi đến lúc diễn, diễn viên lại quên và trở về với cách diễn cũ đã được “lập trình”.
* Anh có dự tính làm thêm những vở diễn tiếng Việt? Nếu có, anh sẽ tiếp tục với phong cách kịch nào?
- Với tôi, sân khấu là duyên bất ngờ mà tôi sẽ không bao giờ muốn mất nó. Tôi không hạn chế mình ở một phong cách kịch nào mà luôn muốn tìm được cơ hội ở nhiều phong cách khác nhau. Thể loại nào cũng là một câu chuyện, quan trọng là cách kể sao cho phù hợp với từng thể loại. Tôi và nhóm bạn đang tính toán đầu tư và thành lập một sân khấu phục vụ khán giả Việt Nam và dựng vở bằng tiếng Việt ở TP.HCM. Nhưng tất cả cần phải có thời gian và sự chuẩn bị. Là nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn phải giữ cho mình đủ sự tỉnh táo. Không thể đòi nhiều hơn cái mình không có.
* Vợ là người Việt Nam và cũng là một diễn viên, anh chị đang chuẩn bị đón bé đầu lòng. Liệu khi có con một trong hai người sẽ phải tạm dừng hoạt động nghệ thuật?
- Gặp nhau không lâu, chúng tôi đã biết chúng tôi thuộc về nhau vì cả hai có rất nhiều điều giống nhau: quan niệm sống, suy nghĩ, nghề nghiệp… Cuộc sống luôn thay đổi. Tôi chưa nói trước điều gì khi nó chưa xảy ra. Mọi việc phải chờ đến khi vợ tôi sinh con và xem cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của chúng tôi khi đó thế nào.
* Anh đã có 15 năm sống ở đất nước này. Anh thích điều gì nhất và văn hóa, phong tục nào khiến anh khó khăn để thích nghi?
- Văn hóa ẩm thực của Việt Nam theo tôi là đứng đầu thế giới. Sự hiểu biết về ẩm thực của người Việt Nam tuyệt vời. Từ người chỉ thèm sữa tươi, phô mai, pizza… khi mới đến Việt Nam, giờ đây tôi đã không thể sống thiếu món ăn Việt, kể cả một số loại mắm là đặc sản của Việt Nam.
Nhưng cho đến giờ tôi vẫn không thể thích nghi được với quan niệm trên dưới của người Việt và gần như phải cố gắng thích nghi theo kiểu đối phó. Từ nhỏ tôi và những đứa trẻ ở Mỹ được giáo dục “tôi và anh ngang nhau”. Người này không thể có quyền đối với người kia vì sống lâu hơn hay vì những lý do nào đó. Anh chỉ hơn tôi, anh có quyền với tôi nếu anh chứng minh được anh giỏi hơn tôi và anh phải làm cho tôi thực sự tôn trọng anh bằng chính nỗ lực không ngừng, bằng khả năng và những đóng góp của mình.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
Thảo Vân (ghi)