Đạo diễn Trần Quốc Sơn đi tìm cánh võng

22/11/2017 - 21:12

PNO - Đạo diễn Trần Quốc Sơn đã thực hiện bộ phim tài liệu 'Cánh võng tình người' theo một cách rất riêng: cánh võng ôm trọn cuộc đời của một con người, một thời đại, cả những hy sinh, mất mát.

“Những đứa trẻ năm xưa được ru ngủ trên những chiếc võng. Ra chiến trường, chiếc võng vẫn ở bên, như vòng tay của mẹ, như hơi ấm của quê nhà. Chiếc võng đặc biệt gắn bó với đời lính, từ những giấc ngủ trong rừng cho đến lúc hy sinh. Suốt quá trình làm phim, tôi đã nghe được rất nhiều chuyện ám ảnh, rất đáng trân trọng về chiếc võng và tình người, tình đồng chí, tình quân dân cá nước” - đạo diễnTrần Quốc Sơn tâm sự.

Hình ảnh chiếc võng được khai thác như “nhân vật chính”, là sợi chỉ đỏ nối liền các chiến trường xưa, nối dài tình yêu thương và sự sống tiếp nối. “Có tình yêu bắt đầu từ những cánh rừng, sự sống được hình thành trên những chiếc võng. Nhiều đứa trẻ được sinh ra trong mưa bom lửa đạn ngày ấy giờ đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Càng tìm về ký ức của những cựu binh, tôi càng thấy hành trình của những chiếc võng thật kỳ diệu” - Trần Quốc Sơn nói. 

Dạo diẽn Tran Quoc Son di tim canh vong

Đạo diễn Trần Quốc Sơn tác nghiệp

Sau nhiều năm làm nghề,  anh vẫn say sưa với phim tài liệu như thuở mới bắt đầu với bộ phim (phim tốt nghiệp và nhờ tác phẩm này, anh ra trường với tấm bằng loại giỏi của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).

Phần lớn các phim ghi dấu ấn đạo diễn Trần Quốc Sơn là làm về chiến tranh. “Có lẽ đó là những chuyện đã hằn sâu vào ký ức. Ba mẹ tôi đều hoạt động cách mạng. Những chuyện hồi còn ở rừng của ba mẹ, tôi được nghe kể rất nhiều. Bây giờ, tìm lại những ký ức chiến trường xưa từ các chú các bác, tôi như thấy lại những điều rất quen thuộc trong tiềm thức. Xem phim tôi làm, mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Minh Phượng, từng là dân y, hoạt động ở chiến trường Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam, giờ đã ngoài 60 - PV) nói như đang được sống lại những năm tháng cũ” - Sơn kể. Anh nói càng dấn bước vào đề tài này anh càng muốn thực hiện nhiều hơn nữa những thước phim về những vị anh hùng, những nhân chứng sống, bởi “có thể đến một lúc, các nhân vật cũng không còn đợi mình được nữa”.

Khi đang ngồi nói về Cánh võng tình người (dự kiến lên sóng đầu năm 2018), anh đã có những dự án làm phim về đại tá tình báo Nguyễn Xuân Mạnh, về những người vận chuyển và cất giữ vàng, con đường mang tên “Đường Hồ Chí Minh tiền tệ” - cách lưu hành tiền thời kháng Pháp…

“Hồi còn bé, tôi rất mê phim của chú Phạm Khắc (NSND - Anh hùng lao động Phạm Khắc - PV), cứ ước lớn lên mình cũng được làm phim như vậy. May mà nghề cũng đã… chọn mình” - Sơn cười hồn hậu.

Nghề chọn anh nên anh cũng dốc hết tâm huyết vào từng thước phim. Để đi từ Người Sài Gòn và cá cảnh, Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP.HCM, Điêu khắc gia Hà Nội, Mùa xuân trên biển đảo, Kênh Nhiêu Lộc ngày ấy - bây giờ, Hoa bóng đá, Vang mãi bản hùng ca… đến Cuộc gặp gỡ sau 48 năm, Trần Quốc Sơn đã được trao Huy chương vàng cho hạng mục phim tài liệu tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 tại Quảng Bình.

Quê nội Bến Tre, quê ngoại Tây Ninh, sinh ra ở TP.HCM và theo học đạo diễn tại Hà Nội, lại “lăn lóc bụi đường” làm phim khắp dọc đường đất nước. Bây giờ, nơi nào với “người thổi hồn cho phim tài liệu” Trần Quốc Sơn cũng đều như quê nhà - nơi anh trở về để ghi vào ống kính những điều đẹp đẽ nhất, để kể cho khán giả những câu chuyện giản dị mà cảm động, gần gũi mà day dứt, in sâu… 

Đạo diễn Trần Quốc Sơn

Ở rừng Trường Sơn, có những chiếc võng được mắc căng trên những thân cây cao. Khi hạ võng xuống mới giật mình thấy bên trong là hài cốt liệt sĩ. Đó là vì năm xưa trên đường hành quân, các anh bị sốt rét, phải mắc võng nghỉ lại, nhưng không qua khỏi, các anh trút hơi thở cuối cùng trên chiếc võng đơn độc. Những cái cây ngày một cao lớn, nâng cả chiếc võng và di hài của các anh lên. Đằng sau những chiếc võng là câu chuyện hy sinh, là tình yêu, xúc động lắm.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI