Đảo của dân ngụ cư - Kỳ 2: Lời nguyện cầu trên sóng

16/09/2014 - 13:16

PNO - PN - Nằm trên bè, gió lạnh, mưa rớt lộp độp, cả đêm tôi gần như không ngủ. Bao bọc quanh là núi. Anh em nói, ở đây sợ nhất mưa giông, sóng lớn bất ngờ lật thuyền như chơi, gió luồn xuống hồ, xoáy không đoán được, hất tung...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mùa mưa còn đến tầm tháng 10, nhưng năm nay mưa ít, nước cũng không lớn cá không theo con nước xuôi dòng. Tôi qua uống trà sớm với ông Út Thân. Dáng đen trũi, to lớn, lông mày đậm, quắc thước. “Đời tôi theo đuôi con cá từ lúc đẻ trên ghe đến giờ đó chú. Kiếp lênh đênh không biết đến bao giờ. Mà chú quê đâu? Quảng Nam à, vậy ở ngoài Bắc à? Thì tôi cả đời trên hồ, hết Campuchia đến Trị An, ngược nguồn sông Mê Kông, qua vùng sông Tiền sông Hậu chứ có đi ra miền Trung đâu mà biết”.

“Chú là người đầu tiên ra đây à?”. Ông gật. “Có đứa em nói ra Đắk Lắk làm ăn được, bèn đánh liều mà đi chứ có biết ở đó là đâu, ra làm thời gian, bạn thuyền dân Bình Định nói bên này có cá, vậy là vác ghe qua, đóng bè kiếm ăn. Nói thiệt là ở đây làm ăn được, ngày nào trúng thì được vài trăm ngàn, không thì cũng có cá để ăn. Tôi gọi về quê kêu mấy đứa cháu ra. Ở chốn rừng rú sông nước này, nửa đêm đau ốm là chết như chơi, nhưng đi đâu, về đâu bây giờ. Mấy đứa cháu tôi ở đây có khác chi tôi, cha mẹ đói nghèo, không ruộng đất, về quê cũng đi làm mướn, sao nuôi đủ vợ con, nhưng xa xứ thì buồn, sắp nhỏ có con dại, khổ hơn nhiều, có tiền thì xa con, còn hơn gần con mà đói”.

Dao cua dan ngu cu - Ky 2: Loi nguyen cau tren song

Chị Nguyễn Thị Cúc: “Nửa tháng nay, giờ mới được mấy ký cá”

Đêm, tôi ngồi với mấy anh em, chuyện nói riết một hồi cũng quay về với không ruộng đất, không học hành. Họ nói miền Tây làm đê bao để làm ruộng ba vụ, là giúp nông dân có ruộng làm ăn khá hơn, nhưng đê ngăn không cho nước lũ vào, cá đâu có vào đẻ được, dân làm cá đành giậm chân kêu trời, phải xuôi dòng được đâu tấp đó. Sơn nói, dân đồng bằng miền Tây mà mò ra Tây Nguyên, lên núi đánh cá là lạ đời, nhưng mà thật. Ở đâu có cá là đi. Ông Thân nhìn tôi, mắt như van nài: “Chú đừng viết về tụi tôi, tội nghiệp, mà nếu có viết thì làm sao để họ đừng đuổi tụi tôi đi”.

Sợ bị đuổi là nỗi ám ảnh khôn cùng của mười ba cái bè với gần 50 con người chốn này. Từ năm ngoái đến trước tháng Tư năm này, họ đã hai lần kéo bè chạy. Sơn phân trần: “Do mấy ông ở làng bên kia, ăn ở lung tung, vứt bao ni lông xuống hồ, gây khó khăn cho bên thủy điện khi vận hành, nên người ta phản ứng, nhờ chính quyền can thiệp”. Lần trước, họ ở phía Kon Tum. Bị đuổi, họ sang đây. “Công an huyện Sa Thầy có xuống, họ kêu nộp chứng minh nhân dân để làm tạm trú, nhưng rồi một thời gian lại nói không được ở đây, tụi tôi phải kéo bè chạy qua phía này”.

Ông Út Thân cười buồn bã: “Có mấy anh công an xuống đây, tôi nói với mấy ảnh, là hãy đặt địa vị như tôi, xa xứ, thất học, đói nghèo, kiếp người buồn như kiếp cá trong bè, 3 giờ sáng tụi tôi đã đi thăm lưới, được chăng hay chớ, rảnh đi giăng câu, chờ cả đêm không biết có cá hay không, mưa nắng gánh hết. Các anh đến đây buổi chiều, nhìn cây rừng, thấy con khỉ mẹ chuyền ôm khỉ con, mình thì con ở xa, cháu không được bồng, còn chi nữa mà không khóc. Cá đã không có, mà đi đâu cũng không yên, tụi tôi biết làm sao. Vậy là mấy ảnh về, không nói chi. Mấy anh bên trạm kiểm soát đường sông thỉnh thoảng cũng ghé thăm, tội nghiệp lắm”.

Ông nói đến đây, tôi nhớ những trang viết về khách thương hồ, lấy ghe làm nhà, lấy sông làm quê, những tiếng kêu thương vang vọng nỗi buồn thân phận quê xứ dài trên khói sóng mịt mù rồi lặn mất theo tăm nước, đời lênh đênh như nhánh rong phiêu bạt. Họ sống ở đây hiền hậu, không làm điều chi sai trái, không gây gổ với dân sở tại. Họ không phá rừng, không dùng chất độc, xung điện đánh cá. Se San thành hồ thủy điện, cá tập trung về, trở thành miếng ăn cho nhiều người nghèo từ miền Tây, đi cả ngàn cây số ra đây. Có ai muốn rời xứ sở, cha mẹ, bỏ lại vợ trẻ con thơ đâu, nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, đành phải đóng bè phủ bạt sống nơi rừng sâu núi thẳm. Được sống yên lành, có công việc, có áo cơm, học hành, muôn đời là khát vọng giản dị mà tha thiết của họ.

Mỗi tháng, họ để dành được chừng 1-3 triệu, nếu trúng cá. Phần gửi về quê, phần giữ lại phòng đau ốm. Anh Nhân nói, tết đến giờ vợ chồng anh chưa dám về vì cá đánh ít quá, không có tiền, hai đứa con gửi nội không biết ra sao. Thôi ráng đến tết. Thôi ráng năm nữa. Thôi ráng vài năm nữa… Ráng, ráng, để nuôi một ước mơ: mua một miếng đất ở quê, cất căn nhà, chòi lá cũng được. “Tụi em chấp nhận cực khổ, chú Tư, chú Út cũng thế, thèm có một căn nhà, miếng đất, làm sao có tiền để con được đi học, đời con em không thể mù chữ, theo kiếp tôm cá như tụi em được. Mong sao cá dính lưới nhiều, là mừng” - Sơn nói rồi nhìn mọi người. Tất cả lặng im nhìn ra hồ.

Buổi sáng ở đây, tầm 8-10 giờ, là thời khắc vợ con dõi theo ghe cha, chồng chạy về, mang theo niềm vui hoặc nỗi phập phồng lo âu. Tư Nam nổ máy đưa tôi vào bờ. Những cái vẫy tay thân ái, hẹn có ngày trở lại thăm. Tôi hứa trở lại, nhưng nhủ lòng, mong sao rồi đây, một ngày sớm hơn dự định, tôi sẽ không gặp họ ở đây, bởi mong họ sẽ rời lòng hồ buồn thiu này, về quê trong vòng tay vui mừng của cha mẹ, con cái, rồi cất nhà, để trọn ước mơ của kiếp tha hương, để lời nguyện cầu trên sóng không tan theo bọt nước…

 Lê Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI