Đảo của dân ngụ cư - Kỳ 1: Nỗi niềm xa xứ

13/09/2014 - 07:53

PNO - PN - Sơn chạy ghe máy ra rước chúng tôi, hết 30 phút luồn lách tránh cây sót lại trên lòng hồ Se San (chảy qua địa phận các tỉnh Gia Lai - Kon Tum), thì đến chốn ngụ cư của 13 hộ người miền Tây. Nghề câu, lưới, đi đâu cũng mang theo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dao cua dan ngu cu - Ky 1: Noi niem xa xu

Dung tính Tết này về quê vì nhớ ba đứa con gái

Đói nghèo, mù chữ

“Anh hỏi thì em nói, khổ lắm, rầu không thể tả” - giọng Sơn như rớt theo hơi rượu lan xuống mặt hồ thủy điện Se San mênh mông. Đêm tối trùm xuống cả lồng bè như đầu cá khổng lồ nhưng đơn độc nhô lên khỏi mặt nước. Gió nhẹ không đủ sức làm dập dềnh 13 cái nhà bè, nhưng giọng Sơn như nhịp vỗ của sóng lênh đênh. “Ba em có vợ khác, mẹ em cũng đi lấy chồng, mấy anh em tứ tán làm ăn từ nhỏ. Không có ruộng, không đất cất nhà, hết cõng lúa đến làm thuê đủ thứ, cá trong ruộng không còn, phải dạt về đây mà sống. Giờ anh ngồi với em đây, dù là nhà bè mái tôn tấm bạt như cái chòi canh cá, nhưng cũng là nhà, chứ em về quê làm gì có nhà…”.

Gương mặt người đàn ông 36 tuổi bình thường vốn tươi tỉnh, bỗng chùng ra, như rơi theo dấu chấm lửng. Góc nhà, Dung vợ Sơn ngồi im. Chồng nào vợ nấy, cha của Dung bỏ đi sống với người khác, hai chị đi làm mướn ở Campuchia, Dung sống bằng nghề giăng lưới, theo chồng lặn lội đường xa…

Nhìn từ xa lẫn gần, những ngôi nhà kết bè liền nhau, y hệt nhà của người miền Tây sông nước. Trước đây, có thêm một làng của người Huế, Quảng Trị, nhưng làm ăn không ra, họ đã đi từ cuối năm 2013.

“Chỉ có hai hộ đằng kia là ở Đồng Tháp, còn lại là anh em bà con tụi em hết”, Sơn nói. Đây là Đặng Thị Thanh (vợ của Nguyễn Tuấn Vũ), Đặng Văn Đầy, là em ruột của Dung. Tư Nam, ông Út Thân là chú ruột Dung. Phong, 25 tuổi, là em ruột Vũ… đều ở Vĩnh Thành A, H.Châu Phú, tỉnh An Giang, còn lại mấy hộ ở An Phú, Tri Tôn, cũng là dính dáng gia đình với nhau. “Đi tập thể, nhậu dòng tộc mà anh” - Sơn cười tươi. Miền Tây có khác, khổ mấy cũng nhậu, cũng cười, rồi khóc đó cười đó.

Tôi hỏi Đầy: “Quê đâu chú em?”. “Mình ở xã nào anh Tư ơi, đi làm riết, quên rồi…”. Ba đứa con bám cổ Đầy và Thuận, vợ của anh. Thuận nói em quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, có chồng lâu rồi, không nhớ năm nào. “Dạ em không biết chữ, anh Đầy cũng không, làm nghề cá, cực khổ từ nhỏ, mẹ em mất lâu rồi, không được đi học anh ơi”.

Bếp lửa nghi ngút khói, nhòa đi gương mặt người phụ nữ không nhớ nổi tuổi mình. “Sao không cho hai thằng cu Đỏ và Đăng về đi học, lớn ngồng rồi mà em?”. “Thằng Đỏ 12 tuổi, Đăng mười tuổi đó anh, nhưng tụi em không có tiền, gửi con về quê, lấy đâu ra cho con đi học. Tụi em ra đây hồi tháng Giêng, mua hết 100 tay lưới, cứ mười tay là hai triệu, rồi tiền mua máy, ghe, đóng bè, mà lưới ở đây dính cây, rách miết, phải thay liên tục, tiền giờ còn nợ chủ mua cá, chẳng dư được đồng nào…”.

Bữa sau khi tôi chuẩn bị về, Đầy chạy ghe đánh cá về sau cùng, tấp vào bè. Giọng Tư Nam chua chát: “Ngó kiểu không tấp vào chỗ bán cá mà chĩa mũi về nhà, chắc không có cá rồi”. Y chang. Một đêm thức trắng, chỉ được hai con cá mè chừng 2kg, quy ra tiền là 60.000, mà tiền xăng đã 100.000. Ba đứa con và vợ Đầy đứng chờ mang cá về để cân. Thuận ngồi bệt xuống sàn, mắt đong đầy nỗi buồn xám như rong rêu đọng trên thành bè, lặng im như cây rừng buổi sáng.

Hy vọng của cả gia đình tan vỡ sau một ngày đêm chờ đợi. Đầy không nói một lời, phóng ngay xuống hồ để tắm, lặn một hơi ra chỗ cuối bè ngồi ngó mặt hồ mênh mông. Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng tôi. Đói nghèo, cha mẹ mù chữ, con thất học, như sóng từ cái quẫy đạp của Đầy, lớp sau đè lớp trước với những cơn mơ tiền bạc, áo cơm độ nhật…

Dao cua dan ngu cu - Ky 1: Noi niem xa xu

Gia đình anh Đặng Văn Đầy, cha mẹ, con cái đều mù chữ

Dập dềnh như lục bình trôi

“Ở đây có thuốc men, điện không em?”. Thanh, vợ Vũ nói liền: “Điện bình ắc quy, còn có chị Quýt thu mua cá nổ máy bán điện, ưng mở, đóng lúc nào là quyền của chị, mỗi tháng tụi em đóng 100.000, cũng chỉ để sạc điện thoại, chứ chiều đã ăn cơm, ngồi ngó nhau chút, có điện cho mấy ông nhậu, rồi ngủ, ti vi có một chiếc hư từ lâu rồi. Thuốc đau bụng, cảm có đủ…”. Sơn bật cười: “Thuốc có hết chứ, nhưng nhớ chuyện bà Hai Nho, còn nổi gai ốc”.

Tôi ngồi với bà Nho. Bà là vợ ông Út Thân. “Tôi nay 59 tuổi rồi chú à, từ lúc cha sinh mẹ đẻ, theo đuôi con cá, không có công ruộng, chẳng có đất làm nhà, bốn đứa con tôi cũng thất học, đi làm mướn. Hồi ra đây, có biết gì đâu, ổng quyết đi thì đi, lúc lên xe, hai đứa cháu nội và hai đứa con gái giằng tay khóc không cho đi, nói ba mẹ ở lại, đói no có tụi con, nhưng ổng nói mình còn mần được, con cũng khổ mà, cứ làm, khi nào không nổi nữa mới nhờ con. Khóc quá trời, lên xe khách, mắc cỡ quá, lấy cái nón che mặt, nhưng không biết nước mắt đâu mà cứ tuôn hoài. Đêm nằm nhớ cháu nhớ con, khóc sưng mắt, hôm rồi con trai cho hai đứa cháu nghỉ hè ra chơi hai tháng, lúc nó về, tôi khóc ổng khóc, mấy đứa cháu ở đây nhớ con, khóc theo. Hai cái Tết rồi đâu có tiền về quê, Tết này không biết ra sao. Nhớ hồi bị đau ruột thừa năm ngoái, đến 2g sáng chịu không nổi mới la lên, mấy đứa cháu bàn đưa về Gia Lai. Đến bệnh viện 4g sáng, lận lưng chỉ hai triệu, bệnh viện nói không đủ tiền, điện về cho mấy đứa ở bè gom được mười triệu mang lên, đến 8g sáng mới được mổ, phen đó tưởng đi đứt rồi. Tiền nợ người ta, giờ chưa trả hết, nên có dám nghĩ chuyện gì đâu. Ở đây khổ nhất là vợ chồng thằng Đầy, thương mấy đứa nhỏ không được đi học”. Bà Nho kéo vạt áo lau nước mắt. Mắt Dung đỏ hoe.

Vợ chồng Sơn - Dung có ba đứa con gái, đứa đầu 12 tuổi, đang gửi cha chồng nuôi. Một năm ráng về một lần thăm con. Con bé đầu học lớp 4, đứa giữa lớp 3, đứa nhỏ kia mới vào lớp 1. Còn thằng Nam mới ba tuổi, đang ở với cha mẹ giữa chốn sông nước này. “Em tính ăn Tết, ở luôn quê để nuôi dạy con, con gái lớn rồi, lo lắm, phận làm ăn xa xứ khổ cực trăm bề, mình sao cũng được, nhưng con thì sao nỡ, nghèo quá biết làm sao anh”.

Ngồi đầu mũi ghe, Phong hắt nước, cười cười. “Mày cười cái gì? - Tư Nam chọc - 25 tuổi, chưa biết đến đàn bà con gái, chết cho rồi”. Cả hội cười vang. Tư Nam để vợ và bốn con ở quê, một mình ra đánh cá. Đồng nghiệp nói mai anh ra chỗ tạp hóa ngoài đường lộ với tụi em, để tụi em mua ít sách gửi về tặng con anh. Mắt Tư Nam đang hấp háy cười, bỗng u sầm: “Em cảm ơn, không dám phụ lòng, nhưng em nói thiệt, em không về, có ai dạy con học được đâu, nên thôi…”.

“Em ra đây tháng Giêng, còn nợ chủ mua cá năm triệu, mẹ em ở quê đau nặng, nhưng em không dám về, ráng làm kiếm tiền gửi về cho mẹ mua thuốc”, Phong rầu rĩ. Hai Tược quê An Phú, An Giang nói chen vào: “Miền Tây độ này nước lớn rồi đó”, rồi bật hát “miền Tây nước lớn đứng ngồi không yên”, lại tiếp: “Ở đây nước không lớn mà cũng ngồi đứng không yên”. Tôi hỏi một câu lạt nhách: “Nhớ quê không?”. Câu trả lời rất… thơ: “Ở trên sông mà nghiêng mình nhớ đất quê”.

Mặt trời đã khuất dần sau đỉnh Chưmoray. Sắc vàng nhạt trải đều mặt hồ Se San. Se San là con sông nước đổ từ biên giới Việt - Lào về đất Gia Lai và Kon Tum. Chỗ tụi tôi đang ngồi là địa phận xã Iao, H.Iagrai, tỉnh Gia Lai, nhưng phía bên kia hồ là H.Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi có núi Chưmoray lừng lững mây trắng, còn dưới mặt hồ, chốn này đây, duy nhất một xóm dân miền Tây dập dềnh bám hồ mà sống và nói như Hai Tược, phận tụi tôi như lục bình trôi mà chưa từng nở đó anh, mùa này miền Tây cá linh ăn kèm bông súng, điên điển, thèm chảy nước miếng mà đành khóc nhớ thôi…

Lê Trung Việt

Kỳ 2: Lời nguyện cầu trên sóng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI