Đảo của dân ngụ cư: Không khó xem nhưng... khó hiểu

07/06/2017 - 06:56

PNO - Tên phim tiếng Anh là 'The way station' - trạm dừng chân. Để ý đến điều này để thấy đạo diễn chưa tư duy thực sự rõ ràng về điều mình muốn nói và truyền đến khán giả.

Bộ phim Đảo của dân ngụ cư do nữ diễn viên Hồng Ánh đứng tên đạo diễn kiêm nhà sản xuất sẽ trở lại "cư ngụ" tại các rạp chiếu quê nhà sau khi chu du các liên hoan phim (LHP) quốc tế và khu vực.

Cú đi đường vòng khiến thời điểm ra mắt của bộ phim gắn mác “nghệ thuật” này gây chú ý hơn. 

Dao cua dan ngu cu: Khong kho xem nhung... kho hieu

Một cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư

Ít nhất, phim cũng tranh thủ được hiệu ứng tích cực từ việc đoạt cùng lúc ba giải thưởng quan trọng nhất trong số tám đề cử tại LHP quốc tế ASEAN (AIFFA 2017) là Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Phạm Hồng Phước và Quay phim xuất sắc nhất cho đạo diễn hình ảnh Lý Thái Dũng. 

Việc được chiếu trong đợt quảng bá của điện ảnh Việt Nam tại LHP Cannes vừa qua và tham gia một số LHP quốc tế khác cũng khiến Đảo của dân ngụ cư gợi thêm tò mò cho khán giả… “Tiếng chuông” từ xứ người vọng về khiến nhiều người phỏng đoán, kỳ vọng đây sẽ là một phim hay, bổ sung xứng đáng vào danh mục phim “art-house” của Việt Nam.

Rất tiếc, với bản phim vừa được trình chiếu cho khách mời ở TP.HCM và Hà Nội, Đảo của dân ngụ cư chưa thể gọi là một phim hay, dù được làm khá chắc tay, thể hiện tâm huyết của nữ đạo diễn Hồng Ánh.

Cái “đáng tiền” nhất của bộ phim là khả năng diễn xuất và sự xả thân đóng “cảnh nóng” của dàn diễn viên trong phim - từ hai vai chính của Phạm Hồng Phước, Ngọc Thanh Tâm đến các vai thứ chính của Nhan Phúc Vinh, Hoàng Phúc, Ngọc Hiệp.

Dao cua dan ngu cu: Khong kho xem nhung... kho hieu

Điểm đáng nhớ nữa là màu sắc và không khí u uẩn, có phần liêu trai mà bộ phim tạo ra trong ngôi nhà cổ ở Hội An, bối cảnh những năm 1990 khi xã hội có nhiều biến động - điểm cộng cho quay phim Lý Thái Dũng.

Một yếu tố có ý nghĩa khác với khán giả là kịch bản phim được Nguyễn Quang Lập chuyển thể mà Hồng Ánh từng cho biết chị yêu thích đến mức đã ấp ủ suốt hàng chục năm, quyết đưa lên màn ảnh rộng. Nếu đã đọc truyện ngắn gốc cùng tên của Đỗ Phước Tiến thì khi xem phim, những “ngụ ý” của nhà văn và đạo diễn có thể được soi chiếu rõ ràng hơn.

Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư có “mầm mống” điện ảnh. Song khi vào phim, yếu tố “đảo” không cho thấy vai trò quan trọng khi xuyên suốt phim là cảnh trong nhà hàng Đêm Trắng của ông chủ Liếm kỳ bí.  

Tính chất “ngụ cư” của các nhân vật, theo đó, cũng không ảnh hưởng đến tâm thế, tính cách của những người sống trong nhà hàng. Tên phim tiếng Anh là The way station - trạm dừng chân. Để ý đến điều này để thấy đạo diễn chưa tư duy thực sự rõ ràng về điều mình muốn nói và truyền đến khán giả.

Dao cua dan ngu cu: Khong kho xem nhung... kho hieu

Kết quả là phim không hề “khó xem” nhưng lại khó hiểu với công chúng. Màu sắc hiện sinh của phim được thể hiện qua tâm lý, khao khát, ẩn ức của từng con người trong nhà hàng. Có người tự cầm tù mình (như ông Liếm, bà Xiến Hoa), có người để đời mình tự trôi (như gã Miên cơ bắp) và có người dẫu bại liệt như cô Chu hay bị cầm chân như Phước vẫn không ngừng hướng tới tự do.

Dù trong tâm thế nào, họ vẫn là những con người sống trong “ốc đảo cô đơn”, khao khát được yêu theo những cách khác nhau. Những điều này, rất tiếc, chỉ mờ nhòa trong phim, còn ấn tượng mạnh vẫn là những nhân vật có hành tung khó hiểu, dễ tự làm khổ mình; những cú cắt cảnh khá đột ngột; cách thể hiện, lời thoại nhiều chỗ dài dòng, thừa thãi (nhất là đoạn tự thuật của nhân vật Phước ở đầu phim).

Trong truyện, nơi chốn trú ngụ và băn khoăn về ý nghĩa sự tồn tại của con người trong hành trình cô đơn được mô tả chỉ bằng hai câu văn ngắn và đắt: “Ngồi một chỗ như chị hay suốt đời di động như tôi thì có khác gì nhau. Sự thăng hoa của nội tại mới thực sự là bước đi của con người trong cuộc đời”.

Dao cua dan ngu cu: Khong kho xem nhung... kho hieu

Trong truyện, Phước tìm đến nhà hàng Đêm Trắng vì có “mưu đồ dựng nghiệp”; còn trong phim, khó có thể biết anh bỏ công việc, lặn lội từ nơi xa đến Đêm Trắng để làm gì ngoài… để có một việc làm giữa những con người lúc nào cũng tỏ ra kỳ bí.

Dù còn nhiều điểm chưa thuyết phục, Đảo của dân ngụ cư là bộ phim gây ám ảnh. “Sẽ không bao giờ, suốt cuộc đời mình, tôi còn được hạnh phúc nữa” - lời của Phước - như trùm lên mắt anh nỗi buồn mênh mang và điều đó dường như cũng khiến người xem không khỏi nghĩ về những khoảnh khắc của niềm hạnh phúc thực sự. 

Danh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI