Đào củ mài củ sắn cho con vào đại học

22/03/2015 - 10:33

PNO - PN - Từ bao đời nay, những người mẹ Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn luôn nơm nớp lo thiếu ăn, thiếu mặc. Thế nhưng, ở bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có một bà mẹ Vân Kiều đã biết cách vượt khó...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dao cu mai cu san cho con vao dai hoc

Bà Mai tự hào với danh hiệu "Gia đình hiếu học tiêu biểu" năm 2003.

Thân cò "nuôi chữ" cho con

Nhà bà Hồ Thị Mai ở đầu bản Cợp, căn nhà được xây vững chãi, lát gạch láng bóng. Bà kể, bà sinh được 13 người con. Hồi đó sinh đẻ đâu có kế hoạch như bây giờ, biết là đẻ nhiều thì khổ nhưng “trời sinh voi thì ắt sinh cỏ”, ăn gì mà sống được, mà lớn lên được thì cứ ăn, hết rau rừng lại đến củ mài, bắp chuối rừng.

Cái ăn, cái mặc túng thiếu nhưng lúc nào bà cũng động viên con đến trường. "Mế cứ nghĩ đời mình đã khổ vì thiếu cái chữ nên quyết cho các con đi học đến cùng”.

Dao cu mai cu san cho con vao dai hoc

Nhờ chăn nuôi, làm vườn, bà Mai đã nuôi con ăn học thành tài.

Ngày đó, mười lăm người sống trong mái nhà tranh vách nứa, chồng bà thì đau ốm thường xuyên nên gánh nặng mưu sinh đè lên vai bà. Những năm 1980 đói lắm, cả năm không thấy được hạt cơm, ruộng thì không có, lấy đâu ra lúa, phải lên rừng hái rau, đào củ mài, mót củ sắn sống qua ngày.

Thời đó cho mấy đứa đi học vì không phải nộp tiền, học một buổi còn một buổi về đi kiếm cái ăn, cứ nghĩ cho con đi học để biết chữ chứ không nghĩ cho nó học lên cao hơn, lên đại học.

Cả bản Cợp chỉ được mấy đứa đi học, cứ phải dậy thật sớm, mỗi đứa nhét vài củ sắn rồi đi bộ gần chục cây số tới trường học chữ.

Lúc con đi học là lúc bà gùi a chói lên rừng, lặn lội đi vào sâu kiếm cây đoác, bắp chuối, măng rừng. Giữa rừng sâu muôn vàn nguy hiểm, bụi rậm gai góc cào rách da rách thịt, sợ gặp phải thú dữ nhưng nghĩ đến cảnh con không có ăn sẽ bỏ học thì còn sợ hơn, nên bà cố gắng chất đầy a chói mới về.

Có hôm, bà lại xách thuổng đi đào củ mài, đứa nào được nghỉ học thì đi giúp mẹ kiếm cái ăn. Cứ thế, suốt những năm tháng ròng rã, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, nhưng cái chữ quyết không được bỏ.

Để cho con ăn học, bà đã đi rất nhiều nơi, có khi lặn lội đi bộ về tận đồng bằng, để xin làm thuê. Những tháng ngày cơ cực đã giúp bà nhận ra được lợi ích của cái chữ và tin chắc rằng có cái chữ mới có cơ hội thoát nghèo. Từ đó, bà càng động viên các con đến trường nhiều hơn, bản thân bà làm việc nhiều hơn để con không phải đói rồi bỏ học.

Mười ba đứa con, đứa nào cũng được đi học, học đến đâu thì tốt đến đó, đứa nào kiên trì chịu khó đeo bám cái chữ thì bà ủng hộ đến cùng, quyết không để con buông tay vì đói.

Nhưng rồi cũng chỉ có được bốn đứa là học đến cùng và thi đỗ đại học, còn mấy đứa kia chỉ học đến lớp 9, biết viết được con chữ, đọc hiểu giấy tờ là thôi, phần vì đói, phần không tiếp thu nổi.

Anh Hồ Văn Cáo (32 tuổi) là con trai lớn, dường như thấu hiểu được nỗi lòng người mẹ, quyết tâm học đến cùng, một miếng khoai lót bụng cũng đi học, mà nhịn đói đến trường cũng phải học, nhiều khi ngồi học mà lả đi vì cơn đói.

Học hết lớp 9, anh bắt đầu ra Khe Sanh để học tiếp cấp 3. Từ bản Cợp ra đến thị trấn dài 25 km, phải đi bộ từ sớm tinh mơ, gùi thức ăn nước uống đi theo. Quãng đường dài như vậy nhưng không thể làm nao núng tinh thần của người con hiếu học. Sau này, anh xin ở trọ nhà thầy theo học, đỡ vất vả việc đi về, nghỉ ngơi, lại được thầy chỉ dạy thêm kiến thức.

Lúc anh Cáo học cấp ba, cái đói đã đỡ đi phần nào, nhưng cái nghèo vẫn còn đeo bám. Kiếm được mớ khoai, mớ sắn, túi gạo là bà Mai lại gửi lên cho con ăn để có sức theo thầy học hành.

Ở nhà, đứa nào bỏ học thì cùng mẹ đi đào mương, khai hoang đất làm ruộng trồng lúa, xúc cá ở khe. “Cả cuộc đời mế không được học hành, nhưng mế biết, chỉ có con đường học chữ Bác Hồ mới mong thoát nghèo ", bà Mai chia sẻ.

Đỗ đạt thành tài

Đến bây giờ, bà Mai và cả bản Cợp vẫn nhớ như in ngày anh Cáo có giấy báo đỗ vào Trường đại học Khoa học Huế.

"Hôm đó mế đang phơi lúa ngoài sân thì nhận được giấy báo tin con mình đỗ đại học vô ngành luật, Trường đại học Khoa học Huế. Mế mừng quá, bỏ luôn cả việc phơi lúa chạy đi khoe khắp xóm giềng", bà Mai kể lại.

Không vui sao được khi anh Cáo là đứa con đầu tiên của cả xã Hướng Phùng đỗ đại học? Niềm vinh dự, tự hào ùa vào căn nhà tranh nứa đơn sơ. Bà được bà con hàng xóm nể phục về đức hy sinh vì con cái, hãnh diện vì nơi đất sỏi đã sinh được chạch vàng.

Dao cu mai cu san cho con vao dai hoc

Dù con cái đã thành tài nhưng bà Mai vẫn chú tâm làm vườn để con cháu noi gương vượt khó.

Niềm vui của bà Mai lớn bao nhiêu thì nỗi lo cơm áo gạo tiền lại càng chất chứa gấp bội phần. Từ giờ bà sẽ phải làm nhiều hơn, tằn tiện chi tiêu hơn để cho con học đại học.

Những năm tháng đó bà vỡ đất làm thêm ruộng lúa, khai hoang đất đồi làm rẫy trồng ngô khoai, dựng chuồng nuôi heo, nuôi mấy con dê mong có đồng tiền cho con ăn học.

Chứng đau lưng hành hạ những lúc lên nương làm cỏ, sức vóc không như trước để bà làm rẫy khỏe hơn, nhanh hơn nhưng sức mạnh tinh thần, suy nghĩ về tương lai tươi sáng của những đứa con học đại học là động lực để bà làm nhiều hơn, không chịu buông tay trước cơ hàn.

Hiểu được nỗi cơ cực của người mẹ, anh Cáo cố gắng học hành, siêng năng đến trường, tiết kiệm tối đa trong chi tiêu chỉ mong sớm ra trường đạt khá giỏi để đi làm kiếm tiền phụ gia đình.

Trồng cây ắt có ngày hái quả, anh Cáo tốt nghiệp đại học, hiện giờ làm cán bộ Tư pháp của xã Hướng Phùng, đồng lương ổn định, không những chăm lo được bản thân mà còn đỡ đần cho gia đình nhiều.

Nối tiếp tinh thần học tập của anh mình, 3 đứa em gái trong gia đình đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và lần lượt đem về tặng mẹ những tờ giấy báo đỗ đại học.

Sau anh Cáo là chị Hồ Thị Pung (29 tuổi), cũng từng lặn lội đi bộ cả chục cây số để học cái chữ và đỗ Trường đại học Sư phạm Mầm non. Hiện tại, chị Pung là giáo viên dạy ở trường mầm non của xã nhà.

Rồi đến chị Hồ Thị Thin (25 tuổi) thi đỗ trường đại học Nông Lâm TP.HCM, tốt nghiệp xong, xin tình nguyện phục vụ trong quân đội.

Đứa em gái út Hồ Thị Văng (22 tuổi) có điều kiện học hành hơn anh chị mình, học cấp 1, cấp 2 không quá xa nhà, cấp 3 ra thị trấn học. Văng học hành siêng năng, thi đỗ đại học, hiện đã tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Vinh.

Cơn mưa rừng vừa dứt, bà cũng vừa làm xong việc nhà nên lại bật ti vi xem tin tức. Chốc chốc, bà lại nhìn lên những tấm bằng khen, giấy khen rồi mỉm cười...

Bài, ảnh: DŨNG HÀ (Quảng Trị)

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho chuyên mục "Bạn đọc làm báo” qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI