Đảo bạo bệnh: Mạng sống và danh tính, điều gì quan trọng hơn?

22/04/2021 - 06:57

PNO - Thế giới trong "Đảo Bạo Bệnh" phức tạp bởi sự chênh vênh giữa hiện thực và hư cấu. Nhiều khi chính sự hư cấu, hay văn chương, còn quyền lực và tàn bạo gấp nhiều lần so với đời thực.

“Nếu so sánh vụ án ngoài đời với vụ án trong phim ảnh, ta có thể nhẹ nhàng mà nói rằng: Sự khác biệt cơ bản giữa hai bên nằm ở chỗ, vụ án ngoài đời là một phép cộng hoàn hảo của những gì không hoàn hảo. Cái chết không hoàn hảo, cách gây án không hoàn hảo, thủ phạm không hoàn hảo, và rất có thể ở nhiều trường hợp, bằng chứng lẫn công việc điều tra cũng không hoàn hảo nốt”.

Lời dẫn nhập của Đảo bạo bệnh đã xác lập vai trò của cuốn tiểu thuyết: Đi sâu vào những điều không hoàn hảo, những vết nứt, những bí mật tội lỗi và cả những giấc mơ hoang đường để khám phá sự đày đọa về thể xác và tâm lý mà con người phải chịu đựng. 

Cuốn sách mở đầu bằng một vụ án mạng lạ lùng trên đảo Thiên Đường, ngay giữa thời điểm “bóng ma” của dịch bệnh Phantom-X đang càn quét. Nạn nhân là bà Đỗ Thị Lường, một phụ nữ lớn tuổi, mắc bệnh tâm thần, sống biệt lập trong sự ghẻ lạnh xen lẫn dè chừng của hàng xóm. Ở nơi huyện đảo vốn đã tan tác vì căn bệnh bí ẩn, cái chết lặng lẽ của bà không gây sự chú ý nào với cả cơ quan điều tra lẫn cư dân và những người có liên quan. 

Trong bối cảnh đó, người duy nhất bị ám ảnh với vụ án và quyết tâm theo đuổi đến cùng là chiến sĩ công an Thanh Đức. Cuộc điều tra của anh cũng chính là hành trình truy tìm người mẹ đã khuất, một nhà biên kịch nổi tiếng, một người phụ nữ với quá khứ lắt léo và huy hoàng mà anh chưa từng hiểu rõ, dẫu luôn hiện diện trong chính cái tên của con trai mình. Bà là nguồn cơn đưa Thanh Đức đến công tác tại huyện đảo Thiên Đường, đồng thời nắm giữ một chìa khóa quan trọng để phá giải vụ án mà không ai có thể ngờ tới.

Mặt khác, trên hành trình điều tra, Thanh Đức lần lượt khám phá ra những góc khuất cuộc đời kỳ lạ của nhiều cư dân hòn đảo. Đây vốn là miền đất của dân ngụ cư, những người đã làm mọi cách để đoạn tuyệt với cuộc đời cũ và tìm kiếm những niềm hy vọng mới. Ở đó, trong sự chằng chịt của thân phận và mơ hồ của nhân tính, không ít thảm kịch đã diễn ra.

Đến tận cùng, không phải Phantom-X của hiện tại hay Phong Cùi Đỏ trong quá khứ, mà chính những bạo lực, dục vọng, sự trì trệ và vô nghĩa của đời sống mới chính là cơn “bạo bệnh” gặm nhấm tâm hồn cư dân đảo Thiên Đường. 

Thế giới trong cuốn sách còn phức tạp bởi sự chênh vênh giữa hiện thực và hư cấu. Nhiều khi chính sự hư cấu, hay văn chương, còn quyền lực và tàn bạo gấp nhiều lần so với đời thực. Đặc trưng này đã giúp Đảo Bạo Bệnh đặt ra những câu hỏi hóc búa, khiến người đọc không khỏi day dứt khi câu chuyện khép màn. Tước đoạt mạng sống của một người với tước đoạt danh tính của kẻ đó, điều gì tàn nhẫn hơn? Đâu là giới hạn đạo đức của sáng tạo nghệ thuật? Thành công của một tiểu thuyết trinh thám không chỉ nằm ở cách kể chuyện hay những cú “twist” lật nhào, mà còn ở những vấn đề nó đặt ra về nhân tính, lương tâm và cái ác, buộc mỗi người phải tự vấn. 

Chính những yếu tố này đã giúp tác phẩm thứ ba của nhà văn Đức Anh - sau Tường lửaThiên thần mù sương, đi được xa hơn một cuốn sách giải trí thông thường, hay một tiểu thuyết thời vụ lấy bối cảnh dịch bệnh. Và có thể nó sẽ là đại diện cho một xu hướng mới của tiểu thuyết Việt Nam, với những tác phẩm mang đặc trưng thể loại, dễ đọc và cuốn hút nhưng không hề dễ dãi. 

Minh Trang

 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI