"Đánh vật" với con chữ ở vùng sợ tiêm phòng

05/09/2015 - 07:20

PNO - Ở chốn này, đánh vật để có con chữ, không cách nào khác là dụ dỗ học trò đi học. Cha mẹ mặc kệ, chính quyền thì giao thầy cô vận động.

Hơn một tháng trước, có báo đăng bức ảnh một ông ở thôn 8a và 8b xã Phước Lộc, H.Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mặt méo xệch rúm ró khi lần đầu tiên chích thuốc tiêm phòng dịch bạch hầu. Ở đây, người dân nghe tiêm thuốc là táo tác trốn vào rừng, sợ còn hơn sợ ma.

Thấy người lạ, đám trẻ con trốn nhanh. Một dãy mấy nhà im ỉm. “Họ ở chòi trên rẫy”, anh Hoàng - một người kinh hiếm hoi ở thôn 8a nói. Cô Y Cốc, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Phước Lộc chỉ tay: “Học trò đấy, nó thấy mình là trốn”. Một đám con nít xúm lại trước nhà anh Hoàng.

Tôi hỏi chú bé đang bồng em: “Tên con là chi?”. Im lặng. Một đứa lên tiếng: “Hắn là Hồ Văn Vương”. “Có đi học không?”. “Không, hắn phải giữ em”. “Con mấy tuổi?”. “Bảy”. Nó nói như bật ra từng chữ, kiểu trả lời không lẫn vào đâu của đồng bào thiểu số.

“Ở đây con nít bỏ học nhiều không?”. “Theo cha mẹ lên rẫy, ở luôn trên đó, không đếm được, nhưng không ít đâu”. Theo cái khoát tay anh Hoàng, rẫy ở lưng chừng núi, xa tít mắt, mờ xanh trong mây và sương sớm chưa kịp tan.

Thôn 8b cách đó chừng 500m. Tôi nhớ lời anh Hoàng “Vào đó, tìm nhà thằng Đờn”. Một gương mặt đàn bà như chiếc áo rách vo lại, thò đầu ra: “Nhà Đờn đó”. Tôi đứng trước hai tấm bạt phủ sơ sài trên mấy khúc cây dựng lên. Không giường. Không bếp. Không vách.

Đờn chừng 40 tuổi, đi khật khưỡng, nồng nặc mùi rượu, mắt nhắm mắt mở: “Anh có mấy con, có cho đi học không?”. “Không đi, vì răng à, thì nó không ưng đi, rứa thôi”.

Thầy Nguyễn Văn Công, Hiệu phó Trường THCS bán trú Phước Lộc “thuyết minh” về ông Đờn: “Say suốt ngày; con bốn đứa, học hay không học không cần biết; được đền bù đất trong vùng dự án thủy điện Đăk Mi 2 được hơn 100 triệu đồng, một tuần là tiêu sạch, bán cả giường, bếp, dỡ luôn vách gỗ để uống rượu”.

Toàn bộ học sinh ở hai thôn 8a và 8b từ nay sẽ học ở trường xã

Tôi hỏi ông Hồ Văn Tái, Thôn phó thôn 8b: “Có bao nhiêu trẻ không đi học?”. “Vận động nhiều rồi, nhưng cha mẹ không dạy dỗ”. “Bao nhiêu đứa?”. "Khoảng bảy, nhà đang ở trên rẫy”. “Bao nhiêu đứa, thưa ông?”. “Không biết”.

Thầy Trần Đình Ngộ nói: "Đây là năm học đầu tiên 40 em mẫu giáo và hai lớp ghép 1-2, khoảng 15 em ở thôn 8a và 8b ra trường xã để học bán trú".

“Trước đây sao không đưa đi?”. “Vì ở đó có điểm trường thôn. Nhưng thói quen của đồng bào là ở rẫy, dẫn con theo, không quan tâm đến chuyện học. Vừa rồi có dịch bạch hầu, huyện quyết định đưa ra luôn”.

Hàng chục năm rồi, dân trí ra sao thì đợt dịch vừa rồi đã rõ. Cả hai thôn, chưa ai một lần được tiêm thuốc phòng bệnh. Thấy người lạ là chạy. Chính quyền thì nói do tập tục, khó khăn trong vận động. Vùng này hai năm trước có bốn người chết cũng vì dịch, nhưng y tế không biết.

Họ sợ ma bắt, dời làng. Chính quyền bèn san ủi mặt bằng, họ mới về lại. Lần vừa rồi, chết đến sáu người mà vẫn cúng, đâm trâu. Huyện chở xuống bệnh viện điều trị thì trốn về. Y tế tỉnh xuống, vận động hết hơi mới chịu tiêm.

Thầy Ngộ nói tiếp: “Đưa luôn mẫu giáo ra, trường chấp nhận khổ thêm. Vừa dạy, vừa nuôi ăn ở, nhưng không thể khác, còn hơn để các em ở trong đó thì mù chữ muôn đời".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI