Hành vi đánh trẻ mà nhiều người tưởng là bình thường, trong đó phụ huynh, người giữ trẻ và không ít cô giáo mầm non hay sử dụng như: cú đầu, gõ đầu, nhéo lỗ tai hay nặng hơn là tát mặt, vỗ vào lưng, bóp cổ, xách tay lên rất dễ làm trẻ tổn thương, thậm chí có thể mất mạng vì trúng “tử huyệt”.
Bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - lý giải: “Trẻ nhỏ, cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh, hệ khung xương còn yếu nên chuyện đánh trẻ - dù nhẹ - nhưng trúng vào những “vùng cấm” như đầu, ngực, bụng, cổ… đều có thể gây tổn thương nặng nề, hoặc khiến trẻ mất mạng oan uổng”. Dưới đây là những vùng cấm kỵ, không được đánh trẻ, hay đùa giỡn, dọa với ngoại lực:
Đầu: tử huyệt có thể gây tụ máu não và chấn thương sọ não
Nhiều phụ huynh khi tức giận trẻ, hoặc có những cô giáo mầm non hay cầm những vật dụng như muỗng, thước, ca… gõ vào đầu trẻ mà cứ nghĩ hành động này bình thường, “cùng lắm là sưng lên chút, đắp muối là hết”.
Trong khi, theo bác sĩ Trần Văn Năm: phần đỉnh đầu là nơi tập trung hai huyệt rất quan trọng là Bách Hội và Tứ Thần Thông. Đây là hai huyệt cấm kỵ nếu đánh vào có thể nguy hiểm tới tính mạng, tùy vào lực đánh mạnh hay nhẹ, trẻ có thể bị tổn thương như chấn động não (nhẹ nhất) rồi nặng hơn là nứt sọ, dập não, tụ máu não…
Có những trường hợp trẻ có bệnh lý tiềm ẩn như mạch máu não bị dị dạng… thì một cái vỗ, đánh vào đầu, gáy có thể khiến trẻ tử vong. Bởi cú vỗ, tát nhẹ đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết, nhưng nó có thể kích phát, gây nên tổn thương nặng nề ở não. Như câu chuyện của cô bé tên Linh, 7 tuổi ở Trung Quốc, mất mạng oan uổng vào năm ngoái vì bị mẹ đánh vào gáy.
Nguyên nhân ăn đòn là do bé vừa làm bài tập, vừa xem ti vi và khi người mẹ kiểm tra thấy nhiều lỗi nên tức giận đánh vào gáy con. Sau bữa ăn tối, bé than chóng mặt và nôn ói, người mẹ tưởng con bị ngộ độc thức ăn nên nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ cho biết, bé bị chấn thương sọ não và không qua khỏi.
Biểu hiện cho thấy trẻ bị tổn thương não là: quấy khóc, nôn, đau đầu, kích thích, co giật, hôn mê, lỗ tai và mũi chảy máu, chân tay
yếu liệt.
Mặt: vả, tát đều có thể gây liệt mặt, méo miệng
Đây là vùng trẻ thường bị ăn đòn nhiều nhất. Lười ăn, ngậm, nhai chậm: bị tát; cha mẹ nói con trả lời: ăn tát; lỳ: ăn tát… Phổ biến nhất là chuyện trẻ ăn chậm, nôn ói là bị mẹ, người giữ trẻ vả vào mặt, thái dương. Khi đánh trẻ trong cơn tức giận, người lớn thường không kiểm soát được lực đánh và trẻ con vô tội lãnh đủ hậu quả.
Nặng thì có khi bị chạm vào dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, méo miệng, hay ảnh hưởng thị giác… (dây thần kinh số 7 đi qua xương thái dương nên phù nề xương này hoặc gãy thì gây chèn ép dây thần kinh số 7 và sẽ gây liệt). Bác sĩ Trần Văn Năm cho biết: liệt mặt sau chấn thương đứng hàng thứ hai sau liệt mặt do lạnh.
Đặc biệt, vị trí thái dương cũng thường bị “dính chưởng” khi trẻ bị ăn tát vào mặt. Đây là vùng rất gần mắt, nên nếu bị ngoại lực tác động mạnh thì có thể ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, thậm chí bị mù.
Tát, nhéo, xách tai coi chừng bị điếc
Tai cũng là bộ phận mà trẻ thường xuyên bị ngắt, nhéo, tát khi bị kết tội là “lỳ, không ngoan”. Từng có ông bố giận cậu con trai 6 tuổi, làm một bài toán cộng hoài không biết nên đã nhéo mạnh vào tai cho cậu bé nhớ đời. Nào ngờ, bốn ngày sau cậu nghễnh ngãng, đau tai.
Mẹ đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 khám thì mới biết con bị chấn động tai giữa, gây điếc. Bác sĩ Năm cho biết: việc nhéo, vặn tai hay tát quá mạnh vào tai trẻ sẽ gây tổn thương mô mềm dưới da, xuất hiện bầm tím và sưng nề. Trẻ có thể bị chấn động tai giữa làm ảnh hưởng màng nhĩ và nặng thì chấn động não, dẫn đến điếc.
Đánh, bóp cổ: dễ bị suy hô hấp
Đây là hành vi bạo lực mà trẻ cũng hay gặp phải và tổn thương rất nặng nề. Đầu cổ là nơi có nhiều mạch máu, thần kinh, các xoang. Khi tác động mạnh vào xoang cảnh ở gần tuyến giáp có thể làm trẻ bị ngất xỉu, khó thở. Còn bị đánh mạnh vào cổ hay bóp cổ… có thể ảnh hưởng đến sụn thanh quản, làm suy hô hấp. Nếu trẻ bị bóp cổ quá 3 phút, dù cấp cứu kịp thời vẫn có thể bị di chứng bại não.
Bụng, ngực, lưng cũng là “vùng cấm”
Nhiều người nghĩ vỗ lưng chẳng sao. Nhưng đầu và sống lưng là nơi tập trung hệ thống thần kinh trung ương và tủy sống. Nếu trẻ bị đánh vào những bộ phận này sẽ có thể bị ảnh hưởng thần kinh. Đồng thời, xương sống của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nên bị ngoại lực tác động dễ gây thương tích.
Bụng là nơi có các cơ quan nội tạng. Nếu trẻ bị đấm, đạp mạnh vào bụng trên có thể gây tổn thương ruột, lách và gan; đánh vào vùng bụng dưới làm tổn thương bàng quang. Tương tự, ngực cũng là "vùng cấm" nguy hiểm không được đánh trẻ.
Mông cũng không nên đánh
Nhiều người quan niệm “đánh mông là nơi an toàn”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhi khoa, mông cũng có rất nhiều dây thần kinh, do đó, cũng gây ảnh hưởng nhất định, nếu đánh quá mạnh cũng có thể khiến trẻ gặp họa.
Thùy Dương