Đó một bí kíp trị chồng rất lạ nhưng… bách phát bách trúng.
Từ hồi mới cưới, vợ Bình đã “cài đặt” một văn hóa giao tiếp khá văn minh trong gia đình. Với việc nhà, mỗi người lo một việc nhưng hoàn toàn tự nguyện.
Ngày thường, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Vợ chồng vừa làm việc online, vừa chăm con và vui đùa cùng nhau, rất ra dáng một gia đình trẻ mẫu mực. Vợ anh giỏi giang nhưng luôn “nhỏ bé” khi ở cạnh chồng, luôn tạo cho anh cảm hứng để tự nguyện gánh vác.
Không khí hạnh phúc khá ổn định. Thế nhưng, tâm trạng của Bình thì không được ổn định như không khí gia đình. Những lúc công việc ách tắc, cấp dưới xao nhãng, anh lại… nhăn nhó với vợ, cáu gắt với con, thể hiện kiểu “cực chẳng đã” mới phải trò chuyện, hay làm việc nhà.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Thế nhưng với vợ Bình, tổ ấm thì không có chỗ cho… sự gượng ép. Tối, sau một ngày căng thẳng và cau có, anh thấy vợ đã nghiêm túc dọn sẵn một không khí của sự… trao đổi. Người đàn bà vốn dịu dàng và đầy dựa cậy vào chồng sẽ điềm tĩnh nói: “Từ ngày mai em sẽ chăm con cả ngày”.
Anh gạt đi: “Em phải làm việc và họp hành nữa, cứ chia nhau chăm, ổn mà!”. Chị lại điềm tĩnh: “Những gì không làm được ban ngày em sẽ thức khuya để làm. Hiện nay em thấy anh đang quá tải, vậy cũng không ổn cho anh”.
Anh chột dạ ngồi điểm lại sự “quá tải” của mình. Anh thân là đàn ông, giữ chức vụ trưởng phòng, nhưng gặp mùa COVID-19 nên việc ít, lại làm từ xa. Trừ những lúc cấp dưới làm sai, gây chuyện thì anh gần như… thất nghiệp.
Còn vợ, một đầu lo việc công ty, một đầu tự vận hành một cửa hàng thực phẩm online, cả ngày ngập ngụa trong máy tính, họp hành, điện thoại, lại còn lo cơm nước ngày ba bữa, rồi cùng anh trông con.
Mới nghĩ sơ sơ đã thấy… kỳ. Anh nói: “Anh đâu có quá tải. Anh đang ổn lắm”.
Chị lại nói: “Anh quá tải đó, vì vậy nên anh không đủ vui vẻ để chơi với con, rồi tinh thần không tốt nên anh làm gì cũng thấy bực bội”. Đoạn này thì chị đúng. Anh đang á khẩu, chị vợ nói tiếp: “Thôi để em sắp xếp lại, làm gì cũng phải giữ nhịp sống ổn thỏa, nhà cửa vui vẻ mới được!”.
Người phụ nữ đó vẫn hết sức chân thành, giọng nói không có gì là khiêu khích. Anh chắc chắn, vợ nói là làm, qua ngày mai chắc chắn trật tự gia đình sẽ lập lại. Và anh sẽ… thành người thừa. Có mấy việc con con mà cũng làm không xong, cũng… bày đặt quá tải.
Anh vội vã xua đi: “Thôi không có gì đâu. Việc em đã nhiều, xếp kiểu gì cũng khó. Anh sắp xếp dễ hơn. Chỉ cần anh kiểm soát cảm xúc là được chứ gì!”.
Sự thiếu kiểm soát cảm xúc dừng tại đó, anh… “mang nhục” nên những ngày sau đó luôn giữ trạng thái vui vẻ, làm mọi việc trong… hào hứng. Nhưng càng nghĩ, anh càng thấy kính nể cô vợ cứ nhè lúc chồng xấu tính mà điềm tĩnh khơi dậy “sự thiện lành” luôn có sẵn trong anh, dưới lớp lớp xấu xí của nhăn nhó, cáu kỉnh.
Còn nhớ hồi mới cưới, anh mê nhậu nên trễ hẹn. Hôm ấy vợ chồng hẹn nhau về nhà bố mẹ, cách nhà riêng 60km.
Hẹn vợ lúc bốn giờ chiều nhưng cứ 30 phút anh lại nhắn tin dời sang bốn giờ rưỡi, năm giờ… Đến lúc tàn cuộc nhậu, anh về đến nhà thì thấy vợ đã… đi mất, chỉ còn một tin nhắn điện thoại: “Em cần về nhà đúng hẹn với mẹ nên em đi trước đây, em đi xe ôm đầu ngõ”.
Đến lúc tái ngộ ở nhà bố mẹ, vợ Bình vẫn vui vẻ bình thản, và không hề trách cứ nửa lời. Nếu anh định biện hộ “anh nhậu là vì công việc” thì anh khỏi phải nhọc, vì vợ anh sẽ nói luôn: “Mình hẹn mẹ rồi mà anh bận nên em tìm cách về trước cho đúng hẹn”.
Là “anh bận”, chứ không phải anh ham vui bù khú và lê la trễ nải. Anh nhận cái danh hiệu “bận” mà thấy… nhục. Và kể từ đó không bao giờ anh dám bận ngang xương vậy nữa.
Anh kể chuyện này cho đứa em gái sắp đi lấy chồng như một bí kíp chân truyền. Ngay hôm đó, anh vừa dấm dẳng trút bực công việc lên cái… thùng hàng của vợ.
Chuyện là vợ nhờ anh tiện đường ghé cơ quan thì chở giúp chị một thùng rau củ sang biếu người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Anh đang sốt ruột vì công việc nên nhấm nhẳng: “Thùng gì mà cồng kềnh thế!”.
Thế là chị chốt luôn: “Thôi để em gọi shipper giao cho an toàn”. Thế là trong lúc anh sửa soạn lên cơ quan thì đã loáng thoáng nghe chị dặn dò shipper qua điện thoại: “Thùng hàng của chị hơi cồng kềnh, em chuẩn bị dụng cụ để buộc cho chắc nhé!”.
|
Ảnh minh họa |
Anh… “mất việc”, và tiếp tục day dứt. Thùng hàng có cồng kềnh gì đâu, cồng kềnh là ở thái độ của anh. Thế nhưng chị chẳng buồn trách tiếng nào. Ở cái nhà này, hoặc là tự nguyện, hoặc là không phải làm gì cả. Chị cứ việc chị chị làm, và đường hoàng “tôn vinh” mọi lời than thở của chồng ngay cả khi anh chưa kịp than cho tròn câu.
Hễ anh nhặng xị và đá thúng đụng nia thì chị đường hoàng gọi tên nó là “sự quá tải”. Hễ anh lề mề lỗi hẹn thì chị gọi tên đó là “bận việc”, rồi khi anh thiếu thiện chí thì chị tự nhận luôn là phần việc mình nhờ có hơi quá “cồng kềnh”.
Dù thực tế, ai cũng biết trăm sự là tại anh. Nhưng bằng cách bình tĩnh và rạch ròi đó, chị khiến anh phải suy nghĩ cho ngay ngắn lại, bỏ qua mọi cảm xúc tức thời để nhìn nhận tình hình và biết hành xử sao cho đúng. Để khơi dậy sự thiện lành luôn còn sót lại trong anh, ở bất kỳ một cao trào cảm xúc nào. Và sau đó, từng sự xấu xí trong anh… không còn nữa.
Phù Dung