Đánh trống ngực, hồi hộp - mắc bệnh gì?

31/03/2017 - 15:29

PNO - Đánh trống ngực và hội hộp là dấu hiệu thường gặp ở nhiều người.

Nhưng theo bác sĩ (BS) CKI Bùi Thế Dũng - khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đây có thể là biểu hiện của rối loạn nhịp tim. Có những rối loạn nhịp tim không nguy hiểm, nhưng cũng có những dạng rối loạn nhịp tim có thể gây tử vong.

Hồi hộp đến xỉu

Từ giữa năm 2016, bà Lê Thị M. (70 tuổi ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thường xuyên thấy hồi hộp, đánh trống ngực, nhưng bà cứ nghĩ do lớn tuổi, ngủ ít nên bà không để ý, chỉ hái dây nhãn lồng nấu nước uống để ngủ ngon và hết đánh trống ngực như nhiều người chỉ.

Danh trong nguc, hoi hop - mac benh gi?
 


Ngay lập tức, bà được người thân đưa vào khoa cấp cứu. Tại đây, BS xác định bà có cơn nhịp nhanh thất nguy hiểm. BS cho dùng thuốc chống loạn nhịp tim, sau không đầy 5 phút, bà tỉnh lại. Sau đó, bà đã được tầm soát nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim và “thủ phạm” là do hẹp mạch vành tim gây thiếu máu cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Bà đã được  đặt stent mạch vành giúp máu nuôi tim trở lại bình thường. Thế nhưng, sau đó trung bình khoảng 20 ngày, một tháng bà bị ngất xỉu một lần sau khi thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Bà M. đi khám ở một BS gần nhà, được chẩn đoán thiếu máu cơ tim và được cho thuốc uống. Uống suốt ba tháng nhưng triệu chứng không giảm nên bà quyết định lên Bệnh viện ĐH Y Dược khám.  
Khi vừa đến khu vực phòng khám bệnh viện, bà M. lại thấy hồi hộp, tim đập loạn xạ và ngất xỉu, kèm theo tiêu tiểu không tự chủ. 

Bà M. kể, đây là lần tim bà đập loạn xạ lâu nhất, và cũng là lần đầu tiên bà ngất xỉu đến mức tiêu tiểu không tự chủ. Bà nửa đùa nửa thật: “Tui tưởng mình đi luôn rồi chớ”.  

BS CKI Nguyễn Viết Hậu - Phó khoa Cấp cứu cho biết, rất may là triệu chứng nặng của bà M. xuất hiện khi bà đang ở bệnh viện. Bởi nếu không cấp cứu kịp thời hoặc xa cơ sở y tế, bà M. có nguy cơ tử vong. Vì cơn nhịp nhanh thất này rất dễ dẫn đến rung thất (cơ tim rung lên nên không còn khả năng co bóp hiệu quả) làm người bệnh nhanh chóng ngừng tim và tử vong trong vài phút. 

Trong trường hợp người bệnh có cơn nhịp nhanh thất mà huyết áp còn ổn định có thể được xử trí bằng các loại thuốc chống loạn nhịp, nếu tình trạng nặng hơn người bệnh phải được sốc điện ngay lập tức. BS Hậu cũng cho biết thêm, có rất nhiều trường hợp bị rối loạn nhịp tim tương tự như bà M. được cấp cứu thành công, như  anh Nguyễn Minh T. ở P.9, Q.5.

Mới ngoài 40 tuổi và ít khi bệnh vặt, nên sau giờ cơm trưa, bỗng dưng anh Nguyễn Minh T. bị đánh trống ngực liên hồi. Anh nghĩ do mình vừa ăn cơm vừa xem phim hành động nên bị ảnh hưởng. Nhưng những ngày sau, anh lại bị đánh trống ngực và hồi hộp “giống như ngày xưa sợ thầy giáo kêu trả bài mà không thuộc”. Anh kể chuyện với vợ, vợ vừa tất bật dọn dẹp, vừa  qua loa: “Lâu nay chồng khỏe như vâm, chắc chẳng có gì đâu, thiếu gì người bị như vậy”.

Danh trong nguc, hoi hop - mac benh gi?
Bà M. được bác sĩ chăm sóc sau khi ngất xỉu vì rối loạn nhịp tim

Nghe vậy anh T. như trút được gánh lo, dù sau đó thỉnh thoảng anh vẫn thấy tim đập “bình bịch” và hồi hộp dù đang nghỉ ngơi. Cho đến bốn tháng sau, khi đang đứng chơi với con gái bốn tuổi, thình lình anh T. bị xỉu, ngã lăn ra đất. Gia đình đưa anh vào bệnh viện và được xác định bị rối loạn nhịp tim chậm, nhịp tim của anh chậm hơn so với bình thường nên dẫn tới tình trạng rối loạn nhịp. 

Nhịp tim nhanh, chậm đều phải theo dõi

Theo BS Bùi Thế Dũng, rối loạn nhịp tim là bệnh thường gặp. Tỷ lệ các loại rối loạn nhịp như sau: rung nhĩ (1-2%), nhịp nhanh trên thất (1-2/1000)… Trái tim bình thường, khỏe mạnh, có tần số co bóp từ 60-100 lần/phút, nếu vượt ngoài tần số trên được xem là rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim bao gồm hai loại: rối loạn nhịp tim nhanh (tần số tim lớn hơn 100 lần/phút) và rối loạn nhịp tim chậm (tần số nhỏ hơn 60 lần/phút). Có những rối loạn nhịp tim chỉ gây triệu chứng nhẹ và không nguy hiểm. Nhưng cũng có những dạng rối loạn nhịp tim gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kể cả nguy cơ tử vong. 

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra trên người có bệnh lý về tim mạch thật sự và cả những người có trái tim bình thường. Những người có bệnh lý về tim như nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim bẩm sinh, người lớn tuổi, hoặc người có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, phổi, tăng huyết áp, hẹp van tim… dễ bị rối loạn nhịp tim hơn. Trong đó, rối loạn nhịp tim nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ không nhỏ rối loạn nhịp thất nguy hiểm lại xảy ra trên một trái tim khỏe mạnh, chưa từng có biểu hiện bệnh nào. 

Với những người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm không cao. Do đó, nếu không tìm được nguyên nhân để điều trị triệt để, khả năng rối loạn nhịp thất sẽ tái phát và có thể gây tử vong. Vì vậy, phương pháp chẩn đoán bệnh sớm và hiệu quả là người bệnh sẽ được đo ECG 24 giờ để xác định nguyên nhân dạng rối loạn nhịp thất, cùng với mức độ nguy hiểm của bệnh. 

BS Dũng cảnh báo: “Để phòng ngừa, cần loại trừ những yếu tố khởi phát cơn nhịp tim nhanh như: tránh các chất kích thích trà, cà phê, thuốc lá, hạn chế căng thẳng, stress… Ngoài ra, cần phải điều trị những bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim…

Dù không phải tất cả các rối loạn nhịp tim đều nguy hiểm, nhưng khi có dấu hiệu rối loạn nhịp tim như hồi hộp, đánh trống ngực và các biểu hiện này lặp đi lặp lại… thì nên đến gặp BS chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, bởi việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp khác và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm”. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI