Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có gas : Thiếu căn cứ!

03/04/2014 - 07:50

PNO - PN - Việc Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt có gas không cồn vào danh mục các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuế suất là 10% nhằm mục đích hạn chế tiêu thụ do ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tăng thuế có giảm uống ?

Lý do Bộ Tài chính đưa ra thoạt nghe có vẻ hợp lý. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế quốc tế, trong nước ngọt có gas không cồn có sử dụng đường và các chất công nghiệp như phẩm màu, hương liệu, chất bảo quản… nếu uống lâu dài sẽ gây bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch… Vì thế, việc đánh thuế vào sản phẩm này để định hướng tiêu dùng là rất cần thiết. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, việc thu thuế sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, theo tính toán, với giá bán trung bình của nhà sản xuất gần 12.000đ/lít, nếu thu thuế 10%, tính trên tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước khoảng 925 triệu lít nước ngọt có gas không cồn (năm 2013), thì con số thu được là không đáng kể.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng (NTD) cho rằng, nếu mặt hàng nước ngọt có gas bị áp thuế thì chưa chắc thói quen của họ thay đổi. Chị Nguyễn Tuyết, (Q.Gò Vấp) cho biết, sáu năm nay chị đều dùng một lon nước ngọt sau khi ăn trưa, dẫu giá có tăng 1.000 - 2.000đ/lon do bị đánh thuế thì chị… vẫn dùng, bởi không ảnh hưởng mấy đến “hầu bao”. Đại diện nhà hàng tiệc cưới White Place cũng cho rằng, khách hàng không thể thay thế loại nước giải khát khác trong tiệc, vì đây là loại thức uống phổ biến. Như vậy, việc áp thuế TTĐB đối với sản phẩm phổ thông liệu có hợp lý, trong khi mục đích của thuế TTĐB là nhằm áp dụng cho các “xa xỉ phẩm”, thường là những sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu một nhóm NTD nhỏ, người có thu nhập cao.

Một chủ doanh nghiệp (DN) xin giấu tên so sánh: mức tiêu thụ nước ngọt có gas của người Việt Nam hiện nay chỉ 1 - 1,4 lít/người/năm, trong khi ở Mỹ, mức tiêu thụ lên tới 20 - 40 lít/người/năm. Điều này có nghĩa, mức tiêu dùng ở Việt Nam chưa đến mức báo động để phải đánh thuế TTĐB. Ở khía cạnh khác, TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ngành đồ uống hiện nay đóng góp 15% GDP, nếu đánh thuế TTĐB 10% thì nguồn thu thuế có thể tăng, nhưng có khả năng lượng cầu đồ uống giảm xuống, sẽ gây những tác động khác ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của ngành, cụ thể ngành sản xuất đường, lao động, các điểm kinh doanh…

Danh thue tieu thu dac biet nuoc ngot co gas : Thieu can cu!

Đánh thuế TTĐB, chưa chắc người tiêu dùng hạn chế dùng nước có gas - Ảnh: Phùng Huy

Nhập nhằng mục đích đánh thuế

Theo ThS-BS Đào Thị Yến Phi - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu nói đường trong nước ngọt có gas hại sức khỏe thì đường trong những sản phẩm giải khát khác cũng gây hại tương tự. Vì thế, cần phải dựa vào tổng số đường ăn trong ngày là bao nhiêu mới có thể dẫn đến tình trạng béo phì, NTD sẽ căn cứ vào hàm lượng đường ghi trên sản phẩm để có sự lựa chọn, cân đối. Đánh thuế nước ngọt có gas vì đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì vì sao những sản phẩm có đường khác, cũng gây hại tương tự lại không bị đánh thuế?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện chính các chuyên gia y tế cũng chưa thống nhất về tác hại của nước uống có gas. Một số công trình thì nói nước ngọt có gas có hại cho sức khỏe, nhưng lại có công trình cho rằng gas tốt cho sức khỏe. Vì vậy, trước khi quyết định một sắc thuế, cơ quan quản lý phải xem xét thận trọng và có cơ sở.

Tham khảo tại Mỹ cho thấy, Mỹ là nước có tỷ lệ người thừa cân cao nhất thế giới. Năm 2009, 33 tiểu bang ở Mỹ áp dụng đánh thuế bán hàng trên nước giải khát (gọi là “Soda tax” hay “Soft drinks tax”), tập trung vào cả đồ uống có đường, đồ uống có gas và không gas, các thức uống thể thao và năng lượng. Thuế này áp dụng cho những thực phẩm khuyến khích chế độ ăn uống không lành mạnh, bù đắp sự thiệt hại của nền kinh tế cho chi phí điều trị bệnh béo phì.

Cần thận trọng

Đánh thuế TTĐB vào một số sản phẩm là cần thiết, nhưng vấn đề là phải cân nhắc để mục tiêu và lý do đưa ra thuyết phục được cả DN lẫn NTD.

Hiện DN sản xuất nước ngọt có gas không cồn chiếm trên 80% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các DN nội chủ yếu tập trung vào phân khúc nước ngọt không gas. Như vậy, việc đánh thuế trên, vô hình trung đã “từ chối” DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Tại Pháp, năm 2012, nhiều DN nước ngoài đã cân nhắc rút vốn đầu tư khi luật thuế tương tự có hiệu lực.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ủy viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thay vì áp thuế, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể hướng dẫn cho các DN sản xuất nước ngọt bớt lượng đường trong sản phẩm. Đó cũng là cách để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng tình với ý kiến này,

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho rằng, có thể kiểm soát và đưa ra giới hạn đường không được quá bao nhiêu phần trăm trong sản phẩm để tốt hơn cho sức khỏe. Đồng thời, NTD phải được cung cấp những cảnh báo bằng những thông tin rõ ràng ghi trên sản phẩm. Những khách hàng có nhận thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe sẽ tự chọn các loại nước uống khác.

“Nếu như thấy sự đồng thuận từ xã hội chưa lớn thì đề nghị nghiên cứu, xem xét thêm để có căn cứ đầy đủ hơn. Nên tham khảo thêm các nguồn nghiên cứu y học trên thế giới để tránh lấy phải một nguồn không đáng tin cậy. Chủ trương không sai nhưng nếu xã hội không đồng thuận thì lại thành không hay”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo.

 Đức Toàn - Ngọc Lâm - An Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI