Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, có ngăn được đầu cơ?

04/10/2024 - 06:12

PNO - Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng, giá nhà đất ở một số đô thị lớn tăng cao trong thời gian qua là do tác động của các nhóm đầu cơ, từ đó đề xuất chính sách thuế đối với trường hợp sở hữu bất động sản thứ hai.

Thuế giúp ổn định giá nhà, đất

Chuyên gia pháp lý bất động sản (BĐS) Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, nên áp dụng giải pháp đánh thuế nhà, đất. Trước đây, khi trình dự thảo nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, UBND TPHCM từng đề xuất việc đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ, nhưng Quốc hội đã không chấp thuận đề xuất này. Theo các đại biểu Quốc hội, việc đánh thuế cần đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước.

Là người từng nhiều lần đề xuất xây dựng Luật Thuế BĐS, cải cách thuế BĐS, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất không phải là đề xuất mới: “Việc này lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi, nhưng không hiểu sao vẫn chưa thực hiện”. Theo ông, nếu tính riêng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (tức thuế BĐS), Việt Nam thuộc nhóm các nước lạc hậu, kể cả trong khu vực ASEAN. Việt Nam chỉ thu từ thuế này đạt 0,034% GDP, trong khi Indonesia đạt 0,42%, Thái Lan đạt 0,25% và Philippines đạt 0,84% (nhóm nước trung bình thuộc khối ASEAN).

Giá nhà ở các thành phố lớn như TPHCM, TP Hà Nội quá cao nên phần lớn người có nhu cầu nhà ở thực sự rất khó có thể để mua, sở hữu (ảnh chụp một dự án căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm, TPHCM)
Giá nhà ở các thành phố lớn như TPHCM, TP Hà Nội quá cao nên phần lớn người có nhu cầu nhà ở thực sự rất khó có thể để mua, sở hữu (ảnh chụp một dự án căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm, TPHCM)

Ông Đặng Hùng Võ phân tích: “Nếu chúng ta tiếp tục thu thuế từ BĐS như hiện nay thì đất ở, nhà ở ngày một tăng giá. Người ta thiên về đầu tư vào đất ở, nhà ở khiến giá đất ngày càng cao, bong bóng ngày càng lớn. Hơn nữa, đồng tiền nhàn rỗi của người dân chỉ nằm yên trong nhà và đất, đồng tiền đó bị “chết” cùng lạm phát. Đưa tiền của dân vào sản xuất, kinh doanh thì mới tạo được hàng hóa tiêu dùng”.

Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), ban hành chính sách thuế BĐS là công việc cấp bách nhằm điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững và giúp giá đất tăng, giảm theo đúng cung cầu thị trường. Đây là xu hướng chung trên thế giới. Sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ hai trở lên. Người có nhiều tài sản mà tài sản không ngừng sinh lời thì nộp thuế nhiều hơn là đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua căn nhà thứ hai, thứ ba.

VARS dẫn chứng, ở Singapore, mọi người mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị BĐS cho căn nhà thứ hai, 30% cho căn nhà thứ ba. Nếu bán ngay trong năm đầu thì phải đóng thuế 6% giá trị BĐS, bán vào năm thứ hai thì đóng thuế 8%, năm thứ ba đóng 4% và sau năm thứ tư thì không bị áp mức thuế, phí này.

Ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, quá 5 năm thì bị đánh thuế 8%, quá 7 năm thì bị đánh thuế 9%, quá 10 năm thì bị đánh thuế 10%. Theo VARS, chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, từ đó kiềm chế đà tăng giá nhà, đất, bởi việc đầu cơ BĐS trở nên rủi ro hơn. Còn nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ thì ngân sách sẽ thu được thuế phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, đường sá.

Tuy nhiên theo ông Đặng Hùng Võ, điều cần xem xét là Việt Nam chưa quản lý cư dân chặt chẽ được như Singapore nên chưa biết được người dân có căn nhà như thế nào, diện tích ra sao để đánh thuế. Nếu căn nhà thứ nhất có diện tích lớn, căn nhà thứ hai có diện tích nhỏ thì việc đánh thuế là không phù hợp.

Theo VARS, để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam, từ đó có căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba và giá trị của BĐS áp thuế. Điều này đòi hỏi có sự đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa xác định chính xác một BĐS cụ thể thuộc sở hữu của ai, do chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu và do hiện tượng nhờ người đứng tên tài sản. Dù vậy, ông vẫn lạc quan: “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS mới cũng đề cập đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường BĐS; các cơ quan cũng khoa học hóa việc đánh số nhà. Nếu triển khai hiệu quả các việc trên, trong tương lai gần, có thể xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, làm cơ sở để thực thi Luật Thuế BĐS sau khi được thông qua”.

Chính sách thuế phải đồng bộ với các chính sách khác

Chỉ riêng chính sách thuế sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng mà có thể đạt mục tiêu này nhưng không đạt mục tiêu khác; do đó cần đồng bộ các chính sách khác về đất đai, quy hoạch để cùng với chính sách tài chính thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính về đất đai, thị trường BĐS để góp phần phát triển thị trường BĐS minh bạch, ổn định và phát triển.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Không nên trì hoãn việc xây dựng Luật Thuế bất động sản

Theo tôi, có 3 vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Luật Thuế BĐS. Đầu tiên, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước. Nhưng phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam, để thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, vừa đảm bảo mục tiêu chống đầu cơ BĐS, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Thuế BĐS ở Việt Nam nên có tiêu chí đánh thuế cao đối với trường hợp bỏ hoang, đầu cơ và miễn, giảm thuế với những đối tượng như Nghị quyết 18 của Chính phủ đã nêu.

Vấn đề tiếp theo là cần phải thay đổi tư duy quyền riêng tư với tài sản. Cần công khai được tài sản và giải trình được nguồn gốc tài sản. Tài sản này phải là tài sản chính đáng, được giải trình một cách công khai, góp phần phòng, chống tham nhũng. Cuối cùng, xây dựng sắc thuế phải đảm bảo tính khả thi, khoanh định được người nào, hành vi nào là hành vi trốn thuế. Hiện nay, có rất nhiều phương cách trốn thuế, như một số trường hợp nhận thấy thuế cao liền sang tên cho người thân hoặc sang tên cho người ký một hợp đồng vay vốn để đảm bảo không mất BĐS.
Tôi cho rằng, chúng ta không thể chần chừ, trì hoãn việc cải cách thuế BĐS. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, tác động tới nhiều đối tượng. Do đó, khi xây dựng luật, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng bộ, lấy ý kiến đầy đủ các đối tượng trong xã hội, tránh ý kiến có lợi cho một bộ phận nào đó.

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đánh thuế bất động sản lũy tiến theo thời gian sở hữu

Mức thuế BĐS hiện nay quá thấp, dẫn đến tình trạng đầu cơ đất và bỏ hoang đất nhiều. Nhà đầu tư, “cò” đất chỉ phải đóng thuế chuyển nhượng, thuế thu nhập cá nhân 2% nên khi thấy có lời thì sẵn sàng đầu tư.

Cần đánh thuế chuyển nhượng BĐS lũy tiến theo thời gian sở hữu BĐS đó, thời gian càng ngắn thì mức thuế càng cao và ngược lại để hạn chế trường hợp đầu tư “lướt sóng” BĐS. Không nên đánh thuế tài sản với căn nhà thứ hai. Chính sách này đã được Singapore và các nước khác trong khu vực áp dụng. Chúng ta có thể xây dựng định mức một người dân được ở bao nhiêu diện tích nhà, đất. Người sở hữu nhà, đất có diện tích dưới định mức sẽ không phải đóng thuế BĐS, nộp mức thuế thấp tương tự với mức thuế sử dụng phi nông nghiệp hiện nay.

Khi thuế BĐS được áp dụng thì người sở hữu nhiều nhà, đất phải đóng thuế hằng năm. Điều đó sẽ khiến nhà đầu tư BĐS tính toán lại xem có nên bỏ tiền vào đất chờ tăng giá không, hay sẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chủ đầu tư các dự án nhà ở hình thành trong tương lai cũng sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ đẩy nhanh dự án, tránh tình trạng bỏ hoang dự án nhiều năm, từ đó giảm tình trạng đầu cơ, lãng phí và sốt đất như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Được - Trưởng ban Pháp chế Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín

Huyền Châu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI