"Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm" nhận ý kiến trái chiều

21/02/2025 - 13:19

PNO - Dù một số quốc gia trên thế giới đã đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với tiền lãi gửi tiết kiệm, nhưng giới chuyên gia cho rằng, chưa thể áp dụng hoặc nếu có sẽ phải tính toán kỹ.

Mới đây, góp ý dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết, theo quy định hiện nay, chỉ có thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế TNCN. UBND TP Cần Thơ đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế TNCN với quy mô tiết kiệm nhỏ.

Tại bản cập nhật hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm như hiện hành. Đồng nghĩa cơ quan này không đồng ý áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm như đề xuất của Thành phố Cần Thơ.

Thông tin này đang tạo ra sự tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội những ngày qua. Có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm, thì người dân sẽ chuyển sang các kênh đầu tư như mua vàng.

Bà Đặng Thị Huyền Trang - Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần tư vấn thuế Savitax, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM - cho rằng, theo quy định hiện hành, có 10 loại thu nhập chịu thuế TNCN. Mỗi loại thu nhập sẽ có mức thuế khác nhau.

Ví dụ: Thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ theo biểu lũy tiến từng phần; thu nhập từ mua bán, chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần, chuyển nhượng chứng khoán thì tính thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng; thu nhập từ kinh doanh thì hộ, cá nhân kinh doanh theo biểu tỉ lệ % thuế trên doanh thu như 1,5%, 3%, 4,5%, 7%...; thu nhập từ đầu tư vốn thuế suất TNCN 5%...

Hiện nay, khoản thu nhập này chưa được tính vào thu nhập chịu thuế. Việc huy động vốn từ tiền gửi và trả lãi cho người dân cũng tạo ra một lượng tiền lớn được tái đầu tư. Vậy nên, việc tính thuế TNCN đối với tiền lãi tiết kiệm cũng là một vấn đề cần được xem xét nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng nộp thuế.

"Việc đánh thuế TNCN đối với tiền lãi tiết kiệm là phù hợp, nhiều quốc gia trên thế giới đều đã áp dụng hình thức thuế này" – bà Đặng Thị Huyền Trang nói.

Nhiều đề xuất cho rằng cần phải đánh thuế tiền lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa
Nhiều đề xuất cho rằng cần phải đánh thuế tiền lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Huyền Trang, việc đánh thuế TNCN đối với tiền lãi tiết kiệm cần được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và hợp lý. Mức thuế cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Cần có những quy định rõ ràng về mức thuế, đối tượng chịu thuế và các khoản miễn trừ, giảm trừ để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Còn theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, Bộ Tài chính tính toán rất kỹ lưỡng, không bỏ qua bất cứ khoản thu nào, kể cả thuế thu nhập cá nhân. Đối với khoản lãi mà người dân gửi cho các tổ chức tín dụng, họ cũng nắm rõ tình hình.

Hiện nay, lượng tiền nhàn rỗi trong dân còn rất nhiều. Tất nhiên, có người nhiều, người ít, nhưng thực sự là tiền trong dân rất nhiều mà họ chưa đầu tư. Họ e ngại rủi ro nên không đầu tư mà chọn gửi ngân hàng. Tiền gửi ngân hàng sẽ được các ngân hàng sử dụng để cho doanh nghiệp vay. Doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu vốn nên phải vay. Đó là một kênh huy động vốn của ngân hàng.

Thực tế, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay rất thấp, chỉ 3-4%. Trong khi đó, tỷ lệ mất giá của đồng tiền cũng gần tương đương. Vì vậy, lợi nhuận thực tế của người gửi tiết kiệm không còn bao nhiêu.

Nếu chúng ta siết chặt việc thu thuế lãi suất tiền gửi, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng nữa mà sẽ đầu tư vào những kênh khác. Chẳng hạn như vàng hoặc bất động sản. Điều này sẽ khiến những người có nhu cầu mua nhà thực sự không mua được nhà, vì bị những người đầu cơ mua hết.

Một số người có thể tìm đến các hình thức đầu tư không được khuyến khích, như hụi, họ. Hoặc họ sẽ cho vay nặng lãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tranh chấp, kiện tụng phức tạp.

Bộ Tài chính nhận thấy những vấn đề này nên đã không thu thuế lãi suất tiền gửi. Họ cân nhắc rất kỹ lưỡng, chứ không phải là sơ suất. Ngay cả kiều hối, một khoản thu nhập từ nước ngoài gửi về, Bộ Tài chính cũng không thu thuế.

"Có những khoản thu, nếu chúng ta thu được một ít, nhưng lại gây ra những hệ lụy lớn hơn, như làm giảm nguồn tiền huy động của ngân hàng, hoặc đẩy người dân vào những kênh đầu tư bất ổn. Các nước trong khu vực châu Á, hiện chỉ có Thái Lan mới thu thuế TNCN tiền lãi tiết kiệm. Ở Hàn Quốc, người ta có rất nhiều tiền, nhưng họ vẫn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm và không thu thuế lãi suất. Không phải ai cũng gửi tiết kiệm ít như ở Việt Nam mình" - luật sư Trần Xoa nói.

Trước đó, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TPHCM từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trở lên. Các đề xuất đánh thuế này đều vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI