Đánh thuế hàng nhập khẩu giá thấp: Tăng sức cạnh tranh cho hàng nội địa

17/03/2025 - 06:43

PNO - Theo Quyết định 01/2025/QĐ-TTg, từ ngày 18/2, hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh trị giá dưới 1 triệu đồng không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu như trước. Quy định này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa hàng trong nước với hàng nhập khẩu.

Thu hẹp khoảng cách giá

Các mặt hàng trong nước như quần áo, giày dép, đồ gia dụng đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài tràn vào qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Chẳng hạn, giá bán lẻ đồ thun cotton dành cho bé trai do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất từ 150.000-250.000 đồng/bộ trong khi giá hàng cùng loại của Trung Quốc trên các sàn Shopee, Lazada chỉ 75.000-125.000 đồng/bộ, lại miễn phí vận chuyển.

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhà sáng lập thương hiệu thời trang V-Sixtyfour - than: các nhà sản xuất Trung Quốc có tiềm lực, sản xuất với số lượng lớn, không chịu các loại thuế như DN trong nước khi bán hàng qua sàn TMĐT nên giá cực rẻ. Điều này gây áp lực vô cùng lớn cho DN thời trang trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ.

Một người tiêu dùng tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn
Một người tiêu dùng tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn

Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony - nhận định: Quyết định số 01/2025 là động thái tích cực tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, bảo vệ nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế thông qua hình thức chia nhỏ lô hàng. Nhờ quyết định này, các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước có thể cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.

Ông Vũ Hoàng Dzu - Phó phòng Kinh doanh hiện đại, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết - cho rằng, quyết định trên sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho DN nội nhờ thu hẹp khoảng cách về giá so với hàng nhập khẩu, từ đó khuyến khích người tiêu dùng chọn mua hàng trong nước nhiều hơn.

Cần hỗ trợ hạ tầng, kho bãi

Bên cạnh việc áp thuế, các nhà sản xuất trong nước cho rằng, nên có hướng dẫn cụ thể hơn về các mức thuế cho hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hệ thống logistics trong nước để hàng hóa lưu thông thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết, ông từng đặt thử hàng từ Trung Quốc về Việt Nam thì nhận thấy hàng đến biên giới chỉ sau 1-2 ngày nhưng từ đó về tới TPHCM lại mất thêm 2-3 ngày. Ông nhận xét: “Hạ tầng logistics ở nước ta còn yếu khiến quá trình vận chuyển hàng bị kéo dài, làm tốn thêm chi phí. Do đó, cải thiện hệ thống logistics cũng là cách để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt khi bán trong nước”.
Tiến sĩ Scott McDonald - giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam - đề xuất, để cải thiện hệ thống logistics, Chính phủ cần thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho bãi thông minh gần các trung tâm đô thị lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý hàng tồn kho và tạo ra các nền tảng logistics chia sẻ để giảm chi phí cho các DN nhỏ. Việc tối ưu hóa quá trình giao hàng chặng cuối và củng cố các tuyến đường vận chuyển cũng rất quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, cần có những biện pháp hỗ trợ đi kèm để giúp DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là “công xưởng thế giới” với quy mô sản xuất cực lớn, công nghệ hiện đại và chi phí tối ưu, trong khi DN Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khó bề cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Theo ông, về lý thuyết, để tồn tại và phát triển, DN Việt phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với DN là chi phí đầu tư. Nếu không có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh công bằng, hàng hóa giá rẻ nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn vào và gây sức ép mạnh lên DN trong nước.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI