"Đánh thuế cao bao nhiêu đi nữa, người dân vẫn phải dùng điều hòa"

26/03/2025 - 10:41

PNO - ĐBQH tiếp tục kiến nghị bỏ điều hòa nhiệt độ ra khỏi danh sách đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo luật.

ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dù cao tới mấy người dân vẫn phải dùng vì đây là sản phẩm thiết yếu - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dù cao tới mấy người dân vẫn phải dùng vì đây là sản phẩm thiết yếu - Ảnh: Media Quốc hội

Đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa

Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ XV, ĐBQH cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phân tích, mục tiêu của đánh thuế nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế dùng sản phẩm hại cho sức khỏe, ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng, hướng tới chuyển sang sản phẩm thay thế có lợi hơn. Thu ngân sách không phải là mục tiêu chính mà phải là thay đổi hành vi. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều điểm phải xem lại mục tiêu này.

Điển hình như điều hòa nhiệt độ vẫn được đưa vào xem xét đánh thuế. “Điều hòa nhiệt độ là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, không có gì thay thế. Đánh thuế cao bao nhiêu đi nữa người dân vẫn phải dùng. Do đó, đề nghị bỏ máy điều hòa nhiệt độ khỏi thuế tiêu thụ đặc biệt” - ĐBQH đoàn TP Hà Nội nói.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, với sản phẩm điều hòa và xăng, nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, như vậy có thể tăng thuế bảo vệ môi trường. ĐBQH đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 sản phẩm này. “Điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU không nên đánh thuế vì đây là sản phẩm thiết yếu. Hiện nay đang áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhiều loại sử dụng tiết kiệm điện năng” - ĐBQH Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.

Giải trình, tiếp thu ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, đơn vị soạn thảo đã rà soát về nội dung này. Trước đây, điều hòa nhiệt độ được xem là hàng xa xỉ nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến nay, việc đánh thuế được đặt vấn đề nhằm điều tiết, điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, ban soạn thảo cho hay đang rà soát với các mặt hàng điều hòa nhiệt độ thông dụng, phổ thông được nhiều gia đình tiêu dùng.

“Chúng tôi đề xuất điều hòa nhiệt độ từ 18.000 BTU trở xuống có thể rà soát để tiếp thu” - ông Cao Anh Tuấn nói.

Về mặt hàng xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nhiều quốc gia vẫn thu thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Các loại xăng sinh học như E5, E10... có mức thuế thấp hơn với tính chất khuyến khích xăng sinh học. Nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, theo ông không khuyến khích được vấn đề này.

Cần đánh thuế “sốc” với rượu bia, thuốc lá

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn làm rõ ý kiến ĐBQH tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn - Ảnh: Media Quốc hội

2 sản phẩm được nhiều ĐBQH quan tâm trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là thuốc lá và rượu bia. ĐBQH Hoàng Văn Cường đồng tình đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe. Song ông quan tâm, cách đánh thuế thế nào để có thể giảm tiêu dùng.

Dự thảo đưa ra phương án từ 2026-2030 sẽ tăng mỗi năm 5% với sản phẩm bia và mỗi năm tăng 1.000 đồng/bao thuốc lá. ĐB Cường băn khoăn: “Cách tăng đều đều 5% có ý nghĩa gì? Có làm cho người tiêu dùng thay đổi được hành vi không? Hay người tiêu dùng lại thấy mức thay đổi này không đáng bao nhiêu, cứ dùng đi”.

Do đó, ông đề nghị bỏ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều hàng năm, mà tăng một đợt nhưng cao, có thể vài năm tăng một lần.

Với sản phẩm thuốc lá, theo phương án đánh thuế hiện nay, giá bán lẻ thuốc lá tăng 65% nhưng tỉ lệ người tiêu dùng chỉ giảm 4%. Trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra, cứ tăng 10% về giá có thể giảm 4% tiêu dùng. Như vậy, theo ĐBQH, thay đổi về giá không làm ảnh hưởng nhiều tới hành vi tiêu dùng. Đi kèm với thuế, phải tăng cường vận động để thay đổi nhận thức, hành vi.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đặt vấn đề, tại dự thảo luật có phương án đánh thuế với thuốc lá gồm đánh tuyệt đối trên bao thuốc và thuế tương đối. Đây là cách đánh thuế tích cực. Tuy nhiên, ông chỉ ra, thuế tiêu thụ tuyệt đối 10.000 đồng/bao thuốc lá trong khi giá xuất xưởng khoảng 6.000 đồng/bao, như vậy, tỉ lệ đánh thuế lên tới gần 200%. Trong khi một bao thuốc lá ngoại có giá đắt hơn nhưng cũng chỉ bị đánh thuế 10.000 đồng/bao. Ông lo ngại, cách đánh thuế như vậy có thể dẫn tới nguy cơ nhập lậu, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm ngoại nhập.

Về nước giải khát có đường, ĐBQH Hoàng Văn Cường đồng tình cần sớm nghiên cứu đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ban soạn thảo nên phân loại, nghiên cứu sản phẩm nước có đường nào gây hại, gây nghiện để đánh thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ, tại dự thảo luật, nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5% thuộc đối tượng chịu thuế. Trước đây, Chính phủ đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được thông qua. Tuy nhiên, lần này, phương án đánh thuế với sản phẩm trên được ý kiến đồng thuận cao từ Bộ Y tế và các hiệp hội về sức khỏe. Dù nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế cao hơn song ông Cao Anh Tuấn nhận định, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường là vừa phải, phù hợp.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI