Đánh thuế bất động theo thời gian nắm giữ có khả thi?

13/02/2025 - 12:52

PNO - Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đang đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian nắm giữ.

Nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng nêu trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước, giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp góp ý rằng mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Để thực hiện chính sách này, cần đồng bộ với các quy định về đăng ký đất đai, thuế và công nghệ thông tin để tránh tình trạng lách luật, trốn thuế. Khi hệ thống quản lý chưa hoàn chỉnh, việc triển khai chính sách này sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ hiện không khả thi.
Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ hiện không khả thi.

Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản ở Việt Nam đang áp dụng thuế suất cố định 2% trên giá trị giao dịch, không phân biệt theo thời gian sở hữu.

Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi. Bộ này đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách trước khi áp dụng nhằm đảm bảo hiệu quả và tính khả thi.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, hiện nay việc đầu tiên chúng ta cần làm là bắt buộc giao dịch qua sàn, thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo đúng giá thị trường và thu thuế bất động sản đối với nhà đất bỏ hoang, không sử dụng sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ nhà ở.

Đối với việc thu thuế căn nhà thứ hai, thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ chưa cần thiết, vì hiện nay dữ liệu giao dịch bất động sản chưa rõ ràng, công khai minh bạch. “Việc chúng ta cần làm là làm cho thị trường bất động sản trở nên lành mạnh, chứ không phải đánh thuế để ngăn chặn giao dịch bất động sản” – ông Đán nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Bộ Tài chính dẫn chứng, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI