Đánh thuế để trị “sốt đất”
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) cho rằng, thời gian qua, tình trạng sốt đất ở một số địa phương đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư (NĐT), nhất là các NĐT lớn. Do đó, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của các NĐT “lướt sóng”, đồng thời giúp thị trường BĐS hạ sốt.
Cụ thể, Bộ Tài chính cần xem xét kiến nghị đánh thuế thật cao với hoạt động bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được ba năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.
|
TP.Thủ Đức, nơi xảy ra cơn sốt giá nhà đất thời gian qua. Tại đây đang có nhiều dự án căn hộ mở bán với giá rất cao, từ khoảng 70 - trên 90 triệu/m2 |
Ngoài ra, đối với những người sở hữu nhà đất dùng để ở sẽ được chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường BĐS hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của NĐT thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói: “Hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa thể ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này của người sử dụng đất luôn thừa sức bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung. Do vậy, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai”.
Cần cân nhắc kỹ
Liên quan các đề xuất về thuế BĐS, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, xác định bất cập trong thi hành luật thuế liên quan đến BĐS để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định thuế là công cụ kiểm soát thị trường của Nhà nước. Đánh thuế BĐS để kìm giá BĐS là giải pháp cần được xem xét, nhưng không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được vì ít nhiều sẽ tác động đến nền kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phục hồi kinh tế. Nếu đánh thuế trong thời điểm dịch bệnh có thể làm giảm giá nhà đất, nhưng tác dụng phụ có thể nguy hiểm hơn.
“Chúng ta cần biết thị trường BĐS hay bất kỳ ngành nghề nào tăng trưởng là tốt, quan trọng không để thị trường phát triển méo mó. Vừa qua, các cơ quan chức năng có rất nhiều giải pháp để hạn chế sốt ảo, thao túng thông tin, điều chỉnh thị trường phát triển đúng hướng. Các giải pháp cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Nếu dồn dập thực hiện đồng loạt các giải pháp có thể dập tắt ngay các cơn sốt giá, nhưng hệ quả có thể kéo theo nhiều ngành nghề khác “tắt” theo, người lao động mất việc làm...”, ông Đán nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đán, một vấn đề quan trọng cần lưu ý là khi thị trường ổn định, lực thị trường tốt thì thu thuế mới tốt, hiệu quả mới cao. Như vậy, có thể khẳng định việc đánh thuế BĐS là cần thiết nhưng đánh vào thời điểm nào phải cân nhắc thật kỹ.
“Theo tôi, chỉ đánh thuế nặng vào BĐS khi Nhà nước đã điều tiết được quỹ đất đai cho từng đối tượng như: nhà đất cho người tái định cư, người thu nhập thấp, người có tài chính trung bình mua nhà lần đầu… Lúc đó, khi chúng ta đánh thuế thì vẫn có đủ nhà đất đáp ứng nhu cầu cho từng đối tượng, còn bây giờ đánh ngay là giải pháp tình thế, dễ phát sinh “tác dụng phụ”. Thời điểm này, Nhà nước nên tìm giải pháp để hỗ trợ BĐS tăng trưởng ổn định, đúng hướng bằng những giải pháp sao cho những người mua nhà lần đầu được tiếp cận nhà ở”, ông Đán cho biết.
Ngoài ra, Nhà nước vẫn còn rất nhiều công cụ để điều tiết thị trường như: khống chế tín dụng, chỉ mở tín dụng cho những người mua nhà lần đầu và được ưu đãi; siết tín dụng đối với những người thế chấp BĐS để đi mua BĐS thứ hai nhằm mục đích đầu tư. Việc này còn nhằm điều chỉnh hành vi của nhà đầu tư là chỉ dùng tiền nhàn rỗi, chứ không phải dùng đòn bẩy là vốn vay để đầu tư, hạn chế rủi ro cho thị trường BĐS và cả thị trường tài chính. Đồng thời, mở rộng tín dụng đối với những người mua nhà lần đầu, xử lý việc thao túng tin tức và kiểm soát các giao dịch lừa đảo...
Chuyên gia kinh tế Trần Khánh Quang: Trước tiên, cần quản lý thị trường bất động sản toàn diện, minh bạch
Việc đánh thuế BĐS bây giờ là việc khó vì thị trường chưa minh bạch. Muốn đánh thuế, điều đầu tiên Nhà nước phải quản lý mọi thứ đảm bảo minh bạch, rõ ràng, thị trường phát triển ổn định... Hệ thống quản lý hành chính công phải được liên thông, kiểm soát chặt chẽ giữa các địa phương. Hiện nay, các vấn đề này vẫn chưa hoàn chỉnh nên không kiểm soát được các hoạt động giao dịch, giá bán trên thị trường. Bây giờ, nếu đưa ra vừa khó vừa không phù hợp, không khéo tạo cú sốc cho thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần quản lý minh bạch thị trường, số hóa hoạt động quản lý BĐS và công nghệ hóa các dữ liệu mới có thông tin cụ thể, rõ ràng để đánh thuế.
|
Bích Trần