Đánh thuế 45% tài sản bất minh: Phòng chống tham nhũng kiểu nửa vời

31/05/2018 - 17:40

PNO - “Ví dụ tôi có tài khoản không minh bạch được, không giải thích được, tôi bị thu 45%, đương nhiên thừa nhận 55% còn lại của tôi là không tham nhũng”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng đây là quy định kiểu “nửa vời”.

Tại phiên thảo luận tổ 31/5 liên quan đến Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, nhiều ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn trước quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo Luật).

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết, dự thảo Luật quy định “Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc”. Nếu chọn theo phương án này thì sẽ không đúng cả về lý luận và thực tiễn.

Danh thue 45% tai san bat minh: Phong chong tham nhung kieu nua voi
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu đánh thuế 45% tài sản bất minh thì mặc định 55% tài sản còn lại là không tham nhũng?

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa cũng lấy ví dụ: “Nếu tôi có tài khoản không minh bạch, không giải thích được, tôi bị thu 45%, đương nhiên thừa nhận 55% còn lại là không tham nhũng”. Ông cho rằng, nếu đã coi là tài sản bất minh thì phải thu cả, tại sao lại thu 45%. Quy định như trên là “nửa vời”.

“Đây là điều mà thể hiện không đúng nguyên tắc và phá vỡ toàn bộ cái mà chúng ta đang gọi là tài sản tham nhũng”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ĐB Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc đánh thuế suất 45% với tài sản bất minh là điều phức tạp, khó khả thi.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích, nếu đánh thuế tài sản bất minh thì không thể dùng Luật PCTN để đánh thuế, có nghĩa phải sửa đổi luật thuế. Nếu vậy, luật thuế phải đánh thuế có căn cứ.

Có những loại tài sản theo như báo cáo của Uỷ ban Tư pháp rất đặc biệt, ví như người dân Việt Nam, người Á Đông có thói quen tích lũy tài sản qua nhiều đời và thế hệ và có thói quen giữ bí mật với làng nước. Có những gia đình đến khi người chết rồi mới phát hiện họ có rất nhiều tài sản. Trong khi đó, khối tài sản đó đã có thể chịu thuế qua rất nhiều lần.

Nếu chỉ căn cứ vào tài sản tăng thêm như vậy mà đánh thuế không phù hợp. ĐB tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: “Do đó, chừng nào nhà nước chứng minh được đó là tài sản tham nhũng, bất hợp pháp thì hãy xử lý. Còn nếu không, với những tài sản như vậy, cần phải chấp nhận theo điều 32 của Hiến pháp (Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác… - PV)".

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI