Nơi nhiều cán bộ cao cấp hy sinh
Sáng 28/8, tại khu di tích lịch sử quốc gia Ngã Ba Giồng, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam H.Hóc Môn đã tổ chức lễ giỗ riêng cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng bị hành quyết sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (28/8/1941). Mọi năm, Huyện ủy H.Hóc Môn chọn ngày 23/11 (ngày Nam Kỳ khởi nghĩa) để tổ chức giỗ chung cho tất cả các liệt sĩ tham gia khởi nghĩa.
Mới 4g, bà Nguyễn Thị Mai Hương đã cùng chư tăng, phật tử chùa Giác Nguyên vớt bánh tét, nấu thức ăn để phục vụ lễ giỗ. Bà nói: “Đám giỗ năm nào tôi cũng tới. Khi dâng nén hương, tôi rất xúc động, thấy thương, tự hào, kính phục”. Như nhiều người dân của vùng đất 18 thôn vườn trầu, bà nhớ nhiều sự kiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mà bà từng học, đọc và nghe bà nội kể lại.
|
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đoàn đại biểu dâng hương tại khu di tích Ngã Ba Giồng ở lễ giỗ ngày 28/8/2022 |
Năm 1940, trước cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, quân Pháp tăng cường khủng bố, lùng sục, bắt bớ. Hàng ngàn người bị xử tử, đày ra Côn Đảo và các trại giam. Địch lập ba trường bắn ở H.Hóc Môn để hành quyết các vị lãnh đạo khởi nghĩa bị bắt, gồm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ, Ủy viên Trung ương Đảng Phan Đăng Lưu, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai, Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Hữu Tiến.
Từ H.Đức Hòa, tỉnh Long An về dự lễ giỗ, ông Võ Văn Đấu (66 tuổi), bồi hồi: “Tôi rất biết ơn chính quyền, người dân H.Hóc Môn hàng chục năm qua đã làm lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có ông nội tôi - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần. Người dân quê tôi còn nhắc về ông tôi, đầu quấn khăn đỏ, treo túi thuốc lủng lẳng trên xe đạp để chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ”.
Nhắc đến ông nội, mắt ông Đấu ánh lên niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Ông kể, những năm đầu thập niên 1960, địch vào làng lùa nhiều gia đình vô ấp chiến lược, yêu cầu người họ Võ đứng một bên, dọa bắn chết hết, kiểu tận diệt. “Nhưng mà ba và các chú tôi đều tham gia cách mạng, má tôi vẫn lập chùa để nuôi giấu cán bộ” - ông Đấu cười.
|
Tuyến đường Đặng Thúc Vịnh vừa được chỉnh trang, mở rộng, giải quyết một phần sức ép giao thông cho H.Hóc Môn |
Khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đoàn đại biểu dâng hương các vị lãnh đạo tiền bối ở khu di tích Ngã Ba Giồng thì trong góc nhà mình, bà Lê Thị Hồng Minh cũng sửa soạn mâm trái cây dâng anh linh của mẹ - bà Nguyễn Thị Minh Khai. Bà Hồng Minh nói về lý do không dự lễ giỗ ở Hóc Môn: “Ở tuổi 83, tôi ngại người ta nhắc nhiều đến má, sợ xúc động, ảnh hưởng huyết áp”.
Hai tuổi mất mẹ, ba tuổi mất cha (cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong), tuổi thơ phải đi ở đợ, lớn một chút thì theo cách mạng, bà Hồng Minh trải lòng: “Càng nghe, càng đọc nhiều về ba má, càng thương đứt ruột. Có người hỏi tôi có khi nào trách má sinh tôi được mấy tháng đã giao cho người khác để hoạt động kháng chiến hay không, tôi nói sao mà trách được. Không có những người như ba má, sao đất nước mình được như hôm nay. Họ hy sinh tình yêu vợ chồng, tình mẫu tử cho lý tưởng độc lập. Tôi sống hôm nay giống như là thay ba má tôi chứng kiến cảnh đất nước hòa bình, ngày càng phát triển”.
Từ ngày đất nước thống nhất, năm nào bà Hồng Minh cũng về H.Hóc Môn dự lễ giỗ, thăm lại trường bắn nơi má mình nằm xuống, rồi ra H.Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thăm mộ cha. Nhiều năm qua, do sức khỏe kém, bà chỉ ở nhà nhưng vẫn đón những đoàn công tác đến thăm.
Những nỗi trăn trở
Ông Đỗ Hoài Nam - Trưởng ban Tuyên giáo H.Côn Đảo - cho biết, đây là lần đầu, ông đến H.Hóc Môn dự lễ giỗ, thăm các di tích lịch sử ở huyện này. Trong chuyến đi này, lãnh đạo H.Côn Đảo và H.Hóc Môn đã ký kết một bản ghi nhớ về phối hợp phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của hai địa phương.
|
Ông Phạm Văn Phong cho hay, trong 380ha đất của xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn có khoảng 6.000m2 đất của gia đình ông do vướng quy hoạch suốt 30 năm khiến giá trị đất thấp, chỉ trồng lúa, rau manh mún |
Trong chiến tranh, Hóc Môn là chiếc nôi của cách mạng. Tinh thần chống Pháp của huyện luôn sục sôi, phong trào kháng chiến luôn mạnh mẽ. Tại đây, trong hai cuộc kháng chiến, mỗi nhà dân một cơ sở cách mạng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng. Sau ngày 30/4/1975, Hóc Môn là vùng xanh của TPHCM.
Ông Phạm Văn Phong (85 tuổi) bồi hồi nhớ lại những năm đầu đất nước thống nhất, Hóc Môn là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả TPHCM: “Đất đai bao la, người người, nhà nhà tăng gia sản xuất. Nếu các nơi khác chỉ làm mỗi năm một vụ lúa thì Hóc Môn làm một vụ lúa, hai vụ hoa màu, rồi còn chăn nuôi nữa”.
Ông Phong là người con H.Hóc Môn, hoạt động cách mạng trong vùng căn cứ Trung ương Cục miền Nam, sau đó công tác ở Sở Văn hóa, Thông tin TPHCM. Năm 1992, ông nghỉ hưu, về sống ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn đến nay. Chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ông nói: “Qua bao dâu bể, huyện được đầu tư, nâng cấp, xây dựng nông thôn mới. Đường sá rộng rãi, các khu công nghiệp, trang trại nông nghiệp công nghệ cao mọc lên, người người về làm ăn, sinh sống”.
Nhưng theo ông, tốc độ phát triển của H.Hóc Môn vẫn chậm chạp so với mặt bằng chung. Ông dẫn chứng, con đường dẫn vào nhà mình vẫn là đường đất nhỏ, bốn bề toàn đất trống, cỏ dại, nhà cửa xập xệ: “380ha đất của xã vướng quy hoạch hơn 30 năm mà không gỡ được”. Trong 30 năm dính quy hoạch “treo”, người dân đành bỏ đất, cho thuê trồng rau. Nhà ông có 6.000m2 đất nhưng chỉ làm mỗi năm một vụ lúa”.
Ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy H.Hóc Môn - trăn trở: “Tiềm lực đất đai của huyện rất lớn nhưng giá trị lại quá thấp”. Huyện còn rất nhiều khu đất “quy hoạch chồng quy hoạch”, người dân có đất cũng không thể xây nhà, sang nhượng, doanh nghiệp không dám đầu tư. Điều kiện tự nhiên của Hóc Môn rất đẹp, có vành đai sông ôm huyện, nếu phát triển đô thị sinh thái sẽ rất phù hợp. Nhưng phải gỡ vướng về quy hoạch trước đã.
Rồi đây, các trục đường vành đai liên vùng đều đi qua H.Hóc Môn. Đây sẽ là động lực để huyện này phát triển. Nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai. Hiện tại, Hóc Môn vẫn chịu sức ép lớn về giao thông. Muốn đầu tư nâng cấp, mở rộng đường, cũng cần gỡ rào cản quy hoạch mà thẩm quyền gỡ là của cấp thành phố, trung ương.
Gần đây, có thông tin Hóc Môn sẽ trở thành quận hoặc thành phố. Ông Trần Văn Khuyên cho rằng, cái chính vẫn là nâng cao chất lượng sống của người dân. Muốn vậy, phải giải quyết các vướng mắc, rào cản hiện tại.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng ví von, H.Hóc Môn như “con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại rất sôi động của thành phố”. Chủ tịch nước cho rằng, làm cho Củ Chi, Hóc Môn phát triển là thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với tiền nhân, với tấm lòng của người dân bao đời sắt son với cách mạng.
Tuyết Dân