Đánh thức tiềm năng du lịch y tế

20/01/2025 - 07:00

PNO - Với những lợi thế về giá, về nhân lực, du lịch y tế của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm, có khoảng 300.000 khách quốc tế đến Việt Nam khám, chữa bệnh, phần đông là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về nước. Trong đó, khoảng 40% người khám, chữa bệnh ở TPHCM. Sở Du lịch TPHCM ước tính, du lịch y tế của Việt Nam có doanh thu 2 tỉ USD/năm.

Chất lượng dịch vụ tốt, chi phí khám và chữa bệnh hợp lý là những yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch y tế Việt Nam phát triển. Hiện nay, các bệnh viện và cơ sở y tế trong nước ngày càng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ y, bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm, có khả năng điều trị các bệnh phức tạp như ung thư, bệnh về tim mạch, các bệnh mạn tính, có tay nghề cao trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.

Phát biểu tại hội nghị khoa học quốc tế về thẩm mỹ nội khoa hồi đầu tháng 8/2024, tiến sĩ, bác sĩ Lê Tôn Dũng - Chủ tịch Chi hội Thẩm mỹ nội khoa Việt Nam - cho biết, theo báo cáo của Grand View Research, doanh số ngành thẩm mỹ toàn cầu dự kiến đạt 445,98 tỉ USD vào năm 2030. Ông nhận định: “Ngành thẩm mỹ Việt Nam có tiềm năng to lớn, việc khai thác tốt tiềm năng sẽ đóng góp không nhỏ cho ngân sách quốc gia”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhu cầu cải thiện nhan sắc của cư dân thế giới ngày càng tăng cao. Việt Nam lại có nhiều lợi thế như đã kể. Nhận ra được điều này, một số bệnh viện của Việt Nam đã đưa ra các gói dịch vụ bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ, nghỉ dưỡng, spa, chăm sóc da, chăm sóc sức khỏe.

Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, một số bệnh viện chủ động xây dựng các gói dịch vụ làm đẹp đặc biệt với thời gian thực hiện chỉ từ 40-90 phút, như nâng cơ mặt, xóa mụn, xóa nám, trẻ hóa da, làm thon gọn cơ thể, xóa hình xăm… Ngay sau khi làm đẹp, khách hàng có thể tiếp tục tận hưởng kỳ nghỉ của mình nên tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Trên thực tế, các bệnh viện vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Các bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của du khách, chẳng hạn họ phải mất khá lâu để chờ đến lượt mình. Ngoài ra, các bệnh viện của Việt Nam thường thiếu nhân sự thông thạo ngoại ngữ, khiến khách hàng gặp trở ngại, giảm tin tưởng.

Các bệnh viện và cơ sở y tế hiện nay chủ yếu tự phát triển và xúc tiến các gói dịch vụ của mình, không có sự hỗ trợ đầy đủ từ các cơ quan chức năng nên tỏ ra lúng túng trong việc hợp tác với công ty lữ hành, định giá dịch vụ.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng chưa chú trọng đúng mức đến công tác quảng bá du lịch y tế nên du khách quốc tế vẫn chưa biết đến những dịch vụ y tế chất lượng ở Việt Nam. Mặt khác, cơ quan quản lý y tế vẫn chưa kiểm soát được những cơ sở thẩm mỹ không uy tín, không giấy phép, dẫn đến một số ca tai biến, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Với những lợi thế về giá, về nhân lực, du lịch y tế của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành y tế và ngành du lịch để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, tăng cường quảng bá, làm cho du lịch y tế trở thành kênh thu hút du khách, thu hút ngoại tệ đáng kể.

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI