Đánh thức tiềm năng của đối ngoại nhân dân

17/07/2020 - 09:42

PNO - TPHCM có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy đối ngoại nhân dân, nhưng thực tế, tiềm năng này vẫn chưa được đánh thức. Đây là khẳng định của nhiều đại biểu tham dự hội nghị lắng nghe và tiếp nhận nguyện vọng, góp ý của nhân dân đối với Đảng và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức sáng 16/7.

Chưa giữ được khách quốc tế

Nhiều năm làm công tác liên lạc kiều bào, đại biểu Đặng Thanh Bình cho biết, năm 2010, có hơn 3.000 kiều bào ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được chính quyền TPHCM hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến quốc tịch, đầu tư nhà đất cùng nhiều loại hình kinh doanh.

Đến nay, TPHCM có 2.500 doanh nghiệp của kiều bào đăng ký hoạt động với tổng vốn điều lệ 37.000 tỷ đồng, 117 dự án đầu tư với quy mô vốn hơn 275 triệu USD.

Theo ông Bình, đây là con số không nhỏ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của TPHCM đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, ông được biết, hằng năm, có một số không nhỏ kiều bào lớn tuổi muốn quay về Việt Nam sinh sống, làm ăn, lại gặp phải các thủ tục hành chính như chuyển đổi quốc tịch, đăng ký kinh doanh kéo dài và phức tạp.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Đăng Khoa cho rằng, nếu làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ngoại giao. Theo ông Khoa, tình cảm của những du khách từng đến TPHCM đã có, nhưng chúng ta chưa có cách giữ chân họ, chưa chú trọng thu hút lượng du khách lớn hơn. 

Ông Khoa cho biết, trong 5 năm qua, ông chứng kiến rất nhiều du khách nước ngoài đến TPHCM ra về trong lưu luyến, muốn trở lại sinh sống, đầu tư. Tình cảm đó đôi khi chỉ đơn giản là do họ bắt gặp nét đẹp của ứng xử, đối đãi, phục vụ. Đó là những điều ít khi được chúng ta quan tâm, nâng chất. 

Hội nghị thu hút nhìu đại bỉu tham gia góp ý
Đại biểu góp ý tại Hội nghị ngày 16/7

Cần thấy hiệu quả cụ thể

Ông Khoa dẫn chứng, trong thời gian làm việc ở Nhà thi đấu Nguyễn Du, ông nhận ra rằng, nhờ tình cảm, thái độ và sự phục vụ chu đáo trong công tác tổ chức mà nơi này đã thu hút và duy trì rất nhiều giải đấu quốc tế, cho dù lúc bấy giờ, nhà thi đấu này vẫn chưa có trang thiết bị hiện đại xứng tầm. 

“Bình quân mỗi năm, các giải đấu quốc tế được tổ chức tại Nhà thi đấu Nguyễn Du thu hút 10.000 lượt khách quốc tế đến quận 1. Đây là con số không nhỏ” - ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, để đạt con số trên, hoàn toàn không nhờ vào may mắn hay “hữu xạ tự nhiên hương” mà Nhà thi đấu Nguyễn Du đã tìm thấy và đáp ứng được điều mà ban tổ chức các giải đấu quốc tế mong mỏi. Vì vậy, việc thu hút khách nước ngoài cần được xem là một chiến lược và chiến lược này phải được áp dụng trong từng cơ sở, từng lĩnh vực.

Ở lĩnh vực mà mình quan tâm, nghệ sĩ Lê Hữu Luân - Giám đốc Trung tâm Biểu diễn ca nhạc và điện ảnh TPHCM - chỉ ra sự tréo ngoe giữa nhu cầu và sự đáp ứng. 45 năm qua, TPHCM không xây dựng được một nhà hát nào dành cho thiếu nhi, trong khi rạp xiếc dành cho thiếu nhi (từ Công viên 23/9 đưa về Công viên Gia Định) lại trong tình trạng “rách nát”.

Ông Luân cho rằng: “Trong nghị quyết đại hội Đảng bộ TPHCM, phải nêu chỉ tiêu trong 5 năm nữa, thành phố phải có một nhà hát cho thiếu nhi”. Ông Luân đề xuất, mỗi nhiệm kỳ phải đưa ra chỉ tiêu xây dựng một cơ sở văn hóa đáp ứng cho từng đối tượng cụ thể.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, TPHCM đã có đề án phát triển văn hóa với nhiều nghị quyết liên quan. Thế nhưng, thực trạng là mọi thứ vẫn trên giấy, trong khi cái mà người dân quan tâm là nhìn thấy hiệu quả thông qua một công trình cụ thể. 

Theo các đại biểu, những thành tựu mới đây mà TPHCM đạt được đã thu hút sự quan tâm, gây được thiện cảm của thế giới như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, kết quả điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh nhiễm SARS-CoV-2 hay nền y học tiến bộ với ca mổ tách rời cặp song sinh… Đó chính là một phần thành quả của đối ngoại nhân dân, là cơ sở để thúc đẩy phát triển du lịch. 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI