Đánh thức niềm đam mê đọc sách của học trò

06/09/2024 - 18:48

PNO - Không thể phủ nhận sự tiện ích của các thiết bị công nghệ số, nhưng học sinh nên khám phá ra vẻ đẹp của tri thức và sức ảnh hưởng to lớn của sách đến mọi khía cạnh cuộc sống.

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn, qua 11 năm đứng lớp, tôi có cơ hội giảng dạy các cuốn sách giáo khoa từ chương trình cũ 2006, đến chương trình mới 2018. Qua mỗi năm học, tôi nhận thấy vẫn còn một bộ phận học sinh chưa chịu khó đọc sách, kể cả những cuốn sách giáo khoa phục vụ cho việc học.

Thói quen không tốt ấy của học sinh vô tình làm hạn chế việc tiếp thu kiến thức trên lớp, còn về lâu dài có thể làm cho những bạn trẻ lười đọc sách và bỏ lỡ nguồn tri thức quan trọng do sách mang lại.

Trong công tác giảng dạy, chúng ta đều phải thừa nhận rằng, mỗi một bộ sách giáo khoa luôn có sức hút và vai trò nhất định đối với người học, nhất là trong việc học tốt môn Ngữ văn.

Sau mỗi tiết học trên lớp, tôi luôn dặn dò học sinh nên đọc bài trước ở nhà, nhất là các văn bản dài và khó. Có thể tranh thủ tìm hiểu qua các khái niệm, dạng bài tập trong phân môn tiếng Việt để thử làm bài. Việc dặn dò này có 2 mục đích.

Thứ nhất là giúp các em chiếm lĩnh được tri thức để chủ động học bài, tiếp thu bài ngay trên lớp trong tiết học tiếp theo. Thứ hai là gợi mở cho học sinh sự tìm tòi kiến thức không chỉ có trong sách giáo khoa mà có thể là sách bài tập, sách học tốt, sách tham khảo, sách nâng cao... Vì khi "chinh phục" được một mốc kiến thức mới sẽ giúp cho các em say mê và muốn tìm kiếm những cuốn sách có liên quan.

Học sinh chăm chú đọc thầm văn bản trong sách giáo khoa (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)
Học sinh chăm chú đọc thầm văn bản trong sách giáo khoa (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)

Đơn cử khi dạy những đoạn trích như "Lão Hạc", "Chí Phèo" của Nam Cao; hay truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lâm; tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố... đều gắn liền với giai đoạn lịch sử 1930 - 1945. Nghĩa là muốn cảm nhận trọn vẹn nội dung và ý nghĩa văn bản, học sinh có thể tìm đọc sách lịch sử có liên quan đến giai đoạn này để biết được sự thống khổ của người nông dân khi phải chịu "một cổ hai tròng". Hay như nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều tác phẩm văn chương với nỗi ám ảnh và sự thê lương.

Hay như khi đọc lần lượt 2 tác phẩm được xem là những "Bản tuyên ngôn độc lập" hùng hồn của đất nước ta là "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Những kiến thức về lịch sử, địa lí, quân sự như được đan cài trong cách dùng từ của mỗi tác giả. Vì vậy, để hiểu được trọn vẹn ý nghĩa và truyền tải được lòng tự hào dân tộc thì học sinh phải hiểu được truyền thống chống giặc ngoại xâm, tài thao lược quân sự của các vị anh hùng dân tộc trong quá khứ.

Và còn nhiều văn bản đặc sắc khác, mang hơi hướng thời đại cũng được đưa vào trong chương trình để tăng tính kết nối và đa dạng. Giúp người học có thể vận dụng những hiểu biết tích lũy được vào trong thực tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đủ để chứng minh rằng, mỗi cuốn sách giáo khoa được đưa vào trong nhà trường để giảng dạy không chỉ nhằm trang bị kiến thức một cách đơn lẻ, tách rời. Mà đó là cách "tích hợp dọc" trong chính bộ môn đó và với các môn học khác.

Học sinh đóng vai nhân vật để đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)
Học sinh "đóng vai" nhân vật để đọc văn bản trong sách giáo khoa (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)

Việc "đánh thức" niềm đam mê đọc sách trong học sinh vốn không hề dễ dàng khi các em có quá nhiều phương tiện giải trí khác để lấp đầy sự tò mò và hiếu kì theo từng lứa tuổi. Việc cầm một chiếc điện thoại thông minh để lướt hay một cú click chuột sẽ cho ra hàng loạt nội dung liên quan đến cuốn sách một cách nhanh gọn, dễ dàng và tương đối chính xác. Không thể phủ nhận sự tiện ích, nhanh chóng do các thiết bị công nghệ số hiện đại mang lại, nhưng để học sinh "khám phá" ra vẻ đẹp của tri thức và sức ảnh hưởng to lớn của sách đến mọi khía cạnh trong cuộc sống cũng nên được xem là một "hành trình", tuy khó khăn nhưng cần duy trì trong nhà trường.

Vậy thì, trách nhiệm của thầy cô khi lên lớp không chỉ truyền thụ tri thức một cách đơn thuần. Mà từ bộ môn của mình có thể khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê đọc sách ở lĩnh vực mình phụ trách. Và xa hơn, trong môi trường học đường, chính thầy cô cũng nên là một "tấm gương" sáng của việc ham đọc và chăm đọc sách. Để từ đó, học sinh sẽ tự quan sát, tự rèn luyện và tự hình thành nên một văn hóa đọc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lê Đức Bảo (Nha Trang)

Ý kiến của bạn về việc đọc sách và văn hoá đọc trong sống ra sao, xin chia sẻ cùng chúng tôi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI