Dành nhiều yêu thương nhưng đừng khiến trẻ sớm trở nên thực dụng

28/06/2023 - 05:48

PNO - Các bậc phụ huynh luôn cố gắng dành cho con những điều kiện tốt nhất để phát triển. Thế nhưng nhiều lúc, cách quan tâm, dạy dỗ có thể sai hướng và khiến đứa trẻ trở nên sớm thực dụng, trọng vật chất trong cuộc sống về sau.

Đừng đặt nặng vật chất

Gần đây, một đoạn video tại một trường mẫu giáo ở Trung Quốc ghi lại cảnh các bé gái hỏi đùa các bé trai về căn hộ, ô tô và tiền bạc đã gây ra tranh cãi lớn trên mạng xã hội. 

Cha mẹ nên dạy con từ nhỏ về quản lý chi tiêu, hiểu giá trị của sức lao động, xem trọng việc học hành và các giá trị tinh thần (ảnh minh họa)
Cha mẹ nên dạy con từ nhỏ về quản lý chi tiêu, hiểu giá trị của sức lao động, xem trọng việc học hành và các giá trị tinh thần (ảnh minh họa)

Trong video quay tại thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, một nhóm học sinh nữ đã hỏi 3 cậu bé: “Bạn có căn hộ không? Bạn có xe hơi không? Bạn có tiền không?”. Các cậu bé trả lời rằng cha của chúng sở hữu tất cả những thứ này, với câu thoại được lặp lại nhiều lần: “Cha tôi có tất cả”. Các bé gái tiếp tục hỏi: “Vậy bạn có gì?” và những bé trai trả lời: “Tôi có cha tôi”.

Người chia sẻ đoạn video cho biết, nội dung được quay bởi giáo viên và lan truyền trong một nhóm trò chuyện với phụ huynh, đồng thời bày tỏ sự lo lắng về ngôn từ cũng như giọng điệu của bọn trẻ. Một số bình luận trực tuyến cho rằng video này được tạo ra nhân Ngày của Cha nhằm đề cao những gì mà người đàn ông trong gia đình đem lại. Tuy nhiên nội dung của clip đã thu hút hơn 2 tỉ lượt xem, gây tranh cãi lớn.

Nhiều bình luận chỉ trích trường mẫu giáo và giáo viên, cho rằng bọn trẻ đang được dạy về cuộc sống thực dụng, quá trọng vật chất. Một người viết: “Có phải họ đang dạy con gái dựa dẫm vào những người đàn ông giàu có và con trai chỉ biết đến tài sản của cha mình hay không?”. Một người khác lo lắng: “Dường như những đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường của các giá trị sai lệch từ khi còn nhỏ”.

Dạy con trân trọng giá trị tinh thần

Hầu hết trẻ em tiếp cận thế giới vật chất với bản năng cơ bản là sự ham muốn và ganh đua. Nhìn chung, trẻ em luôn muốn sở hữu những món đồ mới nhất, thú vị nhất và đôi khi cha mẹ khó có thể từ chối. Một nghiên cứu của Đại học Missouri (Mỹ) cho thấy, việc những ông bố bà mẹ yêu cầu con cái thực hiện hành vi tốt để nhận phần thưởng hoặc thể hiện tình yêu thương bằng các món quà đã vô tình làm tăng khả năng trẻ lớn lên thành những người theo chủ nghĩa vật chất. Cách làm này có thể khiến chúng tin rằng của cải là dấu hiệu của sự thành công. Những món quà khiến trẻ dần hình thành cách đánh giá bản thân và mọi người dựa trên tài sản. 

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, mọi người cần tiền để sống và việc sở hữu mọi thứ không có hại nếu cá nhân có thể tách biệt việc theo đuổi tiền bạc, tài sản khỏi việc theo đuổi trải nghiệm và hình thành các mối quan hệ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người gắn của cải vật chất với thành công và địa vị có nhiều khả năng bị ám ảnh bởi những sự kiện đau buồn, trải qua trầm cảm, cô đơn và dễ gặp rắc rối với các mối quan hệ trong cuộc sống.

Theo chuyên trang về nuôi dạy trẻ Parents có trụ sở tại New York (Mỹ), thay vì tặng những món quà, phụ huynh nên nói chuyện, giúp trẻ nhận thức được tiền đến từ đâu, biết cách tiết kiệm và chi tiêu có ý thức. Việc chia sẻ với con về vấn đề tài chính có thể bắt đầu từ những khoản thu chi trong gia đình. Ngân hàng tiêu dùng Chase (Mỹ) đã khảo sát hơn 4.000 người trưởng thành vào năm 2021 và nhận thấy, hơn 70% cha mẹ ở Mỹ thường xuyên nói chuyện về tiền bạc với con cái, dạy chúng những điều cơ bản như tiết kiệm, đầu tư và sử dụng ngân hàng. Trong khi đó, 6/10 phụ huynh tại nước này cho con tiền tiêu vặt - hầu hết bắt đầu từ khi trẻ 8 tuổi. Khoản tiền này có tác dụng như một công cụ giảng dạy thực tế, buộc đứa trẻ phải lập ngân sách phù hợp theo nhu cầu của bản thân theo từng độ tuổi. 

Bên cạnh đó, phụ huynh phải trở thành hình mẫu để con trẻ noi theo. Nhiều thói quen xấu về tiền bạc mà trẻ em học được bắt nguồn từ cha mẹ.

Cô Teresa Britton - chủ trang web MomsWhoSave - giải thích: “Nếu đứa trẻ thấy cha mẹ thường xuyên mua những món đồ mới nhất, to nhất, đắt nhất và đánh giá người khác qua những gì họ sở hữu, nhãn hiệu trên quần áo hoặc loại xe họ lái, chúng có nhiều khả năng trở thành bản sao thực dụng của cha mẹ”. Vì vậy, phụ huynh cần cố gắng không sử dụng tiền hoặc quà tặng như một phần thưởng cho mọi hành vi tốt.

Cô Britton cho biết: “Sự động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần và thời gian ở bên nhau của gia đình là điều mọi đứa trẻ đều khao khát. Cha mẹ nên giúp con thấy rằng trải nghiệm và thời gian dành cho người thân quý giá hơn nhiều so với một món đồ chơi, cũng như có những điều quan trọng trong cuộc sống không thể mua được bằng tiền”. 

Ngọc Hạ (theo NBC News, Parents, Quartz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI