'Đánh nhanh' Syria, Tổng thống Trump khéo léo tránh Nga phản đòn

14/04/2018 - 14:30

PNO - Chiến sự Syria: Bên cạnh việc gửi thông điệp đến Tổng thống Assad, mục đích khiến Trump đưa ra quyết định tấn công Syria lần này là giữ khoảng cách với Nga và Iran, càng an toàn càng tốt.

Trong chiến sự Syria lần này, kế hoạch không kích do Mỹ dẫn đầu, cùng với Anh và Pháp, là cuộc tấn công chớp nhoáng và mạnh mẽ nhằm vào các mục tiêu ở Syria, được cho là liên quan đến vũ khí hóa học.

Đây là cuộc tấn công duy nhất nhằm tạo áp lực và sẽ kết thúc gọn gàng, trừ khi có thêm thông tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

Trước khi Tổng thống Trump chính thức ra lệnh tấn công Syria, nhiều suy đoán cho rằng đây là dấu hiệu của chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng rất may mắn, thực tế lại không như vậy.

'Danh nhanh' Syria, Tong thong Trump kheo leo tranh Nga phan don
Chiến sự Syria: Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria ngày 14/4/2018

Phải thừa nhận rằng cuộc tấn công mới đây nặng nề hơn nhiều so với đợt không kích của Mỹ vào Syria cách đây một năm. Năm 2017, Mỹ phá hủy 20 phi cơ, tức khoảng 20% lực lượng không quân của quân đội Syria. Dù Mỹ bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk, nước này không dùng đến máy bay để giảm tối đa nguy cơ thiệt hại.

Trong cuộc tấn công mới đây, Mỹ thừa nhận sử dụng gấp đôi số vũ khí, cả tên lửa và máy bay, phù hợp với các mục tiêu được giới hạn là căn cứ không quân, cơ sở nghiên cứu và không gian lưu trữ được sử dụng để chuẩn bị tấn công hóa học.

Bên cạnh mục đích buộc phía Syria chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Trump vẫn giữ khoảng cách an toàn với Nga và Iran, tránh thu hút hai nước này tham chiến, khiến cuộc xung đột mở rộng.

Một mặt, Nga nhiều lần nói về khả năng trả đũa mạnh mẽ; mặt khác, Moscow cũng hy vọng tránh đụng độ như Washington.

Nếu Nga muốn tìm cách đáp trả, họ sẽ thực hiện thông qua hình thức chiến tranh hỗn hợp, một hành động có thể phủ nhận như tấn công không gian mạng thay vì xung đột công khai.

'Danh nhanh' Syria, Tong thong Trump kheo leo tranh Nga phan don
Lãnh đạo của một số nước liên quan trong cuộc tấn công Syria

Để tránh xung đột xảy ra, phía Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga về việc sử dụng đường bay cho cuộc tấn công, chứ không tấn công vào đường bay.

Như ông Trump đã chỉ ra trước cuộc tấn công vào thị trấn Douma, Syria, mục đích của Mỹ tại Syria là rời khỏi nơi đây ngay sau khi phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) hoàn toàn sụp đổ. Vụ tấn công không thay đổi điều đó, và cũng không phải là nỗ lực thay đổi chế độ.

Dinh Tổng thống Syria, tọa lạc ở một ngọn đồi cao phía trên Damascus, thậm chí không được liệt vào danh sách mục tiêu. Đợt không kích lần này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến Tổng thống Assad như hồi năm ngoái.

Mỹ, Anh và Pháp dường như đã hoàn thành sứ mệnh mà không chịu nhiều tổn hại. Tuy nhiên, hệ thống phòng không khá phức tạp mà Nga đã trang bị cho chiến sự Syria cũng rất "đáng gờm".

Nhóm phi cơ chiến đấu trong đợt không kích rạng sáng 14/4/2018 không bị tấn công dù là trên không trung hay từ mặt đất, nhưng đều bỏ lỡ mục tiêu.

'Danh nhanh' Syria, Tong thong Trump kheo leo tranh Nga phan don
Bầu trời Damascus rực sáng khi tên lửa Mỹ nhắm vào các mục tiêu khác nhau trong thủ đô Syria.

Một nguy hiểm tiềm ẩn nữa đến từ việc tấn công vũ khí hóa học hay vô tình giải phóng các chất độc hại. Các chuyên gia vũ khí hóa học của Anh không quá lo ngại về điều này, do tỷ lệ xảy ra thấp, và vũ khí hóa học thường nổ chứ không phân tán.

Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia vũ khí hoá học, trưởng nhóm phản ứng vũ khí hóa học của Anh Quốc và Nato, nói: "Cách tốt nhất để phá hủy vũ khí hóa học là làm chúng nổ".

Nguy cơ thứ ba là tỷ lệ thương vong dân sự cao do kế hoạch tác chiến không hoàn hảo. Mặc dù quân đội Hoa Kỳ và Anh chắc nịch về sự chính xác và thông minh của tên lửa hiện đại, sai lầm vẫn xảy ra.

Trong cuộc chiến Iraq năm 1991, hầm trú bom al-Amiriyah bị tấn công, giết chết hơn 400 dân thường. Năm 1999, Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade sụp đổ vì bị trúng bom.

Trong nỗ lực hạn chế thương vong dân sự cũng như tránh né Nga và Iran, các nhà hoạch định Mỹ, Anh và Pháp đã chọn các mục tiêu đủ xa và an toàn.

Dù không thể phủ nhận mức độ nghiêm trọng tăng cao của cuộc tấn công năm nay so với xung đột năm ngoái, nhưng suy đoán thế giới đang trên bờ vực xung đột toàn cầu là vô căn cứ, cho đến thời điểm này. 

Ngọc Anh (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI