Trong số thuốc này có thuốc vốn được chỉ định sai tràn lan ở các BV tuyến dưới và có thuốc phải rút khỏi thị trường do không dành cho người!
Quy định thiếu chặt chẽ, bệnh nhân lãnh đủ
Phản ánh đến báo Phụ Nữ, bà L.T.H., 64 tuổi (nhà ở Q.1) cho biết trước đây bà đi khám bệnh diện BHYT ở BV quận đều được bác sĩ (BS) kê thuốc điều trị loãng xương Aronatboston plus. Nhưng đầu năm nay, BS không còn cho thuốc này nữa và giải thích những trường hợp nghi loãng xương đều phải chuyển lên tuyến trên, chứ BV không đủ khả năng chẩn đoán.
BS Lê Vĩnh Hoàng - Giám đốc BV Q.1 khẳng định, hiện các loại thuốc điều trị loãng xương chứa hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (vitamin D3) chỉ được BHYT cho phép sử dụng từ BV hạng 1 trở lên. Các BV tuyến trên mới có máy X-quang hiện đại chụp chiếu chẩn đoán loãng xương, không thể dùng kỹ thuật siêu âm thông thường như trước. Với kết quả từ máy X-quang, BS mới đủ cơ sở khảo sát mật độ xương toàn bộ cơ thể và đánh giá tỷ số loãng xương. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân (BN) bằng thuốc Alendronat natri + vitamin D3 phải đúng phác đồ, khả năng của hạng BV, chứ không sử dụng đại trà.
BS Lê Vĩnh Hoàng cho rằng, các BV tuyến quận/huyện cho người bệnh uống thuốc điều trị loãng xương với hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (trong đó có thuốc Aronatboston plus - PV) là sai. Kể từ đầu năm nay, BHYT chỉ thanh toán thuốc này dạng uống khi điều trị loãng xương tại khoa Cơ Xương khớp ở BV hạng 1 trở lên. Gặp những ca cần chẩn đoán loãng xương và uống thuốc này, BV đều chuyển lên các BV tuyến trên như BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định… BS Hoàng cho biết, với những BN mà trước đây BV Q.1 đã lỡ kê toa mà BHYT không thanh toán thì chi phí đó BV tự gánh.
|
Bệnh viện hạng 2 trở xuống sẽ không được kê thuốc loãng xương chứa hoạt chất Alendronat cho bệnh nhân BHYT |
Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc điều trị loãng xương chứa hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (vitamin D3) được sử dụng rộng rãi ở các BV quận/huyện, trước khi bị cấm vào đầu năm 2016.
Trong khi đó, TS-BS Võ Tấn Đức - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Đại học Y Dược TP.HCM phân tích: để chẩn đoán bệnh loãng xương, ngoài các yếu tố lâm sàng (giới tính, tuổi, các bệnh nền và các yếu tố nguy cơ kèm theo), xét nghiệm máu, nước tiểu (đánh giá chu trình chuyển hóa xương); thì cần có các kỹ thuật đo lường mật độ xương hay đo độ khoáng xương. Ở các nước đang phát triển, các BS thường đo bằng máy siêu âm để ghi nhận độ đàn hồi, khối chất khoáng trong xương. Kỹ thuật này đo ở xương gót chân hay xương cổ tay, ngón tay nhưng độ chính xác không cao.
Vì vậy, đo loãng xương bằng máy siêu âm chưa được các hiệp hội loãng xương, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng. TS-BS Võ Tấn Đức cho biết: “Tại Việt Nam, các BV từ hạng 1 trở lên đã sử dụng máy đo độ hấp thụ tia X năng lượng kép. Loại máy này được xem là tiêu chuẩn vàng để đo lường mật độ khoáng xương với độ chính xác 96-98% và được các hiệp hội loãng xương, Tổ chức Y tế Thế giới tin dùng. Loại máy này có giá thành đắt hơn từ 5 đến trên 10 lần so với máy đo bằng sóng siêu âm thường dùng. Ngoài ra, các BV tuyến dưới thường ít có đủ BS và người đo chuyên về loãng xương. Việc điều trị loãng xương và cho BN uống thuốc Alendronat natri + vitamin D3 cần phải theo dõi sát”.
Một dược sĩ trường Đại học Y Dược TP.HCM lo ngại rằng, lẽ ra ngay từ đầu, Bộ Y tế phải quy định chẩn đoán loãng xương bằng máy đo độ hấp thụ tia X năng lượng kép trong phác đồ. Đặt trường hợp, nếu BN không bị loãng xương nhưng các BV hạng 2, hạng 3 chẩn đoán sai vì đo bằng máy siêu âm không chính xác thì rất nguy hiểm, nhất là những BN bị viêm gan. Y khoa đã ghi nhận một số trường hợp người bệnh bị viêm thực quản, loét thực quản, chảy máu thực quản khi điều trị thuốc loãng xương này. Nhiều BS cũng chưa hiểu ý của Bộ Y tế khi hiện nay, các BV hạng 2 trở xuống không được dùng thuốc Alendronat nhưng lại được dùng thuốc Risedronat; trong khi cả hai cùng thuộc một nhóm thuốc điều trị loãng xương và hai hoạt chất này tương đồng về hiệu quả cũng như mức độ cần thiết và tính an toàn.
Uống thuốc không dành cho người?
Đầu năm 2016, BS Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc BHXH TP.HCM gửi công văn đến các BV thông báo ngừng thanh toán BHYT đối với thuốc nhỏ mắt Gatifloxacin vì loại thuốc này bị Bộ Y tế thu hồi. Ông Trương Quốc Cường - Cục Quản lý dược, Bộ Y tế lý giải: hoạt chất Gatifloxacin có trong thuốc nhỏ mắt được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Tại Việt Nam, thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Gatifloxacin có tên thương mại là Zymar. Mỗi lọ thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Gatifloxacin với hàm lượng 3mg/ml. Thuốc Zymar do Công ty Allergan Sales, LLC của Mỹ sản xuất. Trong nước, Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 ở TP.HCM cũng sản xuất thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Gatifloxacin 15mg/5ml, với tên gọi Eftigati.
Theo các dược sĩ, Gatifloxacin là hoạt chất dùng để sản xuất thuốc kháng sinh, thuộc thế hệ mới nhất trong dòng kháng sinh quinolone hiện nay. Lúc đầu, thuốc Gatifloxacin được Công ty dược phẩm Kyorin (Nhật Bản) sản xuất dạng viên, tiêm và uống, với tên thương mại rất nổi tiếng là Tequin. Loại thuốc này dùng điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiểu. Năm 1996, thuốc Tequin được nhượng quyền lại cho Công ty Bristol-Myers Squibb của Mỹ. Vào tháng 12/1999, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận và cấp phép cho các loại thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin được lưu hành. Trong đó, Công ty Bristol-Myers Squibb (BMS) có loại thuốc viên, thuốc tiêm, hỗn dịch uống và Công ty Allergan Sales, LLC có thuốc nhỏ mắt Zymar/Zymaxid.
Sau bảy năm sử dụng, đến ngày 15/2/2006, Công ty Bristol Myers Squibb đã công bố những cảnh báo mới cho người bệnh dùng thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin. Người bệnh lớn tuổi, suy giảm chức năng thận khi uống thuốc sẽ dễ bị tăng và hạ đường huyết, nguy hiểm nhất là BN tiểu đường. Công ty này cũng tuyên bố kế hoạch ngưng bán thuốc Tequin vào tháng 5/2006.
Thế nhưng, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Mỹ đã đưa ra nhiều bằng chứng nguy hiểm hơn của thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin. Một nghiên cứu y khoa được công bố vào tháng 3/2006 cho thấy, BN dù không bị tiểu đường cũng bị tăng đường huyết gấp 17 lần hoặc hạ đường huyết bố n lần sau khi uống Gatifloxacin. Trong thời gian từ năm 2000 đến giữa năm 2005 đã có 388 ca bị rối loạn đường huyết và trên 20 các báo cáo có liên quan đến BN tử vong. Do đó, những cảnh báo được Công ty Bristol Myers Squibb đưa ra là không đủ.
Vì vậy, đến đầu tháng 5/2006, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Mỹ đã đề nghị FDA cấm lưu hành thuốc Tequin thay vì ngưng bán theo lộ trình do Công ty Bristol Myers Squibb đưa ra để cho sử dụng hết số lượng thuốc còn lại. Nhưng đến tháng 6/2006, các lô sản phẩm của Tequin mới hết lưu hành trên thị trường và các mặt hàng thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin của hãng Bristol Mayer Squibb đã rút khỏi thị trường toàn cầu. Năm 2008, FDA cũng không cho phép thuốc chứa Gatifloxacin lưu hành tại Mỹ của Công ty Bristol Myers Squibb. Ở Việt Nam, thuốc Tequin cũng bị cấm lưu hành sau khi FDA công bố thông tin.
Trước nguy hiểm của hoạt chất Gatifloxacin, năm 2011, Bộ Y tế & phúc lợi gia đình Ấn Độ đã ra quy định cấm lưu hành, sản xuất, mua bán, phân phối hoạt chất Gatifloxacin do tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Anh quốc cũng cấm sử dụng loại hoạt chất này. Theo các chuyên gia dược học, tác dụng của thuốc còn phụ thuộc vào chủng tộc. Tuy nhiên, mỗi hoạt chất ngoài sản xuất cho người thì còn có thể được nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho động vật; vì vậy hoạt chất Gatifloxacin có thể vẫn được phép nhập khẩu phục vụ cho... ngành thú y.
Trước khi Bộ Y tế tuyên bố cấm dùng Gatifloxacin cho người thì vào năm 2013-2014, thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất này đã trúng thầu dồn dập ở nhiều BV. Vì sao chuyện này lại xảy ra? Và vì sao đến năm 2016, loại thuốc có hoạt chất này mới bị cấm tại Việt Nam, sau các nước nhiều năm?
Văn Thanh