Nông sản phải đổ bỏ
Tại TP.Cần Thơ, nông dân thuộc Nông trường sông Hậu (H.Cờ Đỏ) có khoảng 240ha nhãn đang bước vào thời gian thu hoạch, sản lượng khoảng 1.600 tấn. Lãnh đạo nông trường cho biết, hiện nay các chợ đóng cửa không bán nhãn được, còn đưa vào hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích thì rất khó trong thời điểm này. Do tiêu thụ không được nên giá nhãn giảm mạnh. Cụ thể, thanh nhãn chỉ còn 25.000 đồng/kg, trong khi năm trước khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg.
Nhãn Ido còn 6.000 đồng/kg, so với năm trước 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Tại đây cũng có hơn 200ha chuối cấy mô, mỗi tuần thu hoạch được từ 15 - 20 tấn. Nhưng một tháng qua thương lái không đến mua, từng buồng chuối chín rục tại vườn. Ngoài ra, hàng trăm tấn sữa thanh trùng được sản xuất tại nông trường cũng không tiêu thụ được.
|
Khâu vận tải ách tắc, thị trường tiêu thụ khó… khiến nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long bị ùn ứ - ẢNH: TỪ NHÂN |
Từ ngày 20/7 - 15/9, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch gần 3.000ha rau củ quả, sản lượng 31.622 tấn, trong khi nhu cầu trong tỉnh chỉ khoảng 40% sản lượng. Tỉnh cũng có khoảng 173ha nhãn, sản lượng dự kiến 1.557 tấn, do khó tiêu thụ nên giá nhãn giảm từ 30 - 50% so với năm trước.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Tháp, nhãn cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Theo một số nông dân ở H.Châu Thành, chưa bao giờ nhãn rớt giá thê thảm như năm nay, hiện chỉ còn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg nhãn thường, 15.000 đồng/kg nhãn Thái. Theo UBND H.Châu Thành, sản lượng nhãn thu hoạch của huyện khoảng 11.500 tấn. Trước mắt, trong tháng Bảy - Tám này, cần tìm đầu ra gấp cho 5.000 tấn nhãn.
Bộ Công thương đề xuất dùng danh mục hàng hóa 'cấm lưu thông' thay 'hàng hóa thiết yếu'
Chiều ngày 27/7, Bộ Công thương có công văn hỏa tốc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu”.
Theo Bộ Công thương, dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa.
Nếu đề xuất được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông (hoặc hạn chế lưu thông) theo quy định của pháp luật. Các hàng hóa, dịch vụ không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
|
Sau gần hai ngày gửi đơn cầu cứu lên Sở Công thương tỉnh Đồng Nai vì 150ha chuối với sản lượng 1.500 - 2.000 tấn vào kỳ chín rộ trên vườn nhưng không có nhân công thu hoạch và vận chuyển, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát (tỉnh Đồng Nai), vẫn phải tiếp tục chờ. Ông Dũng cho hay, do tỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch nên công ty gặp vấn đề về phương tiện đi lại, thu hoạch, giao hàng… Hiện có khoảng 100 tấn chuối đã bị hư hỏng tại nhà máy. Mỗi ngày, trên các vườn có 80 - 100 tấn chuối đang chín thối, chưa kể số chuối công ty đem cho người dân xung quanh khoảng 20 tấn nữa.
“Theo quy định, các xe vận chuyển giữa các tỉnh, như từ Đồng Nai qua Bình Dương phải có mã QR lưu thông, tuy nhiên đến sáng nay mã QR của công ty được cấp vẫn chưa được kích hoạt. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm công ty tôi sẽ thiệt hại nặng, thậm chí phá sản”, ông Dũng lo lắng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai mới đây đã chia sẻ danh sách gần 10 đơn vị là hợp tác xã, trang trại… cần được hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Các sản phẩm từ cá tra, điêu hồng, rô phi… đến chôm chôm, nhãn, rau xanh.
Khó khăn về nhân công, vận chuyển cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản, trái cây để xuất khẩu tại khu vực phía Nam “kẹt cứng”. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nêu cụ thể, để thu mua sầu riêng, cần nhân công có tay nghề, kinh nghiệm kiểm tra từng trái trên cây trước khi hái. Có khi thu mua tại tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk… công ty phải đưa nhân công từ tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đi. Nhưng bây giờ rất khó đưa người đi thu mua ở các tỉnh. Chưa kể, tại các vùng nguyên liệu gần như đều đang áp dụng quy định giãn cách, các bãi tập kết có rất ít nhân công bốc xếp, xử lý hàng hóa.
Đầu vào cũng vướng
Không chỉ gặp khó về đầu ra, việc duy trì sản xuất của nông dân cũng gặp khó. Anh Thành Dương (xã Hưng Mỹ, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết, tôm nuôi của anh và nhiều hộ khác tại xã đang bị bệnh. Do loại thuốc điều trị bệnh cho tôm tại địa phương không có nên thường anh phải đặt mua tại công ty ở TP.HCM. Ngày 26/7, anh liên hệ mua thuốc thì công ty cho biết đang tạm nghỉ bán vì sợ bị phạt do thuốc không được xem là mặt hàng thiết yếu. Anh Dương liên hệ nhiều công ty khác, cuối cùng cũng có một công ty chấp nhận bán nhưng với điều kiện phải tự đến nhận hàng.
“Tôi liên hệ nhà xe để gửi thuốc từ TPHCM về Trà Vinh thì nhà xe từ chối vì sợ đi đường bị phạt. Giờ tôi và một số hộ nuôi tôm khác đành bỏ mặc vuông tôm, chờ sau ngày 1/8 xem tình hình như thế nào”, anh Dương thở dài.
|
Các chợ đầu mối tại TPHCM phải đóng cửa khiến nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương phía Nam gặp khó. Ảnh: Quốc Thái. |
Anh Ngọc Khoa, chủ trang trại gà Ngọc Khoa tỉnh Đồng Nai, thông tin, các trang trại chăn nuôi gà hiện nay đều gặp khó khăn trong vận chuyển gà con, thức ăn chăn nuôi. Các chốt kiểm soát hiện chỉ giải quyết cho lưu thông các xe chở thuốc bảo vệ thực vật, không cho vận chuyển phân bón, phân gà từ chuồng trại thải ra. Các trang trại chăn nuôi không vận chuyển chất thải đến nhà máy sản xuất phân bón được, nông dân thì không có phân bón để trồng trọt. “Thực phẩm quan trọng nhưng đó là cái ngọn. Hiện, chúng ta chỉ giải quyết được cái ngọn mà bỏ rơi cái gốc là chăn nuôi sản xuất”, vị này nói.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chia sẻ: “Đang có vấn đề là mỗi tỉnh có mỗi cách hiểu khác nhau về sản phẩm thiết yếu, dẫn đến việc thực thi không đồng bộ khiến việc vận chuyển vật tư nông nghiệp khó khăn. Chẳng hạn, chở cám cho heo, gà ăn thì cho nhưng tỉnh này sang tỉnh kia buộc phải sang xe, trong khi xe chở cám là xe chuyên dụng. Các loại thuốc thú y, gà con thì bị xem là không thiết yếu. Thậm chí, xe trên đường đến trang trại để vận chuyển gà không được qua trạm vì trên xe không có gà. Mặc dù sau đó, Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ, tình hình vận chuyển vật tư nông nghiệp được khơi thông hơn trước. Nhưng hiện nay vẫn còn cảnh cán bộ thích thì cho đi, không thích thì thôi; chốt ở tỉnh này cho đi nhưng chốt ở tỉnh khác lại không”.
Hiện, tại khu vực Đông Nam bộ, nguồn cung gà, heo đang dư thừa. Đáng lẽ gà, heo phải được xuất chuồng cách đây nửa tháng nhưng do nhà máy giết mổ đang đóng cửa, giảm công suất hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm, khó khăn trong vận chuyển… dẫn đến gà heo bị ứ đọng, người dân không thể đầu tư nuôi tiếp lứa mới, có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở đường dây nóng xử lý vướng mắc
Tại buổi họp báo ngày 26/7 của Tổ công tác về chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ công tác 970), đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, bộ sẽ thiết lập đường dây nóng với bốn số điện thoại hoạt động 24/7 để xử lý các vướng mắc về tình hình sản xuất, tiêu thụ tại các địa phương phía Nam. Bộ đã chỉ đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phối hợp DN vận động nhân công trở lại làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn về dịch bệnh, xét nghiệm COVID-19…
Sáng 26/7, bộ đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp có giải pháp tiêu thụ nhãn cho hai tỉnh có sản lượng lớn là Đồng Tháp và Sóc Trăng. Chiều cùng ngày, kênh xúc tiến thương mại kinh doanh online giúp tiêu thụ nông sản, trái cây của các tỉnh, thành phía Nam cũng được kích hoạt. Được biết hiện có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm như rau củ, trái cây, thủy hải sản… đăng ký với Tổ công tác 970. Tổ cũng đã tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và DN thu mua.
Lập Tổ phản ứng nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải
UBND tỉnh An Giang đã đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản trên địa bàn không bị đứt gãy. Đồng thời, thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan tình hình vận chuyển, thu hoạch tiêu thụ nông sản. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc và đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch.
Ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện cơ quan này đã chuẩn bị hàng chục xe tải vận chuyển nông sản, hàng hóa cho nông dân. Việc vận chuyển đường thủy cũng đã triển khai, chủ yếu là hàng hóa kích thước lớn. “Luồng xanh” đường bộ hiện đã thông thoáng, các mặt hàng rau củ quả vận chuyển bằng xe tải 5 - 7 tấn đi rất nhanh, thuận tiện.
Tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 50 phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất - kinh doanh được TP.HCM cấp thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh”, có QR code. Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được vận chuyển đến TPHCM.
TP Cần Thơ cũng đã có mã QR cho 751 phương tiện để lưu thông vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch của các tỉnh và tại địa phương.
|
Quốc Thái - Thanh Hoa - Từ Nhân