Dành không gian, tăng thời gian cho kinh tế đêm

12/08/2023 - 06:35

PNO - Báo Phụ nữ TPHCM ghi nhận ý kiến của đại diện chính quyền, doanh nghiệp, chuyên gia về cách thức, giải pháp phát triển kinh tế ban đêm.


Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng: Giờ hoạt động tác động nhiều đến kinh tế đêm
Các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm ở TP Đà Nẵng hiện nay rất tốt, đáp ứng hầu hết nhu cầu của du khách. Đà Nẵng có chợ đêm, phố đi bộ, show diễn, trò chơi, có hoạt động trên sông. Nhìn chung, Đà Nẵng đã hình thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch đêm. Tất nhiên, sẽ vẫn cần nhiều hoạt động để chúng phong phú hơn. UBND thành phố đã có chủ trương và các doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia. Hạn chế lớn hiện nay là thời gian đóng cửa, mở cửa các dịch vụ đêm vẫn đang bị giới hạn. Nhiều khu, điểm chỉ được mở cửa tối đa đến 1g sáng.

Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên toàn thành phố ước đạt 12.986 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 5.420 tỉ đồng, lĩnh vực ăn uống đạt 7.566 tỉ đồng. Bên cạnh sự phục hồi tích cực của hoạt động du lịch, doanh thu nhiều nhóm dịch vụ tiêu dùng khác như vui chơi, giải trí, karaoke, mát xa, spa, quán bar, dịch vụ làm đẹp… cũng đang có xu hướng tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu ước đạt 17.740 tỉ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An: Hội An cần không gian riêng cho kinh tế đêm

Lâu nay, TP Hội An cũng có làm kinh tế đêm (KTĐ) nhưng chưa hiệu quả. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ thúc đẩy KTĐ một cách cẩn trọng nhưng không chậm chạp với việc hình thành các khu vực KTĐ theo từng chủ đề, phù hợp với sắc thái của Hội An.

Theo đó, UBND TP Hội An sẽ sắp xếp lại không gian khu phố cổ, dịch chuyển chợ đêm ở đường Công Nữ Ngọc Hoa sang đường Đào Duy Từ - nơi có nhiều khách sạn lớn, phù hợp hơn cho khách bộ hành. Ngoài khu phố cổ, chính quyền thành phố đã giao các cơ quan chuẩn bị trình đề án phát triển KTĐ ở khu vực biển Tân Thành và dọc theo sông Đế Võng - nơi có hệ thống công viên công cộng từ cầu An Bàng xuống Cửa Đại.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế: Xóa định kiến về kinh tế đêm

Nói đến KTĐ, nhiều người vẫn nghĩ đến các hoạt động có thể không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt. Một số người sợ phát triển KTĐ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, không quản lý được. Đặc biệt ở Huế, các yêu cầu về tính chuẩn mực chính là trở lực khiến các dịch vụ luôn phải đóng cửa sớm. Do đó, cần có kế hoạch, chiến dịch truyền thông để tạo sự thay đổi trong nhận thức, để mọi người có cái nhìn, cách nghĩ thoáng hơn về kinh tế ban đêm.

Ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng (tỉnh Thừa Thiên - Huế): Vẫn còn những quy định kìm kẹp kinh tế đêm

Thực tế, vẫn còn những quan điểm khác nhau về xây dựng, phát triển sản phẩm KTĐ. Theo nguyên lý phát triển, sản phẩm, dịch vụ phải hình thành trước, rồi mới quảng bá, thu hút khách. Trong đó, Nhà nước cần tạo ra sân chơi, hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Hiện vẫn còn những quy định kìm kẹp KTĐ. Chẳng hạn, một số hoạt động không được phép diễn ra sau 24g. Để KTĐ phát triển, cần cho phép dịch vụ hoạt động xuyên đêm, đến 6g sáng hôm sau.

Kinh tế ban đêm sẽ bao gồm các dịch vụ ở phố đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, câu lạc bộ, hộp đêm, các buổi biểu diễn nhạc sống, các hình thức giải trí. Đồng thời, các sản phẩm du lịch cũng cần gắn với cố đô văn hóa, di sản.

Đình Dũng - Thuận Hóa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI