Đánh học sinh vì 'đòn đau nhớ đời': Tôi đã sai!

23/05/2019 - 07:00

PNO - Một lần, tôi bắt gặp ánh mắt sợ hãi lẫn trong tiếng khóc học sinh khi bị đánh, tôi mới tự hỏi: “Liệu tôi đã làm đúng? Có cách nào tốt hơn không?”

Hồi còn đi học, tuy không phải chịu những trận đòn “thừa sống thiếu chết” nhưng tôi không tránh khỏi những lằn roi hay cái bạt tai bất ngờ từ ba mẹ bởi những sai quấy của mình. Đến khi trưởng thành và trở thành giáo viên, tôi tiếp tục dùng cách ba mẹ đã dạy để giáo dục học sinh của mình vì nghĩ rằng nhờ sự nghiêm khắc đó mà tôi đã nên người.

Danh hoc sinh vi 'don dau nho doi': Toi da sai!
 

“Bạn A quên vở bài tập lần thứ hai rồi, cô khẽ hai cái. Lần sau nếu tiếp tục quên, cô sẽ tăng lên gấp đôi nghe chưa?”. “Tại sao em đánh bạn? Lỗi này rất nặng. Cô đánh em năm roi, giơ tay ra đây!”… Bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên khác nghĩ rằng làm như vậy sẽ mang lại hiệu quả, vì “đòn đau nhớ đời”. Chỉ khi đau các em mới biết sợ, mới nhớ lâu. Đến một lần, tôi bắt gặp ánh mắt sợ hãi lẫn trong tiếng khóc học sinh khi bị đánh, tôi mới tự hỏi: “Liệu tôi đã làm đúng? Có cách nào tốt hơn không?”

Sau ngày đó, tôi bắt đầu nghĩ đến việc cùng với học sinh viết nên những thỏa thuận giữa thầy với trò. Và bảng “Nội quy” của riêng lớp tôi được thống nhất với những quy định như sau:

  1. Biết lắng nghe khi cô hay bạn nói
  2. Chờ đến lượt của mình
  3. Giơ tay khi cần phát biểu
  4. Luôn chú ý âm lượng để tránh gây ồn ào cho lớp
  5. Phải luôn dọn dẹp sau các hoạt động.

Mất hết một tiết học để tôi cùng các học sinh xây dựng nên bảng nội quy của riêng lớp mình và mất thêm nhiều tiết học sau đó nữa để tôi giải thích, điều chỉnh hành vi các em sao cho phù hợp với những thỏa thuận đã nêu ra. Điều đáng tự hào là, các em học sinh hiểu rõ nội dung từng nội quy cũng như tại sao mình cần tuân thủ những nội quy đó.

Nói như vậy không có nghĩa là lớp tôi không có học sinh vi phạm sau khi đã thống nhất với nhau những điều phải tuân thủ trong lớp học. Thế là tôi phải xây dựng một “lộ trình” xử lý vi phạm của các em. Đầu tiên là việc nhắc nhở, nặng hơn là phạt các em bằng cách tước đi những hoạt động thú vị như ra chơi, học vi tính, học vẽ, đọc truyện…

Song song với nhắc nhở và trách phạt, tôi không quên hai chữ “Trò chuyện - Thấu hiểu” bởi dù bất kỳ ở độ tuổi nào, các em cũng có nhu cầu lắng nghe và chia sẻ. Khi có được tình yêu và sự tôn trọng từ phía các em, một giáo viên mới có thể “cảm hóa” học sinh của mình.

Với những học sinh vi phạm quá nhiều lần hay vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như gây thương tích cho bạn hay ăn cắp… điều tôi làm là liên lạc với phụ huynh và nhờ sự giúp đỡ từ cấp quản lý của nhà trường. Cụ thể, khi một học sinh nam trong lớp đánh bạn chảy máu mũi, tôi đã báo với hiệu trưởng để có biện pháp xử lý tốt nhất. Sau khi tìm hiểu, hiệu trưởng đã đích thân gọi điện yêu cầu phụ huynh đến trường trao đổi trực tiếp, đồng thời đón con về nhà ngay sau đó. Những ngày sau, có thể học sinh sẽ tạm thời bị cấm đến trường, mục đích để gia đình có trách nhiệm trong việc giáo dục con cái.

Sau một thời gian không cần dùng roi vọt, tôi nhận thấy học sinh vẫn nghe lời, tôn trọng nội quy của lớp, ý thức hơn trong hành vi của mình. Kết quả đó tôi chẳng thể nào làm một mình được. Nhà trường luôn đứng đằng sau để hỗ trợ giáo viên.

Sự hỗ trợ đó có mặt trong mọi hoạt động của trường. Đầu mỗi năm học, trường tôi hay tổ chức buổi gặp mặt toàn khối với những màn hoạt cảnh nhỏ được dàn dựng nhằm dạy học sinh cách phân biệt rắc rồi nhỏ và rắc rối lớn, qua đó, hướng dẫn các em hướng xử lý, rắc rối nào có thể tự mình dàn xếp, rắc rồi nào nên báo thầy cô. Ngay cả giáo viên trong trường cũng thông qua những hoạt cảnh đó học cách xử lý tình huống của học sinh.

Tôi cũng rất biết ơn những phụ huynh luôn hợp tác với giáo viên bằng việc theo sát, nhắc nhở con cái. Lớp tôi có cô bé thông minh và học rất tốt. Nhưng chính điều đó khiến em ngày càng trở nên kiêu ngạo và tìm cách cô lập những bạn yếu hơn. Nhận thấy vấn đề, tôi viết thư báo cho phụ huynh về những hành vi của em, và chúng tôi trao đổi thường xuyên về cách nói chuyện cũng như những thay đổi của em. Một thời gian sau, em học sinh của tôi đã thay đổi rất nhiều. Vẫn là một cô học trò giỏi, cá tính nhưng em không còn bắt nạt và nói xấu bạn nữa.

Roi vọt chưa bao giờ là một phương pháp sư phạm và không đáng được khuyến khích. Nói cách khác, giáo viên không cần sử dụng roi vọt để răn đe hay dạy dỗ học trò. Tuy nhiên giáo viên không thể làm điều đó một mình. Giáo dục không roi vọt là kết quả của sự tương tác mật thiết giữa nhà trường (đại diện là Ban giám hiệu), giáo viên và phụ huynh.

Phạm Hồ Hoàng Điệp, giáo viên Trường Quốc tế Canada

Báo Phụ Nữ TP.HCM mở diễn đàn 'Bạo hành, xâm hại học đường: Chống được không?' để nghe ý kiến, tâm tư của phụ huynh, học sinh, giáo viên, nhà chuyên môn về vấn đề trên. 

Bài tham gia diễn đàn, xin gởi về e-mail: giaoduc@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI