Thiệt hại tinh thần không thể xác định
Chiều ngày 1/7, ông Phan Văn Khoa – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, ngay khi có hiện tượng cá chết xảy ra hàng loạt ở ven biển trên địa bàn, phía đơn vị đã phối hợp với các ban ngành chức năng khẩn trương tiến hành khảo sát. “Thiệt hại được chúng tôi tính toán dựa trên số tàu biển không ra khơi, thủy sản không nuôi trồng được… tỉnh Quảng Bình thiệt hại khoảng 2.300 tỷ đồng” – ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, số tiền này được tính trên cơ sở thiệt hại trực tiếp cho người dân trong 2 tháng (tháng 4/2015 – 5/2016) xảy ra hiện tượng cá chết. Còn tài nguyên sinh vật biển, môi trường biển bị ảnh hưởng thì chưa thể tính toán được. Bởi, cần có những cuộc khảo sát, lấy mẫu đánh giá cụ thể từ các nhà chuyên môn.
Ông Khoa nêu ví dụ: “Những thiệt hại không thể tính đếm như việc vợ của ngư dân lấy số cá chồng đánh bắt mà không bán được đành mang về, sẽ vừa tốn công vừa tốn của mà không thu lại được gì. Giá hải sản trong thời gian qua cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Hay như thiệt hại về tâm lý ngư dân, họ không dám ra biển nữa… Đây đều là những thiệt hại rất lớn nhưng lại không thể tính toán, đo lượng, cụ thể hóa bằng tiền để đòi phía Formosa bồi thường”.
|
Các tàu, thuyền nan, thuyền thúng, ngư cụ được bà con ngư dân xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng bình kéo lên bờ vào tháng 4/2016 (Ảnh: PLO). |
Hiện tại, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang đề xuất trước mắt hỗ trợ mỗi tàu của ngư dân được hỗ trợ từ 3 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, tính toán cụ thể để mỗi ngư dân sẽ được phát 15kg gạo/ tháng. Nhưng, ông Khoa nêu quan điểm: “Những hỗ trợ đó chỉ là vấn đề trước mắt, điều quan trọng nhất là các cơ quan Bộ ngành cần có hành động cụ thể để ngư dân có niềm tin tiếp tục ra khơi.
Như phía Bộ Y tế vào cuộc để khẳng định cá ở vùng biển miền Trung không nhiễm độc, dân ăn vào ảnh hưởng đến đâu, nguồn nước đã trở lại như cũ hay chưa? Từ đó, tạo tâm lý yên ổn trong lòng dân cả nước, các tỉnh khác cũng vì thế mà yên tâm tiêu thụ, kích thích giá hải sản tăng cao, ngư dân dựa vào đó mà hăng hái bám biển trở lại”.
Ngoài ra, chủ trương chuyển đồi ngành nghề cho ngư dân theo ông Khoa cũng không phải là giải pháp tối ưu. Bởi, người dân ven biển có kinh nghiệm lâu năm trong việc đánh bắt thủy hải sản. Bây giờ yêu cầu họ chuyển đổi sang ngành nghề khác thì là ngành gì? Liệu đã hiệu quả bằng nghề cũ?
“Đánh bắt hải sản đều là ngành nghề truyền thống của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Họ có mảnh đất cắm dùi ở đây, vững chãi rồi. Đời cụ, đời ông họ truyền lại nghề đánh bắt cho họ, chúng ta phải làm sao để họ yên tâm truyền lại nghề đánh bắt hải sản cho đời con, đời cháu nối dõi”, ông Khoa cho hay.
Ông Trần Văn Châu – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao – Du lịch Quảng Bình cũng cho biết, sự cố xả thải của nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt cũng làm ảnh hưởng nặng tới lĩnh vực du lịch của tỉnh.
“Tuy chưa có con số thiệt hại cụ thể nhưng bước đầu chúng tôi thống kê được lượng khách du lịch đến Quảng Bình trong 2 tháng xảy ra cá chết sụt giảm rõ rệt, đến bây giờ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Du khách vẫn còn tâm lý e ngại khi tắm ở biển Quảng Bình”, ông Châu nói.
|
Tâm lý ngư dân bị ảnh hưởng sau hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung. |
Khó đánh giá
Nói về phương án đánh giá đền bù thiệt hại cho ngư dân, ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế cho biết, đang rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại mà Nhà máy Formosa đã gây ra cho địa phương. Theo ông Hùng, việc xác định được thủ phạm gây ra hậu quả là điều đáng mừng nhưng việc thu thập chứng cứ sao cho khách quan, khoa học, phù hợp thực tế lại gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi xác định có 3 thiệt hại là kinh tế, xã hội và môi trường cần đánh giá. Thế nhưng việc đánh giá chính xác thiệt hại cả 3 vấn đề này đều rất khó. Chúng tôi so sánh 2 tháng xảy ra cá chết hàng loạt với 2 tháng trước đó, khảo sát có bao nhiêu ngư dân nằm bờ, từ những nơi đại lý buôn bán lớn cho đến nơi nhỏ lẻ. Không chỉ đánh bắt, nuôi trồng mà cả những ngành dịch vụ cũng bị liên quan. Việc khắc phục môi trường cũng không phải là khắc phục được ngay”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết, tỉnh Thừa Thiên – Huế có gần 6.000 hộ gia đình làm nghề đánh bắt hải sản với khoảng 30.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Nhưng mức thiệt hại như thế nào thì chưa thể công bố. “Có những mức thiệt hại cần có những nhà chuyên môn tham gia khảo sát đánh giá, như thiệt hại về tinh thần của người dân”, ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thông tin, hiện Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra. Hội đồng này có 18 thành viên, trong đó Phó chủ tịch UBND tỉnh - ông Dương Tất Thắng sẽ giữ vai trò Chủ tịch hội đồng. Các thành viên trong hội đồng này là lãnh đạo các Sở TN-MT, NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân.
Cũng trong chiều ngày 1/7, lãnh đạo Hà Tĩnh đã ký quyết định hỗ trợ ngư dân đóng tàu, cao nhất là 600 triệu đồng. Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hệ thống thông tin liên lạc cho tàu với giá trị tối đa 30 triệu/ tàu. Ngoài ra, những thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng trong đợt cá chết vừa qua sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Song Phương