Đánh giá gắt gao hơn, tỷ lệ học sinh giỏi khối 10 vẫn gia tăng

14/05/2023 - 17:24

PNO - Dù việc đánh giá học sinh Chương trình GDPT 2018 bậc THPT gắt gao hơn song kết quả đánh giá học sinh khối 10 năm học 2022-2023 ở nhiều trường THPT cho thấy tỷ lệ học sinh giỏi vẫn gia tăng…

Tỷ lệ học sinh giỏi gia tăng dù đánh giá gắt hơn

Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) vừa hoàn tất việc đánh giá học sinh khối 10 năm học 2022-2023. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh xuất sắc là 3,3%; giỏi là 38,7%, số còn lại là khá và đạt.

Thầy Võ Thanh Toàn - Phó hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức - đánh giá, so với khối 10 năm trước theo chương trình cũ, kết quả học sinh khối 10 năm nay học Chương trình GDPT 2018 là khá khả quan, thậm chí còn tăng hơn ở tỷ lệ học sinh giỏi. 

Tỷ lệ học sinh giỏi khối 10 ở nhiều trường THPT gia tăng dù việc đánh giá gắt gao hơn
Tỷ lệ học sinh giỏi khối 10 ở nhiều trường THPT gia tăng dù việc đánh giá gắt gao hơn

“Việc đánh giá học sinh trong chương trình mới có nhiều thay đổi. Cụ thể, để được công nhận là học sinh giỏi thì tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét học sinh phải được đánh giá mức Đạt, các môn còn lại có điểm trung bình môn học kỳ và cả năm từ 6,5 điểm trở lên. Trong đó, ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm từ 8 điểm trở lên. Rõ ràng việc đánh giá này thực chất hơn, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực tự học, tự rèn luyện nhiều hơn…”- thầy Toàn phân tích.

Kết thúc năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh khối 10 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) đạt học lực loại giỏi là 53,55%; 42,45% học lực khá; 3,61% học lực trung bình. So với kết quả năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh giỏi năm nay tăng trên 13%, học sinh trung bình giảm và không có học sinh có học lực yếu.

Từ thực tế giảng dạy và kết quả của học sinh, thầy Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên nhìn nhận, so với chương trình 2006, việc đánh giá học sinh ở chương trình mới có nhiều điểm khác biệt, tưởng như khắt khe hơn khi siết học lực học sinh giỏi trên cả 6 môn. Song chính việc đa dạng các hình thức đánh giá lại là cơ hội để các em phát huy được năng lực, học sinh dễ dàng lấy điểm hơn, với điều kiện các em phải có sự chủ động cao trong học tập…

Để về đích, giáo viên, học sinh phải cùng thay đổi

Nhìn nhận ở môn tiếng Anh, cô Lê Thị Xuân Vy - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Thủ Đức cho biết Chương trình GDPT 2018 đã phát triển rõ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nội dung cập nhật những kiến thức, thông tin mới mẻ nên mang đến sự hào hứng, thích thú cho học sinh trong quá trình học. 

“Chương trình mới đánh quá trình học, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh chứ không chỉ đơn thuần về điểm số. Với môn tiếng Anh, để đạt được học sinh giỏi cũng không quá khó bởi kiến thức rất gần gũi, đơn giản, chỉ cần các em tập trung học tập, siêng năng. Thế nhưng, để về đích được thì quan trọng học sinh phải có khả năng tự học, tự trang bị kiến thức qua hệ thống dạy học trực tuyến của trường, chứ không thể học bị động, thụ động…”- cô Xuân Vy nhìn nhận.

Tại Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú), thầy Trương Đình Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin, trong học kỳ 1 rõ ràng tỷ lệ học sinh giỏi ở khối 10 giảm hẳn một nửa so với năm học trước do việc đánh giá thay đổi. Thế nhưng, kết quả này đã có sự thay đổi, bứt phá trong học kỳ 2 khi học sinh dần thích nghi với việc đổi mới, học với sự chủ động hơn và thầy cô cũng điều chỉnh phương pháp giảng dạy…

Để về đích, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh cùng phải thay đổi
Để về đích, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh cùng phải thay đổi

“Việc chuyển giao 2 chương trình đã gây khó khăn, lúng túng cho học sinh trong giai đoạn đầu, tác động đến kết quả học tập của các em. Khi đã quen phương thức học, cách đánh giá quá trình, tiếp cận bài học với sự chủ động từ sách vở, từ hệ thống học trực tuyến, làm việc nhóm, thực hiện dự án… đã giúp học sinh thay đổi kết quả học tập dù chương trình đánh giá khắt khe hơn…” - thầy Hùng nhận định. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI