Giữ chồng cùng… 500 chị em
Tôi bắt đầu bài viết này bằng việc lên mạng, tra từ khóa “giật chồng” trên thanh tìm kiếm của facebook. Một thế giới rầm rộ những “vạch trần”, “bóc mẽ kẻ giật chồng” mở ra.
Tùy vào “nhân chứng, vật chứng”, các cô vợ hoặc đăng những thông tin mơ hồ để “nhờ chị em truy tìm tung tích em này giùm”, hoặc đăng trọn vẹn hình ảnh, thông tin cá nhân, ảnh chụp màn hình tin nhắn, thậm chí cả clip mây mưa của chồng với tình địch, kèm “bức xúc”, “căm hận”, “quyết sống mái một phen”...
Bên dưới những dòng trạng thái ấy là những hưởng ứng sục sôi. Nếu “chủ thớt” chỉ bức xúc vô hại, 500 chị em sẽ lập tức khuyên “mẹ nó hãy mạnh mẽ lên”, hoặc cuống quýt yêu cầu “bổ sung hồ sơ”: “hình ảnh, đường dẫn facebook của nó đâu?”, “mẹ nó ráng tìm đủ bằng chứng, trưng hết ra đây để chúng hết đường chối cãi nhé!”.
“Có kinh nghiệm hưởng ứng” hơn, có “mẹ” khuyên: “Mẹ nó xóa bớt những hình ảnh nhạy cảm kẻo bị kiện, nhưng phải cất giữ để lúc cần còn nhờ đến luật pháp”. Những cô vợ còn bán tín bán nghi đạo đức ông chồng chỉ đăng đàn vài dòng thông tin về tình địch cũng nhanh chóng có hàng chục “thánh bóc”, “siêu nhân tìm kiếm” nhiệt tình giúp truy lùng.
Thông tin cá nhân, hình ảnh, các tài khoản online của “kẻ giật chồng” nhanh chóng được tìm thấy. 500 chị em lại hăm hở kết nối, moi thông tin, tận dụng mọi phép logic học để liên kết, chắp nối, lật tung quá khứ và mổ xẻ cả gia đình, người thân của “kẻ giật chồng”. “Kẻ giật chồng” trở thành con mồi cho cộng đồng xâu xé. Những câu í ới: “các mẹ ơi”, “các mẹ nhìn mà xem…”, “các mẹ hãy cùng nhau…” khiến các bài viết “tố kẻ giật chồng” trở nên “ấm cúng”, “thân tình” và khí thế hơn bao giờ hết.
Chưa bao giờ việc đánh ghen lại dễ dàng đến vậy. Không cần dùng vũ lực, chẳng phải cất công tìm đến nhà rình rập, hay canh giờ ra đứng giữa chợ làng mà vừa động thủ, vừa la lớn; chỉ cần vài thao tác đơn giản, các cô vợ thời facebook đã có thể huy động hàng ngàn đồng minh, được hỗ trợ về cả tinh thần lẫn mưu lược. Và chỉ cần một cái nhấp chuột, “đội quân” ấy đã ồ ạt tiến công.
Thành công lớn nhất có thể kiểm chứng được của đợt “tổng tiến công” này là “loại bỏ kẻ giật chồng ra khỏi cộng đồng mạng”. Nhưng, sự kết thúc ấy lắm khi không đủ làm hả dạ cô vợ cùng 500 chị em online trong những “ca” đặc biệt nghiêm trọng. Từ những hô ứng bàn phím khí thế, các chị lại hùa nhau biến ảo thành thật, hẹn nhau “đánh ghen offline” để “diệt tận gốc cái thói giật chồng”.
Bung bét
Tôi từng chứng kiến một chị hàng rau cùng hàng chục đồng minh lạ mặt xông vào đánh đập cô hàng nước trong một buổi chợ. Trước đó, người ta thấy chị đăng trên trang facebook những lời nhục mạ “kẻ cướp chồng người”.
Nhưng câu chuyện trên facebook ngày càng cao trào với những bình luận, ủng hộ của những cái nick xa lạ. Đến khi cô vợ ra tay với sự yểm trợ của một nhóm chị em lạ mặt, ai cũng… ngã ngửa. Cuộc tấn công bất ngờ khiến cô hàng nước phải vào viện. Chị hàng rau mấy phen lên đồn công an lấy lời khai, nộp phạt vẫn một mực khẳng định: “Thà vào tù chứ không chịu im lặng để nó cướp chồng!”.
Chị hàng rau không vào tù, chồng chị không bỏ theo cô hàng nước, nhưng anh chồng trở thành một người lạnh nhạt, không trò chuyện, không lui tới chợ, chỉ quẩn quanh trồng trọt trong vườn.
Trong những lời hiếm hoi bật ra giữa cuộc nhậu với bạn, anh lý giải sự có mặt của mình trong căn nhà ấy là “vì con”, nhưng lại quá “sợ hãi hình ảnh người vợ”. Cuộc hôn nhân ấy đã bung bét từ cái ngày chị vợ mở cửa cho đám đông xa lạ và cuồng nộ ấy ùa vào.
Cuối cùng, tôi vẫn chưa hiểu, ngoài sự hả dạ thì những cuộc đánh ghen rầm rộ từ online đến offline mang lại điều gì cho người ”chủ mưu”?
Sự tổn thương mà cuộc tình vụng trộm mang lại là không thể phủ nhận. Nhưng, nếu tội lỗi của một người đàn ông ngoại tình là đem tình cảm vốn được cho là “độc quyền” của vợ chồng ra khỏi hôn nhân, mang một người thứ ba vào vòng tròn tình ái lẽ ra chỉ nên có hai người; thì người đàn bà có gì đúng đắn hơn, khi cô lôi tiếp câu chuyện ấy ra một nơi đông người hơn, để cả một đám đông hàng chục nghìn người xa lạ khác rầm rập bước vào chuyện vợ chồng? Không tính nỗi ê chề của ba nhân vật chính sau hàng loạt hình ảnh, hành động xấu xí, ngay cả con cái, cha mẹ của các nhân vật cũng dính chùm trong mặc cảm, bẽ bàng.
Không tình yêu thương nào tái sinh vì một lần “kinh hồn bạt vía”. “Lột trần” một người phụ nữ giữa thế giới mạng cũng không khác gì việc cạo đầu bôi vôi, diễu hành khắp làng, hay ấn dấu tội lỗi lên trán - những hành vi “man rợ” thuở nào. Tôi trở lại vài diễn đàn của chị em, nhiều bài viết đã trôi xa giữa rừng thông tin cập nhật từng phút.
Vài bình luận từng rất "hot" trên trang “Tâm sự Eva” cách đây vài hôm đã bị xóa hình ảnh. Nhưng, hệ lụy của những vạch trần chốc lát dài dặc hơn thời gian “nóng sốt” của bài viết nhiều. Nó như dấu thích trên trán, giữa vòng xoáy ngàn năm của “bia miệng”. Nhưng, quan trọng là, nó không nhằm vào điều gì tích cực hơn là sự hả dạ của một người đàn bà mặc cảm thua cuộc. Mà, hầu hết mọi tội ác trên đời này, chẳng phải đều đến từ ý muốn hả dạ vô độ của con người đó sao?
Minh Trâm
Việc công khai hình ảnh của tình địch lên mạng xã hội có thể vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh, được quy định cụ thể ở điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.