Đánh ghen thay mẹ

16/05/2015 - 12:33

PNO - PN - Bảy giờ tối, vừa nấu nướng xong xuôi, chị đang mệt mỏi ngồi chờ chồng về trong cơn đói cồn cào, thì nhận được điện thoại của chồng. Giọng anh gấp gáp: “Em chuẩn bị cho anh bộ quần áo, anh tạt qua nhà rồi về quê...

edf40wrjww2tblPage:Content

Danh ghen thay me

Anh phanh gấp xe trước cửa, chạy vào nhà, chẳng kịp ăn uống, vớ vội bộ quần áo rồi đi. Chị nghe anh nói vọng lại: “Lần này về, anh nhất định phải bắt tận tay day tận trán đôi gian phu dâm phụ”. Hóa ra là vậy, chị thở dài, tưởng tượng ra cảnh anh cùng mấy đứa em chồng đi rình rập đánh ghen thay mẹ. Đây không phải là lần đầu tiên, những lần trước, tuy việc “bắt quả tang” bất thành, nhưng cũng đủ phiền phức, muối mặt với dân làng. Anh nói, chuyện trong nhà cực chẳng đã mới phải vạch áo cho người xem lưng. Mà thật ra thì chuyện trăng hoa của bố chồng đã ngang nhiên công khai như thách thức suốt nhiều năm…

Hôm đầu tiên về ra mắt nhà chồng tương lai, chị đã nghe phong thanh chuyện bố chồng bồ bịch. Chị gặng hỏi nhưng anh cứ đánh trống lảng sang chuyện khác. Cưới nhau, còn chưa kịp dọn dẹp phông bạt, cửa nhà, thì bố mẹ chồng đã cãi nhau nảy lửa chỉ vì tiền bà đưa cho ông mua sắm đám cưới tính ra hao hụt rất nhiều, mà hỏi thì ông chối quẩn quanh.

Biết ông lại mang tiền đi cho gái, bà ức lắm. Nhân lúc các con còn ở nhà, bà nhất định phải làm cho ra nhẽ, chứ khi nhà không có ai, bà không dám nói nửa lời vì sợ ông đánh đập. Anh bẽ bàng với chị vì màn kịch gia đình đã cố giấu giếm lại bày ra quá sớm. Còn chị thì mơ hồ mường tượng ra những tháng ngày làm dâu ngột ngạt về sau. Anh thương mẹ vô điều kiện nên mỗi lần nhìn thấy vết bầm dập trên người bà là tức giận lồng lộn, y như rằng mấy bố con lại cãi nhau ầm ĩ, có lần thiếu chút nữa là phụ tử đánh nhau.

Chị từng khuyên anh tìm cách giải quyết rõ ràng và dứt khoát, nhưng chẳng ăn thua. Chị nói: “Anh em nhà anh không lo được vụ bồ bịch của bố thì để đấy em lo”. Chị về quê thuê thợ ngăn đôi nhà chồng, đồ đạc cũng chia đôi để hai ông bà sống kiểu ly thân. Rồi mỗi tháng chị chu cấp cho bố mẹ chồng mỗi người một khoản tiền chỉ đủ mua thức ăn, thuốc thang. Cũng có khi chị đặt sẵn đồ ăn ở ngoài hàng mà không cho tiền riêng, sợ bố chồng lại mang cho gái. Rồi để tự mỗi người lo cuộc sống của mình, không ảnh hưởng đến nhau, đỡ phải nhức đầu con cái. Nhưng được vài tháng thì lại đâu vào đấy…

Nhà có vườn hẳn hoi, nhưng cả hai ông bà đều không chỉn chu trồng trọt, chăn nuôi. Cỏ mọc vào tận sân không ai chịu xới. Nuôi con gì cũng sợ người này làm, người kia hưởng. Cả hai còn trẻ khỏe nhưng suốt ngày quanh quẩn hàng xóm nói xấu nhau, gây sự với nhau. Đến bữa nhiều khi cũng chẳng buồn cắm cơm, bà thì đi đâu ăn đấy. Còn ông thì đã có người tình lo cơm rượu đoàng hoàng. Con cái về nhìn xung quanh nhà trông chẳng khác gì nhà hoang.

Cơm trong nồi mốc xanh mốc đỏ, giàn bát để bụi bặm, chiếu chăn hôi hám. Lục thùng gạo, gạo hết. Bật bếp ga, ga hết. Đến bát hương trên bàn thờ gió thổi rụng tàn vung vãi cũng không ai dọn. Ngày rằm, mồng một chẳng ai cắm cho tổ tiên lấy một nén hương. Đã vậy, nhà có gần mẫu đất, bố chồng xẻ ra bán dần. Tiền không đưa cho bà một đồng, con cháu cũng đừng hòng tơ hào một xu. Có bao nhiêu ông mang tiêu hết mà trong nhà vẫn trống không, chẳng thấy mua sắm gì thêm. Hỏi tiền đi đâu, ông bảo: “Đất của tao, tiền của tao. Tao muốn làm gì kệ tao, chúng mày có quyền gì mà hỏi han can thiệp”. Tất nhiên là các con phải tự hiểu rằng tiền ông đã mang cho gái hết.

Mà ông thì nào có trẻ trung gì. Đã hơn sáu mươi tuổi, đã lên chức ông, nhà con đàn cháu đống vậy mà mang gieo tiếng xấu khắp làng. Xa xôi thì còn có thể khuất mắt trông coi, đằng này cặp bồ với ngay ả hàng xóm góa chồng ở cách nhà ba bước chân. Ả này cũng thuộc dạng không vừa, bòn rút đến từng đồng còn ngang nhiên trêu tức con cháu người ta.

Danh ghen thay me

Dù chị và mấy đứa em chồng đã nhiều lần sang tận nhà vừa là khuyên nhủ vừa cảnh cáo, nhưng mụ ta đúng kiểu “vừa ăn cắp vừa la làng”, không coi ai ra gì. Mẹ chồng chị thì cam chịu, để người ta ăn được, chửi được, có chuyện gì cũng chỉ biết lôi con cái vào. Đến cả việc đánh ghen, có lần mẹ cũng gọi điện: “Mấy đứa về xử nó cho mẹ. Cứ thế này mẹ đau tim mà chết”. Mà các con thì đâu có ở gần, ai cũng có gia đình và cuộc sống riêng với bao cực nhọc. Lo miếng cơm manh áo còn è cổ mà không dám kêu ai. Ấy vậy mà cứ vài ba bữa lại thấy bà gọi về.

“Chả nhẽ lại cứ để thế mãi à? Anh phải làm cho ra ngô ra khoai, lành làm gáo, vỡ làm muôi. Nhục mặt thì cũng đã nhục lâu rồi”, mấy hôm trước, nghe anh nói vậy, chị chẳng dám khuyên can. Mà thực ra cũng chẳng biết khuyên can thế nào. Mẹ anh thì anh xót. Gia đình như vậy, bản thân anh cũng quá mệt mỏi. Mà nào đâu chỉ mỗi chuyện trăng hoa của bố. Vừa mới tháng trước, đứa em gái chồng nửa đêm đến tận nhà bấm chuông inh ỏi, mếu máo: “Anh ơi em khổ quá. Sống thế này thà chết quách cho xong”.

Hỏi ra mới biết em chồng bỏ tiền thuê một tòa nhà lớn rồi chia ra, cho thuê lại các phòng, kiếm tiền chênh lệch nuôi con. Bấy lâu nay, do sinh đẻ rồi bận chăm con nhỏ nên em để chồng quản lý thay. Ai ngờ, chồng dắt bồ về sống đoàng hoàng trong tòa nhà bao lâu mà không hay. Giờ cô bồ giờ chửa vượt mặt, đang nằm đấy ăn vạ, anh chồng thì về nhà đánh chửi vợ con. Lúc mấy anh em kéo đến “hỏi tội” cho ra nhẽ, còn bị bảo vệ tòa nhà tống cổ ra ngoài. Đúng là nhục không để đâu cho hết. Thương cháu, thương em thật đấy, nhưng vợ chồng chị vẫn khuyên cô em “thôi bỏ đi, đừng tiếc”.

Nào ngờ muốn bỏ cũng không bỏ được, cứ nhùng nhằng ngược xuôi. Thằng em rể thì đòi sống cảnh một chồng hai vợ, trong khi tiền nuôi con không đưa một đồng. Hôm họp gia đình, bố chồng không dám nói con rể câu nào. Thì cùng một giuộc, lên tiếng sao được. Chồng chị uất ức than: “Nhà này sinh đâu ra cái thói trăng hoa”. Trước mặt mọi người, chị chua xót quay sang bố chồng: “Bố nhìn con gái bố, có thấy xót không? Mẹ sống với bố cũng khổ y như vậy đấy”. Chị chưa kịp nói hết câu, bố chồng đã đá thúng đụng nia, chửi bới ầm nhà rồi đuổi các con đi. Hàng xóm lời ra tiếng vào: “Các cụ nói không sai, đúng là nhà dột từ nóc”. Chị nhìn chồng, thương anh tê tái.

Chị ngồi nhìn mâm cơm nguội ngắt, cơn đói cồn cào đã dịu đi nhiều. Giờ này không biết anh đi đến đâu, đường thì xa lại tối tăm. Gần hai trăm cây số với bao nhiêu bất trắc khiến chị thắt lòng. Anh chưa một hạt cơm vào bụng, một ngày làm việc cật lực ở bệnh viện tư đã vắt kiệt sức người. Chiều nay chị đã gắng đi làm về sớm qua chợ mua mớ cua về nấu canh cho anh. Tính ăn xong hai vợ chồng đi dạo cho thoải mái đầu óc, tiện thể mua sắm ít vật dụng trong nhà.

Vậy mà giờ này anh còn phải hớt hải lo những chuyện bồ bịch, ghen tuông của cha mẹ. Chị không biết lần đánh ghen thay mẹ này có mang lại kết quả gì không, hay cũng chỉ như những lần khác, vừa mất công vừa mang uất ức vào người. Mấy lần trước, ba anh em chồng cũng phi từ thành phố về, mất công phục kích rình rập ngoài bờ bụi, cuối cùng vẫn phải chịu thua một ả đàn bà mồm năm miệng mười, vừa điêu toa vừa liều lĩnh.

Cùng phận đàn bà, nhiều khi chị cũng thương xót mẹ chồng, nhưng mỗi lúc như thế này, chị lại trách bà nhu nhược. Đã không quản được chồng, không sống được với nhau thì chia tay đi. Ai sống cuộc đời người đó, việc gì phải đày đọa nhau cho khổ. Sao phải hết lần này đến lần khác lôi con cái vào những chuyện vốn chẳng hay ho gì...

 THANH BA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI