Đánh ghen - cuộc "rửa hận" giữa những người chồng, người vợ, người tình, thường có một điểm gặp gỡ chung: nạn nhân là đàn bà. Đàn ông ghen, thông thường là đánh vợ trước. Đàn bà bắt ghen cũng nhắm tới mục tiêu chà đạp người tình của chồng. Cứ nhìn những trận đòn ghen, từ kinh điển như Hoạn Thư, đến thô lỗ xé áo xé quần kéo lê trên mặt đường như các chị miệt vườn hiện đại; đến tổ chức có bài bản, phân công đâu ra đó như người chửi bới, người quay phim, người đánh, qua những clip đang gây chú ý trên mạng… có thể thấy: phần lớn người đánh là đàn bà, nạn nhân cũng là đàn bà.
Đáng lo là các trận đòn ghen đang có xu hướng ngày càng khốc liệt hơn, trận đòn sau dã man tàn bạo hơn trận đòn trước. Có phải xã hội đang hình thành một lối nghĩ, một cách giải quyết mâu thuẫn hôn nhân theo kiểu bạo lực, man rợ?
Những người đàn bà đánh ghen
Ghen là cảm xúc, là phản ứng của một cá nhân khi phát hiện chồng, vợ mình chia sẻ tình cảm cho người khác, khi đau đớn khổ sở vì bị phản bội. Cảm xúc ghen có điểm đặc biệt là rất dễ chia sẻ, dễ nhận được sự đồng cảm giữa những người đàn bà. Vậy mới có chuyện chị Bảy ghen chồng, là có thể rủ ngay được bà Tư, chị Sáu, bà Ba… cùng mình đi bắt ghen, đi “đánh dằn mặt” con nhỏ dám giựt chồng chị Bảy.
Chuyện của mình, mình ghen tức ghen tưởi đã đành, chuyện của người khác mình cũng ghen lồng ghen lộn theo. Cũng vì thế, nhìn vào một cuộc đánh ghen hội đồng, chưa chắc người ngoài nhận ra ai là “ghen chính chủ”. Nạn nhân thì quằn quại kêu khóc, van xin; các bà các chị thì ai cũng như ai, đều hùng hổ la hét, chửi bới, đánh, đẩy, nắm tóc, đá, đạp… Người đánh người, tàn bạo như thú vật, mà xét cho cùng thì người bị đánh nào có gây hại gì cho họ, chỉ là vì động chạm đến cái nỗi hờn ghen truyền kiếp trong lòng các bà, làm bùng lên ngọn lửa trên nắp thùng xăng đã mở sẵn, nên các bà “đánh hôi” mà còn tàn bạo hơn đánh thiệt, đánh cho đáng đời, cho bõ ghét...
Chuyện đánh ghen đang làm dư luận chú ý trên mạng còn hy hữu hơn: bắt quả tang con dâu với nhân tình, mẹ chồng đánh ghen thay con trai. Trong clip ấy (ảnh), người đàn bà được cho là mẹ chồng riết róng chửi bới, kể tội cô con dâu, tay lăm lăm điện thoại gọi thêm người. Vẫn hệt như những trận đòn tình phổ biến ở xứ mình: một phụ nữ bị một phụ nữ khác nhảy vào xâu xé, cào cấu, đạp vào chỗ hiểm...; nhưng vụ này mới hơn ở chỗ có chuẩn bị sẵn người quay clip tung lên mạng. Bất chấp danh dự của nạn nhân - cũng là con dâu của mình, đã đành, người đánh ghen còn bất chấp luôn cả việc gia đình mình có thể vì thế mà nhục nhã với bà con chòm xóm.
Đòn ghen tuy không tàn bạo, hóc hiểm bằng những trận đòn hội đồng khác, nhưng mức độ băng hoại các giá trị gia đình thì rất đáng báo động. Người ta dễ dàng thấy ngay, trong cơn ghen, dù là vợ chồng, mẹ con nhưng cũng không ai coi ai ra gì thì mới hành xử theo kiểu ấy.
Khi hôn nhân không còn tình cảm, cuộc sống chung trở thành địa ngục, cái vỏ gia đình dù được duy trì nhưng trong đó mỗi cá nhân đều bị ức chế, đều không hạnh phúc, đều chực chờ có cơ hội là cấu xé lẫn nhau. Bên này là cảm giác bị cầm tù, là uổng phí cuộc đời, có thể dẫn đến phản bội như một sự trả thù; bên kia là cảm giác hả hê khi bắt quả tang, khi làm nhục được người khác. Không khí gia đình ô nhiễm nặng, con cái bị đầu độc, hình thành kiểu hành xử coi thường, hạ nhục, đạp đổ, bất chấp tất cả miễn sao hả được cơn giận của mình.
Hạ cấp, tàn bạo
Kết cục nhân văn của cơn ghen tất yếu là đổ vỡ, ly hôn. Kết cục không nhân văn có thể còn bi thảm hơn: giết người, tạt axít… Thế nhưng gần như không người đàn bà nào nghĩ đến những điều đó trước khi xông vào túm lấy tình địch trong cơn loạn cuồng. Đánh ghen không hề mang lại kết cục khác. Đánh ghen chỉ làm tổn thương chính bản thân kẻ đánh người: mình bị biến thành kẻ tàn bạo, phi nhân tính; mình đã tự hạ mình xuống thành “con”, không còn là người. Ra tay đánh đập, cấu xé một người khác, tưởng là mình thắng nhưng thật ra là thua, là tổn thương trong lòng mỗi khi nhớ lại, là thấy mình cũng hạ cấp khi lao vào đồng loại như một con thú dữ, chà đạp lẫn nhau không thương tiếc.
Khi không còn tình yêu, không còn có thể tiếp tục gắn bó với nhau được nữa, sao không chọn giải pháp chia tay, mà cứ ở vậy chịu đựng, gây tổn thương cho nhau? Sai lầm của hôn nhân, nếu giải quyết bằng người thứ ba, bằng tình cảm bên ngoài, sẽ tạo ra chuỗi sai lầm càng lúc càng tệ hại hơn, lôi kéo thêm đông nạn nhân hơn, tàn phá cả những người lớn trong nhà lẫn những đứa trẻ vô tội.
Xét cho cùng, người đàn bà ngoại tình ôm đầu chịu đòn trong đoạn clip đánh ghen trên cũng có chỗ đáng thương, vì cô ta có một người chồng đã không giải quyết được rạch ròi chuyện gia đình, lại còn rình rập đánh ghen, còn ghi hình làm nhục vợ. Kiểu nhân cách dị dạng, không đáng mặt đàn ông ấy, cũng có thể là nguyên nhân cho bi kịch gia đình. Chỉ có điều, cô ta đã chọn cách xử lý sai.
Hôn nhân cũng như những câu chuyện khác, có thành có bại. Từ câu chuyện ghen tuông này, thấy người mình - cả người trẻ lẫn người không còn trẻ, vẫn xử lý khủng hoảng hôn nhân một cách thiếu văn hóa, thậm chí man rợ. Đa phần chúng ta từ hôn nhân, nhờ một cuộc hôn nhân hạnh phúc, êm đẹp mà trưởng thành, nhưng cách để đối phó với thất bại của hôn nhân thì… chưa mấy ai chuẩn bị cho mình. Vậy nên, đánh ghen vẫn cứ là trận ẩu đả phi nhân tính của những người thua mà không biết cách thua…
Hoàng Mai
Anh Hà Văn Đạo (TP. Nha Trang, Khánh Hòa): Nâng trách nhiệm lên, hạ phẫn nộ xuống
Duy trì quan hệ hôn nhân được hay không chính là từ tình nghĩa, trách nhiệm của mỗi người với nhau. Khi một trong hai đã xem thường trách nhiệm, xem thường việc soi chiếu vào nhau để cùng đóng góp vào hạnh phúc chung thì người đó dễ phát sinh tâm lý nhạt tình, chán ghét; dẫn đến sống giả dối, thậm chí ngoại tình. Nếu thấy người vợ chật vật “xây tổ ấm” thì người chồng cần tận tụy cùng vợ lo cho tương lai. Trong quá trình đó, cả hai phải biết chia sẻ thường xuyên để cùng nâng trách nhiệm của nhau. Có như vậy, nghĩa tình gắn kết, khó mà thay lòng được.
Nếu như đã không soi được vào nhau, không nâng trách nhiệm lên vì nhau, chỉ muốn chia tay thì tôi nghĩ người trong cuộc hãy chấm dứt trong êm đẹp, đó cũng là cách để lần xây dựng sau biết nhận ra những giá trị đích thực. Mọi cách trả thù, mọi sự manh động khi đã hết yêu thương không chỉ tự hạ thấp mình mà còn có thể vi phạm pháp luật, gây hậu quả nặng nề cho người thân và xã hội.
Chị Hà Thị Ngân (Duy Xuyên, Quảng Nam): Không nên giải quyết mâu thuẫn theo hướng “hả dạ tức thì”
Tôi rất sốc trước đoạn clip “mẹ chồng đánh ghen” con dâu. Tất cả những cuộc đánh ghen đều cho thấy sự “hung hãn” của chính người ra tay. Dù cô con dâu trong đoạn clip phạm lỗi quan hệ ngoài hôn nhân, thì cũng không có ai, kể cả người chồng, có quyền xâm phạm thân thể cô ấy. Chuyện trong hôn nhân phải được giải quyết bằng những yếu tố thuộc về hôn nhân, trong đó có tình nghĩa và luật pháp. Nếu không giải quyết được bằng lời giữa vợ chồng, thì phải nhờ đến pháp luật.
Bạo lực chỉ có thể làm người ta hả dạ tức thì, chứ không có ý nghĩa gì trong việc giải quyết vấn đề. Tôi tin là bất kỳ một người có bản lĩnh nào cũng sẽ tỉnh táo và kiên nhẫn để vượt qua nhu cầu “hả dạ tức thì” khi giải quyết vấn đề hôn nhân. Người thân hai bên chỉ là một yếu tố bên ngoài, không thể đứng ra giải quyết mâu thuẫn này. Sự hậu thuẫn của gia đình chỉ nên dừng lại ở mức độ khuyên giải, góp ý để người trong cuộc tự suy nghĩ và đích thân giải quyết vấn đề. Tôi chưa bao giờ cho rằng người thân có quyền đứng ra “giải quyết” chuyện hôn nhân của một cặp vợ chồng.
Những người nhà của cả bên chồng và bên vợ hãy từ bỏ suy nghĩ “mình phải ra tay để cứu lấy gia đình của con/em mình”. Nếu người trong cuộc không đủ bản lĩnh hay tình yêu để tự cứu, thì không ai có thể cứu được họ. Phải để mỗi người tự học và tự nuôi dưỡng hôn nhân của mình. Suốt 25 năm chung sống, tôi luôn lưu ý không để người nhà can thiệp vào mâu thuẫn hôn nhân, một mặt để người thân không phiền lòng, mặt khác là để thể hiện sự tôn trọng chồng mình.
Luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng):
Theo pháp luật hiện hành, người có hành vi “ngoại tình” chỉ bị xử lý hành chính hoặc hình sự khi có hành vi khách quan “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng…”. Theo hướng dẫn tại mục 3, Thông tư liên tịch số 01/2001/ TTLT-BTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001, việc chung sống như vợ chồng được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung... Do vậy người đang có vợ hoặc chồng mà quan hệ tình dục (quan hệ bất chính) với người khác và bị bắt quả tang nhưng không có dấu hiệu “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng…” thì chưa đủ cơ sở để xử lý hành chính hay hình sự người đó.
Vì vậy, khi bắt quả tang quan hệ bất chính, các bên liên quan có thể yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản để dùng làm chứng cứ xác định lỗi trong vấn đề ly hôn (nếu có); không được phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người đó. Việc hành hung người ngoại tình hoặc chửi bới, quay clip tung lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc nặng là bị xử lý hình sự liên quan đến nhóm tội danh “xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” tùy tính chất và mức độ vi phạm.
Về việc xử lý vấn đề “ngoại tình”, Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017 sắp tới quy định về “tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” tại điều 182 như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấ m dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Tuyết Dân - Minh Trâm (thực hiện)