Dành dụm chờ tết

24/01/2024 - 10:53

PNO - Thứ gì má cũng dành chờ tết, như thể chỉ tết cả nhà mới thật sự được sống, được ăn, được thở.

Cứ vào khoảng tết Đoan ngọ giữa năm, má nhắc ba làm lại chuồng gà, để má mua vài chục gà con về thả nuôi, chờ tết. Ba vẫn thường nói: “Má con lo xa số 2 thì không ai đứng số 1”. Càu nhàu vậy, ba vẫn đi chặt tre, làm chuồng gà cho má. Vụ lúa hè - thu vừa gặt, má đã nhắc ba làm gì thì làm, nhất định phải chừa 1 công ruộng để má cấy nếp, để tết quết bánh phồng, gói bánh tét, bánh ít…

Chừng tháng Chín âm lịch, nước lũ vừa rút, gió chướng hiu hiu về, má đã lo trồng bầu, bí, dưa leo… để có cái mang ra chợ bán, kiếm tiền sắm sửa tấm áo manh quần cho chị em tôi.

Thứ gì má cũng dành chờ tết, như thể chỉ tết cả nhà mới thật sự được sống, được ăn, được thở. Nhà có buồng chuối buồng dừa, má cũng lên sẵn kế hoạch - chuối này ép phơi khô, để tết làm món chuối khô ngào đường; buồng dừa này để làm mứt, dừa kia lớn trái để dành kho thịt.

Mấy gốc tre, nhánh xoài, má kéo về phơi ở góc sân, để dành tết nấu bánh tét. Nhìn cách má gói ghém chờ tết, tôi cũng nao nao, ngóng tết nhanh về. Thứ gì trông ngóng thường lâu tới, nhưng với má, dường như tết đã sát bên lưng.

Tôi đã thấy tết trong lủ khủ khô cá lóc, cá chạch má phơi trên giàn; trong mấy hũ dưa cải, dưa kiệu má xếp hàng trong gian bếp. Tôi thấy tết ở ngoài sân - nơi má đang dọn cỏ, tỉa hàng rào; trong tiếng chổi tre xào xạc ngoài vườn, trong làn khói má un lên ở góc sân… 

Với má, tết, mọi thứ phải sạch sẽ, tươi mới, thức ăn phải vừa vị nên năm nào nồi thịt lên màu không đẹp, dưa kiệu bị hăng… má lại áy náy như thể đã vô tâm, vụng về. Ba an ủi má: “Thứ gì ngon thì đãi khách, không ngon thì mấy cha con ăn, có gì bà phải lo rầu”.

Nỗi lo rầu của má, sau này lớn lên tôi mới hiểu. Mâm cúng ông bà, mâm tiệc đãi khách phải chỉn chu mới thấy mình đã tròn vai. Đàn ông kiếm tiền, đàn bà phải tính toán sao cho số tiền ấy được xài đúng chỗ. Thiếu đủ đói no của cả nhà trông cậy vào tài quán xuyến của đàn bà.

Nhiệm vụ chẳng ai giao nhưng mặc nhiên đàn bà gánh lấy. Dành dụm tích góp sao cho tết đến trong nhà phải có bánh mứt, thịt kho, con cái có áo mới để khỏi tủi với xóm giềng.

Năm đó, ba đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ. Tôi về nhà, thấy vườn tược um tùm, bếp núc lạnh tanh. Má tôi giờ quên quên nhớ nhớ. Dường như ba đi, mang theo cả mùa xuân của má. Tôi hiểu má lo chu toàn bấy lâu là để ba yên lòng. Ba đi rồi, những việc má làm như thể không còn ý nghĩa gì nữa. 

Tôi gọi mấy đứa em về nhà, đứa dọn cỏ, đứa rửa cải để làm dưa, đứa lo cạy dừa làm mứt. Má bần thần nâng lên đặt xuống mấy thứ chị em tôi bày ra. Má nhắc: “Chuối khô ngào đường nhớ cho nhiều đậu phộng, ba bây thích ăn”, “Trộn dưa cải đừng cho nhiều ớt quá, ba bây hay bị ho”… Tôi quay đi, len lén lau nước mắt. Ba đi nhiều năm rồi, má vẫn nhớ như in những thói quen của ba, những gì ba thích ăn…

Nhớ tết năm trước, sau đợt dịch COVID-19, tôi mua về con heo đất, để trên nóc tủ lạnh. Tôi dặn chồng và 2 con nhớ cho heo ăn, dành dụm chờ tết. Chồng tôi phì cười: “Em nói y hệt má”. Tôi chợt giật mình, từ lúc nào những việc má hay làm đã ăn sâu vào tiềm thức, nên giờ tôi học theo má, hay lo trước lo sau, thứ gì cũng dành dụm chờ tết.

Chợt hiểu, dưới mái nhà mình, bếp ấm hay không do đàn bà khéo lo toan. Khó khăn kiểu gì cũng cố nhen lên ngọn lửa ấm để cả nhà có cái tết sum vầy trọn vẹn. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI